Về sự khó hiểu trong sắc phong cho Đức Ông Trần Thượng Xuyên
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Về sự khó hiểu trong sắc phong cho Đức Ông Trần Thượng Xuyên
Nhờ anh Lê Ngọc Quốc gởi hình để nghiên cứu, nên mình lại phát hiện ra một việc theo mình là có vấn đề về sắc phong cho Đức Ông Trần Thượng Xuyên.
Đây là 2 bản sắc phong cùng một ngày, tức là vào thời gian Thiệu Trị thất niên thập nhị nguyệt sơ thập nhật (紹治㭍年拾貳月初拾日) tức ngày 10 tháng chạp năm Thiệu Trị 7.
Bản sắc phong #1 là để gia tặng thêm 2 mỹ hiệu Diệu Cảm 妙感.
Bản sắc phong #2 là để gia tặng thêm 2 mỹ hiệu Hách Trạc 赫濯.
Thế nhưng điều trớ trêu là cả 2 bản sắc phong Thiệu Trị này được cấp vào tháng Chạp năm 1847, là thời gian mà vua Thiệu Trị đã mất 2 tháng trước đó, tức là vua Thiệu Trị mất ngày âm lịch 27 tháng 9 năm Đinh Mùi tức ngày dương lịch 4 tháng 11 năm 1847, còn 2 bản sắc phong được ban cho Đức Ông xảy ra vào 2 tháng sau là tháng Chạp năm 1847.
Như vậy nếu ta phân tích theo lịch sử:
1. Vua Thiệu Trị (tức đức Hiến Tổ Chương Hoàng Đế) mất ngày âm lịch 27 tháng 9 năm Đinh Mùi tức ngày dương lịch 4 tháng 11 năm 1847. Như vậy mình biết là âm lịch ngày 10 tháng Chạp (tức tháng 12) năm 1847, lúc 2 bản sắc phong được ban, là lúc vua Thiệu Trị đã mất được hơn 2 tháng. Vậy 2 bản sắc phong này là do triều đình vua Tự Đức ban cho, chứ không liên quan gì đến triều đình vua Thiệu Trị cả. Nên nếu có ai viết là 2 bản này có từ thời vua Thiệu Trị là đã đúng hẳn chưa ?
Bạn lưu ý, vụ vua trước mất và niên hiệu vẫn được dùng trong những tháng kế tiếp cùng năm thì mình đã biết, ví dụ vua Thiệu Trị mất tháng 9 mà niên hiệu còn dùng tới tháng 12 năm 1847 thì mình có biết, nên đây không là câu hỏi mình nêu.
Câu hỏi mà mình nêu là người ta không thể cứ thấy niên hiệu vua là cho rằng thời vua còn cai trị, vì có khi đó là thời vua đã mất nhưng chưa được tính qua niên hiệu vua mới.
2. Theo sử (ví dụ Đại Nam Thực Lục quyển 6 hoặc Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả), vua Tự Đức (tức đức Dực Tông Anh Hoàng Đế) nối ngôi ngay sau khi vua Thiệu Trị mất. Theo Đại Nam Thực Lục quyển 06 "chọn ngày tốt, lấy ngày mồng 3 tháng 10 lên ngôi hoàng đế" có nghĩa là vua Thiệu Trị mất ngày 27 tháng 9 thì tới mồng 3 tháng 10 vua Tự Đức lên ngôi.
3. Như vậy khi ta đọc bản sắc phong trên, tháng Chạp năm 1847 đã là tháng thứ 2 sau khi vua Tự Đức lên ngôi, vậy có các điều sau đây ta cũng nên học hỏi:
a. Đã bao giờ có trường hợp, trong cùng 1 ngày mà ra luôn 2 sắc phong, và bản sắc phong #2 dựa vào mỹ hiệu bản sắc phong #1 được ban cùng ngày để cho thêm 2 mỹ hiệu không ? Có thật sự vua và triều đình nghĩ việc tặng mỹ hiệu nhanh đến vậy không ? Và có thật sự có một vị tướng thời chúa Nguyễn (tức Đức Ông Trần Thượng Xuyên) quan trọng đến vậy để vua và triều đình trong cùng 1 ngày ban ra luôn 4 mỹ hiệu liên tiếp nhau không ?
b. Mình đọc sử lại thấy khi vua mất, thường trong vài tháng đầu chắc triều đình cũng lu bu lo việc tang ma, rồi vua mới lên làm lễ rồi sắp xếp công việc lại ra sao, v.v. Ở đây, vua Thiệu Trị mất tháng 9, vua Tự Đức lên ngôi tháng 10, triều định đặt miếu hiệu cho vua Thiệu Trị là Hiến Tổ ngày Nhâm Dần tháng 11, rồi tới tháng 5 năm sau (tức năm 1848), mới đưa vua Thiệu Trị vào lăng. Như vậy, khi mà 2 bản sắc phong này lại được phong ngay vào tháng Chạp năm 1847 là lúc bận rộn đủ chuyện tang ma vua cũ, lên ngôi vua mới, cuối năm Tết đến, v.v. là có hợp lý không ?
Nên giữa lúc tang ma và lên ngôi lẫn thời gian cuối năm mà trong cùng 1 ngày cho luôn 4 mỹ tự với 2 bản sắc phong cho một vị tướng người Tàu thời xưa thật là chuyện hy hữu.
c. Và khi bạn đọc cả 2 bản sắc phong, cả 2 bản sắc phong đều nêu lý do là do các quan tỉnh Vĩnh Long thỉnh trình xin cho cấp lại sắc (thuật ngữ là trùng cấp 重給). Đây là một lý do chính đáng, nhưng tầm quan trọng của sự yêu cầu không hẳn tới cấp quốc gia, mà không hiểu vì lý do nào, mà một ngày triều đình ban luôn 4 mỹ tự liên tiếp nhau qua 2 bản sắc phong, nên việc sắc phong nàykhông là cấp lại sắc mà là ban tặng thêm nữa và phải quan trọng lắm mới làm gấp rút vậy.
Vậy bạn có nghĩ trong lúc tang ma và lên ngôi lẫn cuối năm đủ chuyện, mà triều đình quan tâm yêu cầu cấp lại sắc phong nho nhỏ này của các quan tỉnh Vĩnh Long tới mức mà mau mau viết ra liền 2 sắc phong trong cùng 1 ngày, ban cho 4 mỹ tự với 2 sắc phong khác nhau, và dùng luôn niên hiệu vua cũ vừa mới mất không ? Tại sao triều đình vua Tự Đức không thể đợi đến 1 năm sau khi mà việc tang ma lẫn lên ngôi đã xong xuôi rồi ban sắc nhỉ ? Tại sao phải ban luôn 2 bản sắc phong trong lúc tang ma bối rối và vào lúc cuối năm này ? Chả lẽ vua Tự Đức ưu ái Đức Ông Trần Thượng Xuyên đến vậy sao ? Nếu nước ta có việc sắc phong tương tự, xin bạn share những sắc phong này để mình cùng học hỏi.
Nên vụ sắc phong này theo mình là ngầu, mà mình không hẳn đủ kiến thức để hiểu. Nhưng là một độc giả, mình có thể hỏi câu này không ?
Đó là "Có khi nào 2 bản sắc phong này là những bản sắc phong ngụy tạo không ?
Có khi nào người ta bỏ ra 9 triệu VND mỗi bản sắc phong để mua cho danh chính ngôn thuận trong việc cúng tế như thầy Trương Ngọc Tường đã viết về nạn này không ?" Không hiểu ban quý tế miếu Hội Đồng Vĩnh Long hay những ban quý tế nào khác liên quan (ví dụ như ban quý tế đình Tân Lân) đã có bao giờ hỏi kỹ những người làm trong trung tâm phục sắc ở Huế về những điều như mình nêu trên chưa ? Hay là họ (tức trung tâm phục sắc tại Huế) nói sao mình (tức ban quý tế) tin vậy và đem về thờ ?
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có, xin bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Cheers,
Brian