P08-Bỏ rơi Việt Nam | Nghiên Cứu Lịch Sử
Bỏ rơi Việt Nam (Bài 8) | Nghiên Cứu Lịch Sử
James H. Willbanks | Trần Quang Nghĩa dịch
8 Năm định mệnh
“CUỘC CHIẾN TRANH ĐÔNG DƯƠNG LẦN BA”
Khi năm 1974, “Năm Dần”, bắt đầu, cuộc chiến vẫn tiếp diễn với miền Nam thể hiện khá tốt trước quân Bắc Việt trên chiến trường. Họ đã chiếm lại hầu hết lãnh thổ do kẻ thù chiếm giữ vào tháng 1 năm 1973, ngoại trừ một số căn cứ hỏa lực và tiền đồn biên giới biệt lập do quân Bắc giữ lại. Ngoài ra, họ đã chiếm lại 15 phần trăm tổng diện tích đất do quân BV kiểm soát tại thời điểm ngừng bắn, bao gồm 779 ấp đã hoàn toàn hoặc chủ yếu nằm dưới sự kiểm soát của Cộng sản sau cuộc chiếm đất năm 1973. Những thành quả này phải trả giá đắt. Quân đội miền Nam đã chịu 25.473 thương vong trong trận chiến năm 1973, vượt quá bất kỳ năm nào trước đó trong cuộc chiến, ngoại trừ năm 1968, năm diễn ra cuộc tấn công Tết Mậu Thân và năm 1972, năm diễn ra cuộc xâm lược Phục sinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bất chấp những tổn thất này, Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã báo cáo vào tháng 2 rằng Quân đội miền Nam đang tự mình chống đỡ và giữ được “thế cân bằng không dễ dàng” trên chiến trường.
Khi quân đội Hoa Kỳ rời khỏi miền Nam vào năm 1973, Tổng thống Thiệu tự nhiên nắm quyền kiểm soát chiến lược của riêng mình. Một số ít người Mỹ còn lại trong Cơ quan Tình báo Chiến lược không có vai trò cố vấn cho Thiệu và các tướng lĩnh của ông về chiến lược sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Đại tá William Le Gro, giám đốc Cơ quan Tình báo Chiến lược, đã viết:
Thỏa thuận ngừng bắn ở Việt Nam báo hiệu sự kết thúc của nỗ lực cố vấn của Hoa Kỳ tại quốc gia đó. Các viên chức cấp cao của DAO đã cẩn thận tránh bất kỳ lời đề nghị tư vấn hoạt động nào cho người Việt Nam mà họ làm việc chặt chẽ và liên tục. Sự hỗ trợ kỹ thuật do các viên chức quân sự và dân sự cấp cao của DAO và các nhà thầu cung cấp là cần thiết cho quá trình hiện đại hóa và mở rộng của QLVNCH, nhưng quân đội miền Nam sẽ không nhận được lời khuyên nào về các hoạt động quân sự, chiến thuật hoặc kỹ thuật sử dụng. Cuộc chiến giờ thuộc về người Việt Nam, và họ phải chiến đấu một mình. QLVNCH biết phải làm gì nhưng phải được cung cấp khí tài phương tiện.
Trong khi một số ít người Mỹ còn lại quan tâm đến việc giúp miền Nam duy trì các công cụ chiến tranh, chiến lược của Thiệu vẫn đơn giản là “giữ tất cả lãnh thổ và bằng mọi giá”. Như một trong những cố vấn của Thiệu đã mô tả, “Bất cứ nơi nào có cuộc tấn công hoặc xâm nhập của Cộng sản, lực lượng miền Nam phải phản ứng ngay lập tức. Vì vậy, lá cờ của miền Nam phải ở khắp mọi nơi, ngay cả trên tiền đồn xa nhất của đất nước.”
Chiến lược của Thiệu có một số nhược điểm nghiêm trọng cuối cùng đã gây ra hậu quả thảm khốc cho chế độ Sài Gòn. Đầu tiên, QLVNCH, cố gắng tuân theo lệnh của tổng thống, đã bị kéo căng rất mỏng và luôn ở thế phòng thủ. Như vậy, họ chỉ có thể phản ứng với các động thái của Bắc Việt, những người có thể đặt ra các điều khoản của trận chiến và do đó đạt được ưu thế về số lượng tại địa điểm và thời điểm họ chọn. Theo Tướng Cao Văn Viên, cựu chủ tịch Bộ Tổng tham mưu QLVNCH, lệnh của Thiệu “tương đương với việc hy sinh một số lượng lớn quân lính có thể được sử dụng hiệu quả ở nơi khác.”
Thứ hai, QĐVNCH sở hữu một lực lượng dự bị chiến lược hạn chế, và ngay cả những lực lượng này cũng được giao nhiệm vụ phòng thủ cố định. Thứ ba, lực lượng dân quân địa phương bị trói buộc trong các tiền đồn nhỏ với ít hoặc không có khả năng cơ động. Cuối cùng, QĐVNCH có rất ít quân để dự phòng cho bất kỳ nhiệm vụ tiếp theo nào nhằm ngăn chặn nỗ lực tiếp viện và tiếp tế khổng lồ của Bắc Việt đổ xuống Đường mòn Hồ Chí Minh vào các khu vực tập kết ở Lào và Campuchia. Do đó, chiến lược của Thiệu, đòi hỏi khả năng cơ động tối đa để ứng phó với mọi mối đe dọa của quân BV, đã dẫn đến điều ngược lại: hầu hết lực lượng của ông đều bất động và ở thế phòng thủ.
Ngay sau khi năm mới bắt đầu, Thiệu tuyên bố bắt đầu “Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba”, nói rằng ông sẽ điều động lực lượng của mình thực hiện “các hành động trừng phạt thích hợp” sẽ được triển khai “không chỉ ngay trong các vùng kiểm soát của chúng tôi, mà còn ngay trong các khu vực mà quân đội Cộng sản Bắc Việt vẫn đóng quân” Theo đó, vào tuần thứ hai của tháng 2, Thiếu tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Quân đoàn IV của QLVNCH đã ra lệnh cho lực lượng sư đoàn 7 và 9 tấn công Sư đoàn 5 của QĐNDVN (Sư đoàn 5 VC trước đây đã đóng vai trò chính trong trận đánh An Lộc năm 1972) tại khu vực Trị Pháp nằm giữa các tỉnh Định Tường, Kiến Phong và Kiến Tường ở Đồng bằng sông Cửu Long. Quân miền Nam đã bất ngờ tấn công quân Cộng sản, buộc họ phải rút lui với tổn thất nặng nề về người, đạn dược, và vật tư. Trong hai tháng tiếp theo, giao tranh dữ dội diễn ra tại khu vực Trị Pháp và QLVNCH đã thể hiện xuất sắc, tiêu diệt hơn một nghìn bộ đội Bắc Việt và thu giữ 5.000 tấn gạo, hơn 600 vũ khí, 8 tấn đạn dược và một lượng lớn thiết bị quân sự khác. Quân miền Nam bị thương 700 người, nhưng không tới 100 người tử trận. Trong quá trình này, ba trung đoàn của QDNDVN (Z-15, Z-18 và Đồng Tháp 1) đã bị tổn thất nặng nề. Đến cuối tháng 5, quân miền Nam đã kiểm soát vững chắc Tri Pháp và khu vực xung quanh.
Sư đoàn 5 Bắc Việt rút về khu vực Mỏ Vẹt ở Tỉnh Svay Rieng, Campuchia, ngay phía tây Sài Gòn. Từ vị trí đó, BV bắt đầu mở các cuộc tấn công vào các vị trí quân miền Nam ở các tỉnh Tây Ninh, Hậu Nghĩa và Kiến Tường. Trung tướng Phạm Quốc Thuận, chỉ huy Quân đoàn III VNCH, quyết định tấn công địch tại các nơi ẩn náu của chúng ở Campuchia, bắt đầu triển khai hơn 20 tiểu đoàn cơ động xung quanh Mỏ Vẹt để chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào khu vực căn cứ của BV xung quanh Svay Rieng. Ngày 27 tháng 4, Thuận ra lệnh tiến quân và lực lượng bộ binh và thiết giáp QLVNCH đã tấn công. Các đoàn xe tăng tiến vào lãnh thổ Campuchia mười sáu km, và các đơn vị bộ binh được trực thăng vận đã chiếm giữ các vị trí chặn phía sau quân phòng thủ Bắc Việt. Cuộc giao tranh diễn ra ác liệt, nhưng QLVNCH, với sự hỗ trợ trên không tầm gần của Không quân Việt Nam, đã duy trì được đà tấn công cho đến ngày 10 tháng 5, khi lực lượng miền Nam rút lui về biên giới. Chiến dịch đã thành công: quân tấn công VNCH đã giết chết 1.200 quân Cộng sản, bắt thêm 65 tù binh, phá hủy một lượng lớn vật tư và làm gián đoạn liên lạc và hậu cần của địch trên khắp khu vực.
Tuy nhiên, những thành công này không kéo dài lâu và chiến dịch Svay Rieng là cuộc tấn công lớn cuối cùng do lực lượng miền Nam tiến hành; năm 1974 sẽ chứng tỏ là một năm định mệnh đối với miền Nam. Cuối cùng, chiến lược “giữ bằng mọi giá” của Thiệu sẽ kết hợp với hai yếu tố khác để định đoạt số phận của miền Nam. Hai yếu tố này là mất đi sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và tinh thần chiến đấu suy sụp nhanh chóng, cuối cùng sẽ dẫn đến sự thất thủ của Sài Gòn và sự sụp đổ của miền Nam như một quốc gia có chủ quyền. Mặc dù những sự kiện này sẽ không xảy ra cho đến năm 1975, nhưng con xúc xắc đã được gieo và “sự tan rã của miền Nam đã bắt đầu”.
Việc Mỹ rút quân đã để lại một khoảng trống mà miền Nam, mặc dù lực lượng QLVNCH đã tăng lên, nhưng không thể nào lấp đầy. Năm 1969, Hoa Kỳ và miền Nam đã triển khai chung 22 sư đoàn; năm 1974, miền Nam chỉ tập hợp được 13 sư đoàn. Ngược lại, lực lượng Cộng sản ở miền Nam đã lên tới 646 tiểu đoàn vào đầu năm 1974, tăng rất nhiều so với tổng số 352 của năm 1969. Do đó, sự chênh lệch về quân số tương đối giữa miền Nam và miền Bắc ngày càng lớn, khi lực lượng Bắc Việt tăng lên hàng ngày ở miền miền Nam.
Thậm chí còn quan trọng hơn việc Mỹ rút quân chiến đấu trên bộ là việc mất đi sức mạnh không quân của Hoa Kỳ, vốn không còn khả dụng đối với miền Nam. Đối với một lực lượng đã quen phụ thuộc vào sự hiện diện liên tục của máy bay Hoa Kỳ để hỗ trợ, việc cắt giảm mạnh mẽ sức mạnh chiến đấu sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc. Trớ trêu thay, chính sách Việt Nam hóa của Nixon đã phát huy tác dụng rất tốt đến mức nó dạy cho người miền Nam cách chiến đấu “theo kiểu Mỹ”, sử dụng khả năng cơ động trên không, hỗ trợ trên không chiến thuật và chi tiêu xa xỉ đạn dược và quân dụng khác. Bây giờ họ thấy mình đang cố gắng tiến hành một cuộc chiến như vậy trong những tình huống mà sự hỗ trợ trên không, đạn dược, thiết bị và vật tư cần thiết hoặc là thiếu hụt hoặc không có sẵn. Tham gia vào cuộc đấu tranh sống còn với quân Bắc Việt, người miền Nam không muốn cũng không thể tái cấu trúc lực lượng và khái niệm tác chiến của mình để phù hợp với tình hình mới do việc cắt giảm mạnh viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Sài Gòn quyết định.
Một số nỗ lực đã được thực hiện để củng cố và tổ chức lại các đơn vị chiến đấu để phù hợp với tình hình mới. Lực lượng dự bị chung được mở rộng (mỗi sư đoàn Nhảy dù và Thủy quân Lục chiến đều nhận được một lữ đoàn bổ sung) và hai nhóm biệt động mới được tổ chức. Ngoài ra, Tham mưu trưởng Liên quân đã chuyển đổi các sở chỉ huy khu vực thành các nhóm chỉ huy khu vực di động, với hy vọng giải phóng các sư đoàn chính quy khỏi những lo ngại về lãnh thổ và cung cấp cho các khu vực quân sự một lực lượng chiến đấu đáng kể để đối đầu với các đơn vị lãnh thổ của kẻ thù.
Những nỗ lực tái tổ chức này kém hiệu quả vì chúng không giải quyết được vấn đề cốt lõi: phong cách chiến đấu của QLVNCH. Các lực lượng vẫn cố gắng chiến đấu theo cách chiến tranh của Mỹ, nhưng không có tất cả các hệ thống vật chất và vũ khí cần thiết mà họ yêu cầu. Như một quan sát viên đã phát biểu một cách chính xác, “QLVNCH phải tham gia cuộc chiến của một người giàu có với ngân sách của một người nghèo khổ.”
Thiệu và các tướng lĩnh của ông đã hành động như thể sự hỗ trợ của Mỹ được đảm bảo trong một tương lai vô thời hạn. Khi người Mỹ rời đi vào năm 1973, miền Nam đã thực hiện một vài điều chỉnh và tiếp tục tiến hành chiến tranh trên cơ sở “hoạt động như thường lệ”. Cựu tư lệnh Sư đoàn 3 của Quân đội Việt Nam Cộng hòa, Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh sau này đã viết rằng “VNCH không thể nghĩ đến việc thắt lưng buộc bụng vì lý do đơn giản là viện trợ quân sự được dúi vào tay họ và không ai có thể lường trước được một ngày nào đó viện trợ này sẽ bị cắt giảm. Vì vậy, khi viện trợ đột nhiên bị cắt giảm, VNCH thực sự gặp rắc rối”. Cách mô tả của Hinh về viện trợ “dúi vào tay” còn gây tranh cãi, nhưng đánh giá của ông về kết quả của việc cắt giảm viện trợ chắc chắn là đúng.
Giếng bắt đầu cạn kiệt vào năm 1974. Trong năm 1972–73, miền Nam đã nhận được 2,2 tỷ đô la viện trợ của Hoa Kỳ. Trong năm 1973–74, con số đó đã giảm xuống còn 964 triệu đô la, giảm hơn 50 phần trăm. Đầu năm 1974, Thiếu tướng John Murray, DAO ở Sài Gòn, đã khuyên Đại sứ Martin rằng Thiệu và các tướng lĩnh của ông nên được thông báo rằng họ cần phải bắt đầu tiết kiệm ngay lập tức để tránh một cuộc khủng hoảng sau này. Lo sợ rằng điều này sẽ gây “bất ổn về mặt chính trị” đối với miền Nam, Martin đã cấm Murray đề cập đến vấn đề này.
Thoạt nhìn, có vẻ như miền Nam có đủ vật tư chiến tranh để tiếp tục cuộc chiến chống lại Bắc Việt vô thời hạn. Họ đã nhận được 753 triệu đô la máy bay, trực thăng, xe tăng, pháo và các thiết bị quân sự khác theo chương trình Tăng cường và Tăng cường Thêm. Tuy nhiên, như đã thảo luận ở trên, phần lớn các thiết bị này không phù hợp với nhu cầu của QLVNCH hoặc không thể sử dụng và bảo dưỡng vì miền Nam không thể đáp ứng các yêu cầu về quản lý và đại tu để duy trì hoạt động. Do đó, phần lớn thiết bị mới, như một quan chức Hoa Kỳ đã lưu ý, vẫn nằm trong kho “ngồi chơi xơi nước và rỉ sét”. Thật không may, chỉ riêng sự hiện diện của số lượng đồ sộ thiết bị này đã mang lại cho miền Nam cảm giác an toàn giả tạo khi họ cho rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cung cấp phụ tùng, nhiên liệu và đạn dược cần thiết để vận hành các loại vũ khí và máy móc mới.
Mặc dù cuối cùng giới lãnh đạo QLVNCH đã thiết lập các biện pháp kiểm soát chi tiêu để tiết kiệm nhiên liệu, đạn dược và vật tư, nhưng binh lính miền Nam vẫn cứ quen chiến đấu theo cách họ đã được dạy. Không có thay đổi nào về chiến thuật cơ bản và các khái niệm tác chiến dựa vào một lượng lớn pháo binh và không quân, các biện pháp kiểm soát mới đã không hiệu quả. Quân đội miền Nam bắt đầu thiếu hụt nhiên liệu và đạn dược mà họ có trong tay; đến đầu năm 1974, tuyến tiếp tế đã cạn kiệt và “hệ thống dự trữ không bao giờ phục hồi được”. Họ gần như đã cạn kiệt mọi thứ mà họ đã quen có thừa mứa khi Hoa Kỳ còn ở bên.
Tình trạng khan hiếm đó đã nhanh chóng làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của miền Nam và có tác động bất lợi đến ý chí tiếp tục chiến đấu của họ. Đến giữa năm 1974, nguồn cung cấp đạn dược đã cạn kiệt, đặt ra những hạn chế nghiêm trọng đối với các hoạt động chiến đấu. Ví dụ, các khẩu đội pháo binh ở Cao nguyên Trung phần, vốn trước đó bắn 100 quả đạn mỗi ngày, đã giảm xuống chỉ còn 4 quả mỗi ngày. Đến mùa hè, mỗi binh lính VNCH chỉ được phép sử dụng 85 viên đạn mỗi tháng. Lựu đạn cầm tay và các loại đạn thiết yếu khác cũng cắt giảm sâu. Ngay cả thông tin liên lạc cũng bị ảnh hưởng vì pin vô tuyến bị thiếu hụt
Việc thiếu nhiên liệu là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến cả sức mạnh chiến đấu và khả năng cơ động. Những hạn chế trong việc phân bổ nhiên liệu chỉ cho phép 55 phần trăm phương tiện của miền Nam—xe tải, xe tăng, xe bọc thép chở quân, tàu tuần tra trên sông, trực thăng, máy bay—hoạt động, và những phương tiện có thể hoạt động thì mức hoạt động cũng giảm đáng kể. Khoảng một nửa đội xe tải của QĐVNCH đã bị bỏ không vì thiếu nhiên liệu và phụ tùng. Một sĩ quan cấp tướng ở Quân đoàn I lưu ý rằng “các đơn vị cứu thương thiếu xăng đến mức để di tản những thương binh, họ phải kéo bốn xe cứu thương liên tiếp bằng một chiếc xe tải 2 1/2 tấn.”
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, Hải quân VN buộc phải vô hiệu hóa một nửa số đơn vị của mình vì không thể duy trì hoặc tiếp nhiên liệu cho tất cả các tàu thuyền trên sông. Không lực VNCH bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng: do thiếu nhiên liệu và thiếu phụ tùng thay thế, khả năng cơ động chiến lược thông qua việc sử dụng trực thăng và máy bay chở hàng đã giảm từ 50 đến 70 phần trăm.
Vào giữa năm 1974, Tướng Phạm Quốc Thuần, tư lệnh Quân đoàn III của QLVNCH, đã mô tả một cách khéo léo về những tác hại của tình trạng thiếu hụt:
Trong quý cuối năm 1973 . . . nguồn cung cấp nhiên liệu và đạn dược giảm 30% so với quý đầu tiên, hoặc giảm 60% nếu so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung tiếp tục giảm 30% trong quý đầu tiên năm 1974, và giảm thêm 20% nữa trong quý tiếp theo. . . . Vào đầu năm 1973, Quân đoàn III được phân bổ 200 phi vụ không kích chiến thuật mỗi ngày; đến cuối năm 1973, chỉ có 80 phi vụ được thực hiện, và trong nửa đầu năm 1974, số lượng phi vụ được phân bổ dao động trong khoảng từ 30 đến tối đa là 60. Việc giảm mạnh các phi vụ không quân này không phải do thiếu máy bay mà là do thiếu nhiên liệu, bom và đạn dược.
Đối với một lực lượng đã được dạy cách sử dụng hỏa lực lớn và được lệnh “giữ vững mọi nơi”, tình hình trở nên rất nghiêm trọng. Theo Đại tá Le Gro, thành công của lực lượng vũ trang miền Nam trong năm 1973 sỡ dĩ có thể phần lớn là do khả năng di chuyển nhanh chóng để tăng cường đến các vị trí bị đe dọa hoặc tấn công các khu vực tập trung quân Bắc Việt, nhưng khả năng cơ động đó “gần như biến mất do nguồn tài trợ cho các yêu cầu bảo dưỡng giảm và chi phí tăng vọt của tất cả các nguồn cung cấp, đặc biệt là nhiên liệu”.
Ngoài tình trạng thiếu hụt vật tư, miền Nam bắt đầu trải qua tình trạng thiếu hụt nhân sự. Việc duy trì QLVNCH ở mức quân số 1,1 triệu người có vũ trang ngày càng trở nên khó khăn đối với Sài Gòn. Theo Tướng Cao Văn Viên, cựu Tổng tham mưu trưởng Liên quân, để khắc phục tình trạng hao hụt do tổn thất chiến đấu, tử vong thông thường, đào ngũ và giải ngũ, lực lượng này cần một quân số thay thế hàng năm từ 200.000 đến 240.000 người; tuy nhiên, quân dự bị chỉ có khoảng từ 100.000 đến 150.000 người, dẫn đến tình trạng thiếu hụt thường xuyên từ 90.000 đến 100.000 binh sĩ.
Do đó, nhiều đơn vị bị thiếu quân, đặc biệt là trong các lực lượng chiến đấu đang gánh chịu phần lớn mũi dùi của trận chiến. Một nghiên cứu của DAO về Quân khu II vào đầu năm 1974 cho thấy chỉ có 65 phần trăm nhân lực của QLVNCH có mặt để làm nhiệm vụ.
Không có gì ngạc nhiên khi tình trạng thiếu hụt nhân lực, cùng với tình trạng thiếu hụt thiết bị và vật tư, đã có tác động tàn phá đến tinh thần của quân lính. Số lượng tân binh thay thế đến các đơn vị chiến đấu ít hơn; nguồn cung cấp đạn dược giảm dẫn đến nhiều thương vong hơn; và tình trạng thiếu trực thăng hoạt động đã làm chậm trễ việc sơ tán kịp thời các thương binh. Khi đến bệnh viện, những binh sĩ bị thương phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc men, thuốc kháng sinh và băng gạc (trong nhiều trường hợp phải giặt và sử dụng lại). Ý chí chiến đấu của người lính miền Nam bắt đầu dao động trong những điều kiện này là điều dễ hiểu.
Sài Gòn, đối mặt với tình trạng thiếu hụt tiền bạc và nguồn lực ngày càng tăng, đã phải cắt giảm phụ cấp lương của binh lính, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần quân đội miền Nam và gia đình họ. DAO đã tiến hành một cuộc khảo sát vào năm 1974 nhằm xác định tác động của những đợt cắt giảm này đối với điều kiện kinh tế của những người lính miền Nam. Báo cáo cuối cùng, do Tony Lawson, giám đốc Nghiên cứu đặc biệt của DAO, kết luận rằng “quân nhân miền Nam buộc phải sống dưới mức sinh hoạt hợp lý và hiệu suất cũng như mức độ hoàn thành nhiệm vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng… tình hình này đã làm xói mòn sức chiến đấu không thể được phép tiếp tục, nếu quân đội miền Nam muốn được coi là một lực lượng khả thi.” Một sĩ quan TQLC miền Nam đã chứng minh Lawson đánh giá đúng khi, trả lời một cuộc khảo sát do Tập đoàn Rand thực hiện cho Bộ Quốc phòng, đã nói một cách cay đắng: “Đúng vậy, anh là một người lính, anh là một tiểu đội trưởng với binh sĩ của mình, và anh nhận được lệnh bảo vệ một ngọn đồi cho đến chết. Anh không thể bảo vệ cho đến chết, khi mà mỗi tuần anh đều nghe gia đình mình than thở họ không có đủ thức ăn để ăn. Và trong khi anh nhìn vào Sài Gòn, những kẻ giàu có thừa mứa thức ăn, rượu thịt, họ có tiền, họ thoải mái, có thời gian vui chơi. Tại sao anh phải chiến đấu đến chết? Vì ai?”
Sài Gòn đã làm rất ít hoặc không làm gì để khắc phục tình hình. Kết quả là tình trạng đào ngũ tăng mạnh. Chẳng mấy chốc, 15.000 đến 20.000 binh lính miền Nam đã bỏ trốn khỏi đơn vị mỗi tháng. Tệ hơn nữa, nhiều người ở lại với đơn vị của họ đã đút lót với chỉ huy của mình để được phân công làm những việc khác thay vì tác chiến. Bọn lính này được gọi là lính kiểng và thường phải trả tiền cho chỉ huy để được đặc ân rời khỏi đơn vị, làm giảm thêm sức mạnh chiến đấu của tổ chức.
Còn có những người lính khác kiếm thêm tiền bằng cách bán vũ khí, đạn dược, và thiết bị của họ cho kẻ thù. Theo đánh giá của DAO vào tháng 2 năm 1974, “Các chỉ huy trong quân khu I thừa nhận rằng họ không thể dự trữ đủ áo choàng đi mưa, dụng cụ đào hào, bộ dụng cụ cơ khí, v.v., vì những binh lính, có gia đình đang túng quẫn, đã bán những mặt hàng này trên thị trường chợ đen để lấy tiền mua thức ăn.” Một số binh lính miền Nam bắt đầu săn mồi chính đồng bào của mình. Một phụ nữ nông dân đang làm việc trên cánh đồng lúa gần Căn cứ Không quân Chu Lai do Mỹ xây dựng đã nói với một phóng viên Mỹ rằng, “Họ [quân đội VNCH] cướp bóc chúng tôi mọi lúc. Người dân không thể làm gì vì họ có súng—chúng tôi không thể làm gì ngoài việc kêu khóc.”
Các nhà lãnh đạo cấp cao có thể đã vào cuộc để hỗ trợ quân đội của họ và đảm bảo rằng họ không ngược đãi dân làng địa phương, nhưng hầu hết đều không làm gì cả. Nhiều chỉ huy cấp cao có vẻ quan tâm đến sinh kế của chính mình hơn là hoàn cảnh của những người lính. Thay vì kiềm chế tham nhũng, họ thường xuyên tham gia, nâng nó gần như lên thành một hình thức nghệ thuật. Một nghiên cứu năm 1974 do Nguyễn Văn Ngân, một trong những phụ tá thân cận nhất của Tổng thống Thiệu, thực hiện, cáo buộc rằng hơn hai phần ba trong số 60 tướng và đại tá trong QĐVNCH đã tham gia vào một số hình thức hoạt động bất hợp pháp. Một nghiên cứu khác về tình trạng tham nhũng trong quân đội do Cục An ninh Quân đội Việt Nam Cộng hòa tiến hành đã phát hiện ra rằng: “Kể từ khi ngừng bắn, các hoạt động quân sự của lực lượng chúng ta đã trở nên ít tích cực hơn do tinh thần của những người lính suy giảm, những người không muốn chịu đựng gian khổ hoặc quá tự tin vào thỏa thuận ngừng bắn. Một yếu tố đáng chú ý diễn ra bên cạnh tinh thần chiến đấu hăng hái của phần lớn những người lính là tình trạng tham nhũng của một số cấp chỉ huy trốn tránh trách nhiệm, tránh gian khổ và tham gia vào các hoạt động vì lợi ích cá nhân.”
Cùng báo cáo này cũng cho biết rằng “cấp chỉ huy cấp dưới, đặc biệt là cấp chỉ huy tiểu đoàn và đại đội,” đã bán vũ khí và thiết bị, biển thủ tiền công quỹ, tống tiền cấp dưới và “dành sự chú ý của họ vào công việc kinh doanh riêng tư.” Một số chỉ huy kiếm tiền bằng cách bỏ túi tiền lương của những người lính “ma” không tồn tại trong danh sách đơn vị. Một cựu quan sát viên miền Nam đã viết sau chiến tranh rằng việc duy trì “lính ma” trong danh sách đơn vị là một thông lệ phổ biến, đặc biệt là ở Quân khu IV trong cả các tiểu đoàn chính quy và địa phương. Ông đã trích dẫn một báo cáo năm 1974 rằng hầu hết các tiểu đoàn Địa phương quân ở Đồng bằng có quân số chiến đấu thực tế từ 150 đến 250 lính. Tuy nhiên, số lượng lính được báo cáo trong danh sách đơn vị thường là hơn 400. Do đó, các chỉ huy trong các tiểu đoàn này có thể thu thập và bỏ túi tiền lương của khoảng 200 “lính ma”.
Những chỉ huy khác kiếm tiền từ “lính kiểng” phải trả tiền để được giao các nhiệm vụ an toàn. Một số sĩ quan khác lại đòi tiền dân làng hoặc chủ doanh nghiệp ở vùng xa để được bảo vệ. Các chỉ huy hải quân ở Đồng bằng Cửu Long đã bán nhiên liệu diesel chạy tàu để kiếm lợi nhuận cá nhân. Thậm chí còn có báo cáo cho rằng một số phi công trực thăng đã ra giá cho việc di tản thương binh khỏi chiến trường. Cựu tướng lĩnh và bộ trưởng quốc phòng VNCH Trần Văn Đôn sau này đã nói rằng “hầu như tất cả những ai có khả năng đều lợi dụng chức vụ của mình và tham gia vào việc trục lợi.”
Nạn tham nhũng tràn lan và khả năng lãnh đạo yếu kém đã dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng thành tích của QLVNCH trên chiến trường. Kỷ luật suy sụp và tinh thần xuống đến mức thấp mới. Nạn nghiện rượu và chơi ma túy gia tăng. Trong khi cuộc chiến kéo dài và thương vong cứ gia tăng, binh lính chứng kiến gia đình họ đói khổ, nheo nhóc, trong khi giới chóp bu thường chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân hơn là chiến đấu với kẻ thù, còn quân tiếp tế và vật tư ngày càng cạn kiệt. Theo Tướng Davidson, kết quả là “một sự tê liệt bắt đầu bao trùm QĐVNCH—bắt đầu chấp nhận uể oải rằng cuộc chiến đang dần vuột khỏi tay họ và cuối cùng sẽ thua cuộc”. Tình trạng này rất đáng ngại, vì Bắc Việt đang chuẩn bị tăng áp lực trên chiến trường.
Mặc dù có những tín hiệu rõ ràng là Hoa Kỳ sẽ không tham chiến trở lại, Tổng thống Thiệu, vốn đã nhận được nhiều lời hứa từ Nixon, vẫn bám víu niềm tin vào sự can thiệp của Hoa Kỳ sẽ cứu vãn tình hình. Do đó, ông không có bước đi quyết liệt nào để ngăn chặn vòng xoáy đi xuống ngày càng tăng tốc của lực lượng mình. Tướng Davidson, khi viết sau chiến tranh, đã đổ ít nhất một phần lỗi cho Thiệu đã không làm việc với các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của miền Nam: “Bộ Tổng tham mưu, luôn yếu đuối và bị Thiệu khuất phục, không nghiên cứu các lựa chọn nào khác cho tình hình suy thoái này. Sự thụ động và chỉ biết cầu nguyện là công thức của họ.”
Thiệu cũng phải đối phó với sự sụp đổ thực sự của nền kinh tế miền Nam . Miền Nam từ lâu đã phụ thuộc vào viện trợ của Hoa Kỳ và doanh thu tạo ra từ sự hiện diện của một số lượng lớn quân đội Hoa Kỳ đã thúc đẩy nền kinh tế của mình. Giờ đây khi quân đội Mỹ đã rời đi và viện trợ quân sự Mỹ giảm mạnh, nền kinh tế gần như khựng lại, để lại tình trạng thất nghiệp tràn lan. Dân tị nạn chạy vào các thành phố để tránh khỏi vùng giao tranh liên tục đã làm trầm trọng thêm vấn đề kinh tế.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ước tính vào năm 1974 có gần một triệu công nhân, khoảng 20 phần trăm lực lượng lao động dân sự, thất nghiệp. Chi phí sinh hoạt, đã tăng vọt lên 65 phần trăm vào năm 1973, đã tăng thêm 27 phần trăm trong sáu tháng đầu năm 1974. Giá xăng tăng từ 31 lên 105 đồng một lít. Giá mọi thứ khác cũng tăng vọt: gạo tăng 100 phần trăm; đường tăng 107 phần trăm; dầu ăn tăng 139 phần trăm; và dầu hỏa tăng 112 phần trăm. Đồng thời, thu nhập bình quân đầu người giảm 25 phần trăm. Ở nông thôn, lao động thiếu hụt, và mặc dù thu hoạch lúa kỷ lục vào năm 1973, sản xuất nông nghiệp vẫn không đáp ứng được nhu cầu của đất nước. Đến giữa năm 1974, miền Nam đã sa lầy vào một cuộc suy thoái hứa hẹn sẽ tồi tệ hơn theo thời gian. Thiệu đã thực hiện các bước để làm chậm đà suy thoái kinh tế, nhưng tỏ ra không đủ.
Làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế tồi tệ là nạn tham nhũng tràn lan, vốn phổ biến trong khu vực công cũng như trong quân đội miền Nam. Buôn lậu tràn lan, và rượu whisky, xà phòng và các hàng hóa không đánh thuế khác tràn ngập vào thị trường chợ đen, khiến chính phủ mất đi nguồn thu rất cần thiết. Việc đầu cơ các mặt hàng như gạo, đường và phân bón đã dẫn đến các vụ bê bối liên quan đến các quan chức chính phủ cấp cao, sĩ quan quân đội cấp cao và thậm chí các tu sĩ Phật giáo và Công giáo. Một câu nói của Sài Gòn vào thời điểm đó là, “Ngôi nhà bị mục ruỗng từ mái xuống”, và nhiều người miền Nam cho rằng Tổng thống Thiệu trực tiếp chịu trách nhiệm về nạn tham nhũng tràn lan đã thấm nhuần vào cuộc sống hàng ngày. Họ không nói sai, vì có rất nhiều bằng chứng cho thấy thậm chí Thiệu đã dung túng hoặc trực tiếp hưởng lợi từ nạn tham nhũng lan tràn. Một số cố vấn và bạn bè thân thiết nhất của Thiệu, chẳng hạn như Tướng Đặng Văn Quang, trợ lý đặc biệt về quân sự và an ninh, nằm trong số những tên tham ô nhất ở miền Nam.
Tham nhũng tràn lan đã gây ra tác động tàn phá đối với xã hội miền Nam. Sau chiến tranh, cựu trung tướng QLVNCH Lâm Quang Thi đã mô tả tình hình như sau:
Tham nhũng luôn gây ra bất công xã hội. Ở Việt Nam, một đất nước đang có chiến tranh, bất công xã hội dường như rõ ràng hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Tham nhũng đã tạo ra một nhóm tinh hoa nhỏ nắm giữ mọi quyền lực và của cải, trong khi cái gọi là “tầng lớp trung lưu” chủ yếu bao gồm sĩ quan quân đội và công chức ngày càng nghèo đi khi gia nhập hàng ngũ nông dân, công nhân và quân đội. Những tầng lớp xã hội thấp hơn là những người gánh vác gánh nặng của chiến tranh và hy sinh tất cả. Chính những người nông dân đã đóng thuế cho chính phủ, hối lộ cảnh sát, mua phân bón với giá cắt cổ và bán gạo với giá do chính phủ ấn định. Chính những người này đã gửi con trai của họ đi chiến đấu và hy sinh vì đất nước trong khi các quan chức chính phủ và những người giàu có gửi con trai của họ ra nước ngoài. . . . Chính phủ tuyên bố sẽ giành được trái tim và khối óc của người dân, nhưng tất cả những gì họ làm được là tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa giới lãnh đạo và quần chúng.
Tham nhũng và cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng lún sâu đã có sức tàn phá đến tinh thần và đạo lý của người dân miền Nam, vốn đã xuống thấp do tình trạng đổ máu liên tục của cục diện “không chiến tranh, không hòa bình” đã diễn ra kể từ khi các hiệp định hòa bình được ký kết. Bây giờ, đối mặt với áp lực quân sự mới từ Bắc Việt và gồng mình dưới thảm họa kinh tế, người dân miền Nam ngày càng cảm thấy mình bị bỏ rơi không chỉ bởi Hoa Kỳ, mà còn bởi chính phủ của họ. Theo Tướng Davidson, “Năm 1974, đối với họ cuộc chiến đã kết thúc; họ cảm nhận được giờ cáo chung VNCH đã điểm và ngay cả khi không có cuộc tấn công của kẻ thù, chế độ Thiệu cũng đang trên bờ vực sụp đổ.” Nguyễn Bá Cẩn, thủ tướng cuối cùng của VNCH, đồng ý với đánh giá này, sau đó nói rằng “cuộc chiến đã kéo dài quá lâu, quá tốn kém và đã đưa ra quá ít triển vọng chấm dứt thuận lợi.” Hậu quả, theo sĩ quan tình báo Stuart Herrington của DAO, là “sự xói mòn niềm tin của người dân vào chiến thắng cuối cùng. Người dân ngày càng cảm thấy mình như đang ngồi trên một quả bom hẹn giờ, và Bắc Việt đang thêm những thanh thuốc nổ mới vào quả bom đó mỗi ngày.”
CÁC “CUỘC ĐỘT KÍCH CHIẾN LƯỢC” VÀ CUỘC TẤN CÔNG MÙA HÈ CỦA BẮC QUÂN
Đánh giá của Herrington là đúng. Chính trong bối cảnh miền Nam bất ổn, Bắc Việt đã quyết định đưa “chiến tranh trong hòa bình” lên một tầm cao mới. Khi Hà Nội tăng cường hành động quân sự vào tháng 10 năm 1973, các nhà lãnh đạo Bắc Việt đã theo dõi chặt chẽ phản ứng của Hoa Kỳ. Không chỉ người Mỹ không phản ứng mà Quốc hội còn thông qua Đạo luật Quyền hạn Chiến tranh vào tháng 11, hạn chế hơn nữa các lựa chọn quân sự của tổng thống ở Đông Nam Á. Luật mới, cùng với việc thiếu phản ứng quân sự của Hoa Kỳ, đã khuyến khích phe diều hâu trong Bộ Chính trị Hà Nội, kêu gọi tiếp tục leo thang mạnh mẽ trong cuộc chiến. Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 22 của đảng vào tháng 12 năm 1973, phe ôn hòa ở Hà Nội một lần nữa lập luận thành công rằng một cuộc tổng tấn công phải được hoãn lại cho đến khi công cuộc tái thiết miền Bắc hoàn tất. Tuy nhiên, những người tham dự đã quyết định tăng cường đối đầu quân sự ở miền Nam lên một mức, mặc dù chưa đạt đến mức tổng tấn công nhưng sẽ gây áp lực lên Sài Gòn. Theo đó, Trung ương cục miền Nam đã ban hành Nghị quyết 12 vào cuối tháng 12 năm 1973 hoặc đầu tháng 1 năm 1974. Nghị quyết, khẳng định rằng các lực lượng Cộng sản ở miền Nam đang ở vị thế quân sự mạnh hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 1954, giao nhiệm vụ cho các lực lượng đó tấn công “từng điểm, giành chiến thắng từng phần và tiến tới chiến thắng cuối cùng”. Lệnh này kêu gọi các hoạt động vũ trang kết hợp không chỉ chống lại các tiền đồn biệt lập mà còn chống lại các mục tiêu quan trọng hơn như các thị trấn, sở chỉ huy tiểu khu, căn cứ hậu phương, và sở chỉ huy sư đoàn. Bằng cách tăng nhịp độ chiến đấu, Bắc Việt hy vọng sẽ giành lại thế chủ động về quân sự ở miền Nam.
Đánh giá của Hội nghị toàn thể lần thứ 22 về sức mạnh ngày càng tăng của lực lượng Bắc Việt ở miền Nam là có cơ sở. Đến đầu năm 1974, Bắc Việt đã chuẩn bị tốt để tăng phạm vi và tốc độ hoạt động chống lại QLVNCH. Trong khi sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho miền Nam giảm dần, Bắc Việt vẫn tiếp tục nhận được vũ khí và đạn dược từ cả Liên Xô và Trung Quốc. (Một báo cáo cho biết miền Bắc đã nhận được khoảng gấp đôi số lượng vũ khí mà người Mỹ cung cấp cho miền Nam. Tình báo QĐVNCH ước tính rằng viện trợ của Nga và Trung Quốc cho Bắc Việt vào năm 1974 lên tới 1,7 tỷ đô la, so với 700 triệu đô la vào năm 1973. Clark Dougan và David Fulghum khẳng định rằng mặc dù Liên Xô và Trung Quốc đã giảm viện trợ quân sự cho Hà Nội vào giữa năm 1973, Liên Xô, tức giận với việc Hoa Kỳ không cấp cho họ quy chế tối huệ quốc, đã tăng viện trợ quân sự cho Bắc Việt vào cuối năm 1974 và đầu năm 1975. Tuy nhiên, Gareth Porter đã phản đối những con số này, trích dẫn các nguồn tin của CIA cho biết viện trợ cho Bắc Việt từ các nhà tài trợ Cộng sản của họ đã giảm vào cả năm 1973 và 1974. Rõ ràng là số lượng viện trợ thực tế là chủ đề gây tranh cãi, nhưng khối lượng lớn thiết bị và vũ khí mới mà Bắc Việt sử dụng trong cuộc tấn công cuối cùng vào năm 1975 là ấn tượng nhất, cho thấy ít hoặc không có tình trạng thiếu hụt.
Bất kể Hà Nội nhận được bao nhiêu viện trợ, Bắc Việt đã tận dụng tốt thời gian sau lệnh ngừng bắn để bổ sung và tăng cường lực lượng của họ ở miền Nam, di chuyển một lượng lớn quân đội và vật tư xuống Đường mòn Hồ Chí Minh đã được cải thiện rất nhiều. Tướng Hinh của Quân đội Việt Nam Cộng hòa sau đó ước tính rằng Bắc Việt đã đưa hơn 200.000 người vào Miền Nam vào năm 1973 sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Số lượng thiết bị mới di chuyển về phía nam là rất lớn: Số lượng xe tăng của Bắc Việt tăng lên hơn 650 chiếc, so với con số 100 chiếc trong lệnh ngừng bắn. Ngoài ra, Bắc Việt có hơn 400 khẩu pháo, bao gồm một nguồn cung cấp mới súng 122 mm và 130 mm vượt xa pháo binh của Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Đến cuối năm 1973, Bắc Việt có 20 trung đoàn phòng không ở miền Nam, và hầu hết đều được trang bị vũ khí phòng không và radar tiên tiến; một số đơn vị phòng không được trang bị tên lửa phòng không SA-2 gắn trên bệ phóng di động. Ngoài vũ khí và thiết bị mới, Bắc Việt đã gửi một lượng lớn lương thực, phụ tùng và đạn dược cho các đơn vị của họ ở miền Nam. Chỉ riêng ở Quân khu I, ước tính có hơn 10.000 tấn vật tư và đạn dược đã được thâm nhập vào mỗi tháng của năm 1974.
Để xử lý khối lượng quân lính và thiết bị tăng lên di chuyển về phía nam, Bắc Việt bắt đầu xây dựng một tuyến đường tiếp tế mới, được gọi là Hành lang Trường Sơn, hay Hành lang 613. Không giống như Đường mòn Hồ Chí Minh, chạy qua Lào và Campuchia, tuyến đường mới chạy bên trong miền Nam, từ phía bắc DMZ đến Lộc Ninh, chỉ cách Sài Gòn một trăm km. Hoàn thành tuyến đường này mất hai năm và sự phục vụ của 30.000 quân lính và hàng loạt thanh niên nam nữ tình nguyện từ đoàn Thanh niên Tiền phong Cộng sản. Hành lang Trường Sơn đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào năm 1975.
Trong khi Bắc Việt tiếp tục tăng cường quân đội và vật tư ở miền Nam, họ cũng đã tổ chức lại đáng kể lực lượng của mình. Theo tướng Văn Tiến Dũng, “Để tiến hành những trận đánh tiêu diệt quy mô lớn và bảo vệ vững chắc những vùng mới giải phóng, không nên chỉ đưa ra những sư đoàn độc lập hoặc hợp nhất”. Do đó, các tiểu đoàn vùng và chủ lực riêng biệt được thành lập thành trung đoàn, và các trung đoàn riêng biệt được thành lập thành sư đoàn. Sau đó vào năm 1974, bộ tư lệnh cấp cao của Bắc Việt đã thành lập một số sở chỉ huy quân đoàn để chỉ huy số lượng sư đoàn chủ lực ngày càng tăng. Quân đoàn I được thành lập từ các sư đoàn xung quanh Hà Nội vào tháng 5 năm 1974. Quân đoàn II, được thành lập vào tháng 7 năm 1974, đảm nhiệm chỉ huy các sư đoàn của Bắc Việt xung quanh Khu Phi quân sự và hai tỉnh phía bắc của miền Nam. Quân đoàn IV được thành lập ở Tây Nguyên và Campuchia, và Quân đoàn III được thành lập sau đó ở Tây Nguyên. Việc thành lập sở chỉ huy quân đoàn đã báo hiệu các hoạt động vũ trang hợp nhất gia tăng ở quy mô rộng hơn nhiều so với trước đây.
Quân Ủy Trung ương Bắc Việt họp vào tháng 3 năm 1974 và kết luận rằng “Cách mạng Việt Nam có thể phát triển qua nhiều giai đoạn chuyển tiếp, và chỉ có thể đạt được thành công bằng bạo lực với sự hỗ trợ của các lực lượng chính trị và quân sự; nếu chiến tranh tiếp tục trên quy mô lớn, một cuộc chiến tranh cách mạng sẽ được tiến hành để giành chiến thắng hoàn toàn”. Do đó, bộ tư lệnh quân đội đã ra lệnh cho các sở chỉ huy cấp dưới của mình ở miền Nam bắt đầu những gì được mô tả là “các cuộc đột kích chiến lược” chống lại các lực lượng miền Nam. Các hoạt động này được thiết kế để giành lại thế chủ động trên chiến trường, giành quyền kiểm soát thêm lãnh thổ và con người, làm suy yếu lực lượng QLVNCH, hạ thấp tinh thần của miền Nam thông qua hành động xâm lược và làm tiêu hao, và “rèn giũa khả năng chiến đấu” của quân đội và cán bộ Cộng sản để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công trong tương lai. Trong khi thử nghiệm sức đề kháng của lực lượng miền Nam và ý chí tiếp tục chiến đấu của họ, các hoạt động được lên kế hoạch để duy trì ở mức ngay dưới ngưỡng có thể gây ra phản ứng của Hoa Kỳ.
Các mục tiêu cụ thể của các hoạt động khác nhau tùy theo khu vực. Các lực lượng ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ cố gắng giành đất đai và sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, các lực lượng ở khu vực xung quanh Sài Gòn sẽ di chuyển để cắt đứt thủ đô khỏi Đồng bằng sông Cửu Long ở phía nam, khỏi biển ở phía đông nam và từ miền Trung Nam Việt ra phía bắc. Ngoài ra, Bắc Việt hy vọng sẽ loại bỏ các tiền đồn của QĐVNCH, ngăn chặn các tuyến liên lạc và các con đường tiếp cận của Cộng sản đối với Sài Gòn, cả hai đều sẽ được sử dụng trong cuộc tổng tấn công, bất cứ khi nào. Tại Quân khu I, Bắc Việt muốn cô lập kinh đô cũ là Huế, đẩy lực lượng miền Nam ra khỏi các thành phố trọng điểm và loại bỏ các tiền đồn còn lại dọc theo hành lang hậu cần mới.
Trong khi đó, lực lượng Cộng sản ở Quân khu II cũng muốn bảo vệ phần hành lang hậu cần và các tuyến đường vào miền trung của miền Nam, đồng thời cô lập các thành phố Kontum và Pleiku.
Trong tháng 5 năm 1974, Bắc Việt đã tấn công vào các căn cứ và tiền đồn trên khắp các tỉnh Quảng Tín, Quảng Ngãi và Thừa Thiên ở Quân khu I. Vào ngày 4 tháng 5, các đơn vị của sư đoàn 1 và 2 của QĐNDVN đã tấn công thị trấn Tiên Phước và làng Kỳ Trà. Đến ngày hôm sau, Kỳ Trà đã thất thủ, cũng như tất cả các tiền đồn xung quanh Tiên Phước. Cùng lúc với các cuộc tấn công vào Tiên Phước và Kỳ Trà, quân BV đã pháo kích và bắn tên lửa vào sở chỉ huy Sư đoàn 2 VNCH tại Chu Lai và sân bay tại Tam Kỳ. Tiếp theo, họ đã tấn công vào thị trấn Gia Vực gần biên giới tỉnh Quảng Ngãi-Kontum. Những trận chiến này kéo dài cho đến giữa tháng 6, khi quân Bắc Việt rút lui qua biên giới đến nơi ẩn náu của họ ở Lào. QLVNCH đã cố gắng bảo vệ thành công Tiên Phước, nhưng trong quá trình giao tranh, ba tiểu đoàn của Sư đoàn 2 đã bị loại khỏi vòng chiến.
Động thái tiếp theo ở Quân khu I diễn ra vào tháng 7, khi Bắc Việt tiến hành một cuộc tấn công mới vào Tỉnh Quảng Nam dưới sự chỉ huy của Quân đoàn III BV mới được thành lập. Mục tiêu của cuộc tấn công này là Thung lũng Khe Le chiến lược, nơi tiếp cận các vùng ven biển đông dân. Vào ngày 18 tháng 7, Sư đoàn 304 và 2 của QĐNDVN bắt đầu cuộc tấn công vào khu vực này bằng các đợt pháo kích và hỏa tiễn vào trại biệt kích Nông Song và một căn cứ của QLVNCH tại Dạ Trạch, tiếp theo là các cuộc tấn công trên bộ bằng xe tăng và bộ binh. Lực lượng phòng vệ miền Nam tại cả hai căn cứ ban đầu đã ngăn chặn thành công, nhưng vào chiều hôm sau, một cuộc tấn công của năm tiểu đoàn bộ binh địch đã áp đảo lực lượng cố thủ Dạ Trạch. Ngày hôm sau, Nông Song cũng thất thủ. Khi những trận chiến này diễn ra, các pháo binh BV đã pháo kích vào sở chỉ huy phân khu Dục Đức và căn cứ không quân tại Đà Nẵng trong khi các lực lượng tổng cộng 11 tiểu đoàn bộ binh tấn công thêm các tiền đồn của chính phủ và các thị trấn của quận. Cựu tư lệnh Sư đoàn 3 Quân đội VNCH Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh sau này đã viết về những trận chiến này: “Chiến thuật của địch rõ ràng là một mô hình chiến tranh quy ước cơ động. Quân địch chỉ tấn công vào ban ngày và có sự hỗ trợ của pháo binh và thiết giáp. Hỏa lực pháo binh của địch, sự gia tăng các loại hỏa lực khác, và đặc biệt là việc sử dụng súng phòng không để hỗ trợ trực tiếp trên bộ là những yếu tố gây ra một số lo ngại cho binh sĩ của chúng ta. Quân địch trang bị các thiết bị mới, bộ dụng cụ sơ cứu hiện đại và khẩu phần chiến đấu hiện đại.”
Vào cuối tháng 7, các thành phần từ ba sư đoàn Bắc Việt đã bao vây các vị trí của QĐVNCH trên khắp các tỉnh miền đông Quảng Nam và Quảng Ngãi. Vào ngày 29 tháng 7, trung đoàn 29 BV đã tấn công Thượng Đức, vị trí cực tây còn lại của quân đội miền Nam tại Quảng Nam. Sau nhiều đợt pháo kích dữ dội và nhiều cuộc tấn công trên bộ, lực lượng đồn trú VNCH đã đầu hàng vào ngày 5 tháng 8, trở thành quận lỵ đầu tiên bị mất vào tay Cộng sản kể từ khi ngừng bắn. Đến cuối tháng 8, Sư đoàn 324 của Bắc Việt đã chiếm được các vị trí then chốt ở vùng cao phía nam Phú Bài thuộc tỉnh Thừa Thiên và đang đe dọa cố đô Huế. Trong tháng 8 và tháng 9, QĐNDVN đã tiến hành các cuộc tấn công thành công trên khắp Quân khu I, chiếm được nhiều quận lỵ và các cứ điểm của QLVNCH. Tướng Trưởng, tư lệnh Quân đoàn I của miền Nam, đã phản công và sử dụng lực lượng của mình một cách khéo léo. Tuy nhiên, QLVNCH đã bị kéo căng quá mỏng, và Trưởng không có đủ lực lượng dự bị để ngăn chặn mọi cuộc tấn công của Cộng sản trong khu vực. Ngoài ra, cuộc chiến liên tục đã làm cạn kiệt nghiêm trọng nguồn cung cấp đạn dược của quân miền Nam tại Quân khu I.
Khi các cuộc tấn công của Bắc Việt diễn ra tại Quân khu I, các lực lượng Cộng sản khác đã tấn công vào Cao nguyên Trung phần. Ban đầu, họ tập trung vào việc loại bỏ các tiền đồn của QLVNCH đe dọa hành lang hậu cần. Cùng lúc đó, chỉ huy Bắc Việt đã ra lệnh cho lực lượng của mình tấn công các vị trí của QLVNCH ở chân đồi Cao nguyên nhằm mục đích đẩy họ xuống đồng bằng ven biển để các đơn vị mình có thể di chuyển vào các vị trí tấn công gần các thành phố ven biển lớn.
Vào tháng 4, hai trung đoàn của Sư đoàn 320 Bắc Việt đã tấn công vào Tiền đồn 711, ngay phía đông nam của Pleiku. Lực lượng đồn trú nhỏ ở đó đã cầm cự đủ lâu để Sư đoàn 22 VNCH đưa quân tiếp viện từ Pleiku vào trận chiến, điều này đã xoay chuyển cục diện và buộc quân Bắc Việt phải rút lui. Các tiền đồn khác của miền Nam trong khu vực này không được may mắn như vậy. Đến giữa năm, QĐNDVN đã chiếm được các tiền đồn của miền Nam tại Dak Pek và Tiểu Atar, trong khi thực sự bao vây Pleime. Vào tháng 8, Mang Buk, một tiền đồn nằm gần tuyến đường tiếp tế của Cộng sản nối Kontum với các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, đã rơi vào tay quân địch sau một vụ tấn công. Giống như ở Quân đoàn I, mô hình tấn công của Bắc Việt bao gồm các cuộc pháo kích dữ dội và các cuộc tấn công trên bộ bằng vũ khí hỗn hợp áp đảo. Không giống như quân Sài Gòn quân BV không cho thấy bất kỳ bằng chứng nào về tình trạng thiếu đạn dược cho pháo hạng nặng và xe tăng cũng như không ngần ngại sử dụng hết những gì mình có. Giống như người đồng cấp của mình ở Quân đoàn I, chỉ huy Quân đoàn II VNCH, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, không thể di chuyển quân của mình quanh khu vực đủ nhanh để chống lại tất cả các cuộc tấn công của địch; đến tháng 10, Chương Nghĩa, tiền đồn lớn cuối cùng của quân Sài Gòn ở phía tây tỉnh Kontum đã thất thủ. Quân đội Bắc Việt đã thành công trong việc đẩy quân đội Nam Việt ra khỏi chân đồi, cho phép các đơn vị bộ đội thiết lập các vị trí trong phạm vi pháo binh của mọi thành phố lớn và thị trấn ở khu vực trung tâm. Trong quá trình này, họ đã làm kiệt sức hai sư đoàn VNCH bằng cách khiến họ phải chuyển quân qua lại để đáp trả các cuộc tấn công rộng khắp của địch; ngoài việc làm kiệt sức nghiêm trọng các chỉ huy và binh lính có kinh nghiệm, Quân đoàn III BV mới được thành lập đã thu thập được kinh nghiệm quý báu trong việc lập kế hoạch và tiến hành một chiến dịch tấn công lớn.
Tướng VC Trần Văn Trà, chỉ huy Mặt trận B-2, giám sát các hoạt động xung quanh Sài Gòn. Ông muốn cô lập các tỉnh Tây Ninh và Phước Long, chặn các tuyến đường giữa Sài Gòn và Đồng bằng sông Cửu Long, và bảo vệ lãnh thổ thuận lợi cho các hoạt động trong tương lai. Vào tháng 4, các thành phần của Sư đoàn 7 QĐNDVN đã tấn công vào căn cứ hỏa lực nhỏ tại Chí Linh, cách Sài Gòn 48 km về phía bắc dọc theo Quốc lộ 14, đây là tuyến đường chính nối Sài Gòn và Phước Long. Ngay sau đó, các lực lượng Bắc Việt khác cuối cùng đã tràn vào tiền đồn của QĐVNCH tại Tống Lê Chân, phía tây An Lộc, nơi đã từng chống cự kể từ khi Cộng sản lần đầu tiên bao vây vào tháng 4 năm 1972.
Trà đã ra lệnh cho Sư đoàn 5 tấn công từ Campuchia để chiếm căn cứ biệt kích Đức Huệ ở tỉnh Hậu Nghĩa, ngay phía tây Sài Gòn. Mặc dù BV không thành công trong việc đánh bật quân phòng thủ, họ đã nhanh chóng chiếm đóng và bảo vệ hầu hết khu vực giữa Sông Vàm Cỏ Đông và biên giới Campuchia. Tuy nhiên, cuối cùng, Sư đoàn 25 VNCH, được tăng cường thêm Lữ đoàn Thiết giáp 3 và một nhóm biệt động, đã phản công và buộc quân Bắc Việt quay trở lại Campuchia. Vào tháng 5, các thành phần của Sư đoàn 7 BV đã chiếm được ba tiền đồn VNCH trong khu vực Tam giác Sắt chiến lược, ngay phía tây bắc Sài Gòn. Trong một hoạt động hỗ trợ được thiết kế để cô lập Sài Gòn hơn nữa, Trà đã phát động cuộc tấn công lớn của các trung đoàn 33 và 274 hướng về Xuân Lộc, một trung tâm liên lạc chính ở Tỉnh Long Khánh, cách Sài Gòn 37 dặm về phía đông bắc. Xuân Lộc nằm trên Đường cao tốc 1 và 2, các tuyến đường quan trọng kết nối Sài Gòn với miền trung và bờ biển. Đến cuối tháng 5, lực lượng Sài Gòn đã ngăn chặn được bước tiến của quân Bắc Việt vào Xuân Lộc.
Quân đội Bắc Việt tìm cách cắt đứt Sài Gòn khỏi phía tây, tây bắc và phía đông, nhưng họ đã không giữ được bất kỳ khu vực nào trong Quân khu III mà họ chiếm được. Tuy nhiên, họ đã thành công trong việc kéo căng quá mức lực lượng miền Nam và gây ra thương vong nghiêm trọng cho họ. Vào đầu mùa thu, chỉ huy Quân đoàn III, Trung tướng Phạm Quốc Thuần đã thành công trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công xung quanh Sài Gòn, nhưng lực lượng của ông vẫn tiếp tục giao tranh dữ dội với địch trên khắp khu vực; “những đợt tấn công của Cộng sản ở Quân khu III đơn giản là gây ra quá nhiều thương vong khiến Quân đội Việt Nam Cộng hòa khó thể chữa lành.”
Câu chuyện cũng không khác gì ở Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù các trận chiến ít kịch tính hơn so với các khu vực khác. Quân đội Bắc Việt đã tăng cường nhịp độ hoạt động của mình, giành quyền kiểm soát các làng mạc và thôn xóm ở các tỉnh Kiên Giang, An Xuyên và Chương Thiện, bao gồm cả Hưng Long, quận lỵ đầu tiên bị mất ở vùng Đồng bằng.
Các cuộc tấn công từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1974 đã đạt được chính xác những gì mà giới lãnh đạo Bắc Việt mong muốn. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giành lại thế chủ động trong khi chiếm đóng thêm lãnh thổ và tích lũy kinh nghiệm quý báu trong các hoạt động vũ trang kết hợp cho các đơn vị mới của mình. Địch đã đánh bại lực lượng miền Nam, khiến họ phải tiêu tốn một lượng lớn đạn dược, và làm suy yếu nghiêm trọng lực lượng chỉ huy và binh sĩ thiện chiến, làm giảm thêm tinh thần chiến đấu của quân đội trong quá trình này. Ngoài ra, họ đã bảo đảm các con đường tiếp cận và, trong một số trường hợp, thậm chí là “điểm xuất phát” có thể được sử dụng cho cuộc tấn công lớn khi nó xảy ra. Cùng lúc đó, lực lượng Bắc Việt tiếp tục tăng quân số và thiết bị. Mặc dù Bắc Việt đã phải gánh chịu thương vong đáng kể trong các hoạt động này, nhưng giờ đây họ đã nhận được sự thay thế nhanh hơn so với miền Nam. Một ước tính của DAO cho biết đến tháng 9 năm 1974, lực lượng Bắc Việt ở miền Nam đã tăng lên 10 sư đoàn, bao gồm tổng lực lượng chiến đấu là 200.000 người, 700 xe tăng và 450 khẩu pháo. Nhiều thiết bị và người hơn nữa đổ xuống Hành lang Trường Sơn, lúc này là một con đường rộng hơn 8 mét, dùng được cho mọi thời tiết. Từ tuyến đường chính bắc-nam này, các nhánh đường đã được xây dựng chạy về phía đông đến các mặt trận chiến đấu. Theo tướng Văn Tiến Dũng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, hệ thống này giống như “những sợi dây thừng chắc chắn, vươn dài dần dần, ngày qua ngày quấn quanh cổ, tay và chân của con quỷ, chỉ chờ lệnh là giật mạnh và kết liễu sinh vật đó”. Nói một cách ít hoa mỹ hơn, lực lượng QĐNDVN đã giành được chiến thắng trên mọi mặt trận và ngày càng mạnh hơn, trong khi miền Nam ngày càng yếu đi.
THÁI ĐỘ CỦA HOA KỲ VÀ VIỆC CẮT GIẢM VIỆN TRỢ QUÂN SỰ MỚI
Khi các sự kiện năm 1974 diễn ra, đường lối chính thức của chính quyền Nixon tại Hoa Kỳ về miền Nam là “lạc quan không thuyên giảm”. Mặc dù lực lượng QĐVNCH đã tự xoay sở khá tốt vào đầu năm, tình hình nhanh chóng thay đổi, phủ nhận sự lạc quan của chính quyền khi thời gian diễn tiến. Vào thời điểm này, Nixon gần như hoàn toàn bị cuốn vào vụ bê bối Watergate, nhưng những người phát ngôn khác của chính quyền vẫn tiếp tục ca ngợi những đức tính của QLVNCH, ngay cả khi họ bắt đầu chùn bước trên chiến trường. Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger đã báo cáo rằng “Các lực lượng vũ trang của miền Nam đang thể hiện một thành tích tuyệt vời khi có những đợt bùng phát các cuộc xung đột thù địch. . . . Đối với nhiều người đã từng quan sát quân đội miền Nam vào sáu hoặc bảy năm trước, thành tích mà họ đang thể hiện hiện nay thật ấn tượng.” Henry Kissinger đã lặp lại những tình cảm này trong giải trình trước Quốc hội, nói rằng sức mạnh quân sự của Sài Gòn đủ mạnh để khiến họ thất bại “không phải là một nhiệm vụ dễ dàng cho Hà Nội.” Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Robert Ingersoll tuyên bố, “miền Nam mạnh mẽ về mặt quân sự và chính trị hơn bao giờ hết”.
Tính lạc quan hình thức, đặc biệt là khi tình hình bắt đầu chuyển hướng bất lợi cho miền Nam, rõ ràng là được dàn dựng để tìm kiếm quỹ từ một Quốc hội đã mất hứng thú với cuộc chiến ở Việt Nam và chỉ muốn nó biến mất. Các quan chức của Chính quyền hy vọng rằng bằng cách đề cao miền Nam, họ có thể biện minh cho việc yêu cầu tiếp tục viện trợ “chỉ cần vài năm nữa” cho đến khi Sài Gòn cuối cùng mất hút qua ngã rẽ lịch sử.
Có lẽ người ủng hộ miền Nam mạnh mẽ nhất là Đại sứ Graham Martin. Khi làm chứng trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào mùa hè năm 1974, ông đã vẽ nên một bức tranh tươi sáng về chính phủ của Thiệu, báo cáo rằng “về mặt chính trị, chính phủ miền Nam mạnh hơn bao giờ hết”. Tuy nhiên, hầu hết những người trong Quốc hội không tin vào lời quảng cáo của ông. Sau đó, nhiều người trong Quốc hội đi đến kết luận rằng Martin cố tình bóp méo sự thật về điểm mạnh và điểm yếu của chính quyền Sài Gòn và lực lượng vũ trang miền Nam. Sau khi so sánh các báo cáo từ các đại diện Hoa Kỳ ở các tỉnh với các báo cáo được chuyển đến Washington, các nhà điều tra của Thượng viện đã tuyên bố vào năm 1974 rằng “thông tin quan trọng được gửi từ thực địa đến Sài Gòn đôi khi bị thay đổi và… đôi khi thông tin quan trọng bị giữ lại hoàn toàn”. Mặc dù Martin kịch liệt phủ nhận những cáo buộc này, nhưng thiệt hại đã xảy ra; cả ông và chính quyền Nixon vốn đã choáng váng vì vụ bê bối Watergate, nhanh chóng mất đi mọi uy tín còn lại liên quan đến khả năng tồn tại của miền Nam, đặc biệt là trước những khó khăn mà QLVNCH hiện đang gặp phải trên chiến trường.
Tổng thống Nixon đã đệ trình yêu cầu viện trợ bổ sung lên Quốc hội cho ngân sách năm tài chính 1974 để trang trải chi phí hoạt động tăng thêm và thay thế vật tư chiến tranh bị mất và hư hỏng, cộng thêm 266 triệu đô la nữa để bù đắp cho khoản thâm hụt phát sinh trong năm trước. Vào ngày 18 tháng 3, Ủy ban Dịch vụ Vũ trang của Hạ viện đã triệu tập phiên điều trần về yêu cầu của Nixon. Đô đốc Thomas Moorer, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, và William P. Clements, phó bộ trưởng quốc phòng, đã xuất hiện trước ủy ban để trình bày lập luận của chính quyền về việc tăng viện trợ cho miền Nam, yêu cầu Hạ viện nâng mức trần viện trợ quân sự cho Sài Gòn và chấp thuận yêu cầu bổ sung. Họ cảnh báo rằng nếu không có thêm viện trợ, nỗ lực chiến tranh của miền Nam sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng, có thể không thể sửa chữa được.
Vào ngày 19 tháng 3, Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện đã bắt đầu thảo luận về yêu cầu bổ sung. Thượng nghị sĩ Edward M. Kennedy (Dân chủ-MA) và James B. Pearson (Cộng hòa-KS) đã ra sức xóa hoàn toàn phần yêu cầu bổ sung dành cho Sài Gòn. Thượng nghị sĩ Alan Cranston (Dân chủ-CA) khuyến khích Ủy ban “loại bỏ dần, càng nhanh càng tốt, các khoản tiền quân sự trong tương lai cho chính quyền Thiệu.” Vào ngày 6 tháng 5, Thượng viện đã bác bỏ việc xóa bỏ mức trần đối với viện trợ quân sự cho Sài Gòn. Tuy nhiên, Thượng viện đã chấp thuận việc chi thêm 266 triệu đô la đã được phát hiện do điều chỉnh sổ sách kế toán. Thượng nghị sĩ Kennedy đã ngay lập tức đệ trình một sửa đổi để chặn việc chi các khoản tiền này. Sửa đổi Kennedy đã được thông qua với số phiếu 43 thuận và 38 chống. Khi ủy ban hội nghị Hạ viện-Thượng viện họp để giải quyết những bất đồng về dự luật, mức trần phân bổ được phép giữ nguyên và chính quyền bị cấm sử dụng số tiền bổ sung. Tổng thống mặc dù không đồng tình với kết quả của các cuộc thảo luận về ngân sách, đã ký dự luật vào ngày 8 tháng 6. Người miền Nam rất tức giận trước diễn biến này nhưng tình hình ngân sách sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều.
Tổng thống Nixon đã đệ trình yêu cầu viện trợ nước ngoài của mình cho năm tài chính (FY) 1975 (1 tháng 7 năm 1974–30 tháng 6 năm 1975) lên Quốc hội vào ngày 24 tháng 4 năm 1974. Tổng gói viện trợ lên tới 5,18 tỷ đô la, trong đó 1,45 tỷ đô la được dành viện trợ quân sự cho Sài Gòn. Ngoài ra, Lầu Năm Góc yêu cầu cấp 150 triệu đô la trong quỹ đã được phân bổ cho miền Nam.
Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã tranh luận về yêu cầu của chính quyền trong suốt tháng 6 và tháng 7. Trong nỗ lực biện minh cho ngân sách, chính quyền đã trình bày những phát hiện của một nghiên cứu chung giữa Hoa Kỳ và miền Nam khẳng định rằng ngay cả với toàn bộ 1,45 tỷ đô la được yêu cầu trong ngân sách quốc phòng, khả năng của Sài Gòn trong việc chống lại một cuộc tấn công quy mô của Cộng sản vẫn còn đáng ngờ. Ngoài ra, báo cáo khẳng định rằng bất kỳ khoản viện trợ nào thấp hơn chương trình năm 1974 là 1,126 tỷ đô la “sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả năng lực và tinh thần” của lực lượng vũ trang miền Nam, khi đó “sẽ không còn khả năng để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ dưới sự kiểm soát của mình ngay cả khi giao tranh vẫn tiếp tục ở mức độ tương tự” như năm trước. Trích dẫn báo cáo chung trong lời khai trước ủy ban, Henry Kissinger đã thúc giục Quốc hội phê duyệt dự luật viện trợ quân sự trị giá 1,5 tỷ đô la, nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ có nghĩa vụ đạo lý đối với miền Nam và cảnh báo rằng việc không thực hiện nghĩa vụ đó sẽ có “tác động ăn mòn đến lợi ích của chúng ta bên ngoài Đông Dương”.
Trong các cuộc thảo luận của ủy ban, Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger đã được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu lượng đạn dược cung cấp cho miền Nam bị cắt giảm mạnh do cắt giảm ngân sách; ông trả lời: “Khả năng tồn tại của chính phủ [miền Nam] sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Như bạn nhớ lại, vào thời điểm cắt giảm hỗ trợ trên không chiến thuật vào mùa hè năm ngoái, đã có một số câu hỏi liệu chính phủ có thể tồn tại hay không. Chính phủ đã tự vực dậy, nhưng chính phủ phụ thuộc vào lực lượng của chính mình và đạn dược được cung cấp cho các lực lượng này. Nếu không có những loại đạn dược như vậy, thật khó để thấy chính phủ có thể tồn tại được.”
Trong khi Ủy ban Đối ngoại tranh luận về tính khả thi của việc viện trợ thêm cho Sài Gòn, Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện cũng đang phân tích yêu cầu viện trợ. Sau nhiều cuộc tranh luận, Ủy ban này khuyến nghị rằng số tiền yêu cầu là 1,45 tỷ đô la nên được giảm xuống còn 922,6 triệu đô la, cộng với 77,4 triệu đô la tiền chưa sử dụng. Khi dự luật được đưa ra Hạ viện vào ngày 6 tháng 8, John J. Flynt (Dân chủ-GA) đã đề xuất một sửa đổi để giảm khoản trợ cấp xuống còn 622,6 triệu đô la, nói rằng Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục gửi hàng tỷ đô la cho Tổng thống Thiệu để ông ta có thể “tránh né thực tế chính trị của quốc gia của mình”. Dự luật phân bổ ngân sách có chứa Tu chính án Flynt đã được Hạ viện thông qua với số phiếu 350-43.
Yêu cầu ngân sách của chính quyền cũng nhận được sự đối xử tương tự tại Thượng viện, nơi nhiều Thượng nghị sĩ dường như cũng cảm nhận giống như Thượng nghị sĩ Hubert Humphrey (Dân chủ -MN) khi cho rằng “nhiều tiền hơn [cho người miền Nam] có thể mua được thời gian, nhưng sẽ không thể mua được hòa bình”. Mặc dù một số nhà lập pháp đã lên tiếng ủng hộ yêu cầu của chính quyền, Thượng nghị sĩ Kennedy, một trong những nhân vật chỉ trích mạnh mẽ nhất chính quyền Sài Gòn, đã lên tiếng đồng thuận khi ông nói rằng đã đến lúc chấm dứt “sự ủng hộ vô tận của Hoa Kỳ cho một cuộc chiến tranh vô tận”. Cảm tình chống lại việc tăng cường ủng hộ cho miền Nam đã lan rộng mạnh mẽ tại Thượng viện đến nỗi một dự luật do William Proxmire (Dân chủ-WI) đưa ra nhằm cắt giảm thêm khoản phân bổ cho Sài Gòn chỉ bị bác bỏ một cách sít sao với số phiếu 47-44.
Bất chấp những cảnh báo nghiêm trọng từ Lầu Năm Góc và Nhà Trắng, Quốc hội cuối cùng đã bác bỏ mọi yêu cầu viện trợ bổ sung và cắt giảm khoản phân bổ cuối cùng cho năm 1975 xuống còn 700 triệu đô la, giảm mạnh so với số tiền do chính quyền yêu cầu. Số tiền phân bổ cuối cùng bao gồm chi phí hoạt động cho USDAO, chi phí vận chuyển và một số thiết bị chưa giao trong năm tài chính 1973–74, để lại ít hơn 500 triệu đô la để tài trợ cho các yêu cầu hoạt động của miền Nam.
Theo Tướng Viên, quân đội và nhân dân miền Nam đã bị sốc trước khoản phân bổ bị cắt giảm, diễn ra vào thời điểm mà hành động gây hấn của Bắc Việt đã tăng 70 phần trăm kể từ năm trước, một thực tế chỉ làm tăng thêm động lực cho tình trạng khốn khó ngày càng gia tăng. Một Thiệu sửng sốt than thở với Nguyễn Tiến Hưng, cố vấn đặc biệt của ông:
Thật không thể tin được. Đầu tiên, ở Midway người Mỹ bảo tôi đồng ý rút một vài nghìn quân Mỹ và tôi vẫn còn nửa triệu lính Mỹ ở lại để chiến đấu với tôi. Sau đó, khi rút thêm quân, họ nói, “Đừng lo, chúng tôi đang tăng cường cho các anh để bù đắp cho các sư đoàn Mỹ đang được rút đi.” Khi tốc độ rút quân tăng tốc vào năm 1972, họ nói với tôi, “Đừng lo, các anh vẫn còn lực lượng còn lại và chúng tôi sẽ bù đắp cho việc rút quân bằng cách tăng cường hỗ trợ trên không cho lực lượng bộ binh của các anh.” Rồi, sau khi rút quân hoàn toàn và không còn hỗ trợ trên không nữa, họ nói với tôi, “Chúng tôi sẽ tăng đáng kể viện trợ quân sự để bù đắp cho tất cả những điều đó. Đừng quên Hạm đội 7 và các căn cứ không quân ở Thái Lan sẵn sàng bảo vệ bạn trong trường hợp có bất trắc xảy ra.” Bây giờ anh đang nói với tôi Viện trợ Hoa Kỳ bị cắt giảm đến sáu mươi phần trăm. Thế thì chúng ta sẽ ra sao?
Thiệu không phải là người duy nhất lo lắng và thất vọng về việc Quốc hội Mỹ từ chối tài trợ cho cuộc chiến ở mức yêu cầu. Trong tám tháng tiếp theo, chính quyền Mỹ sẽ gửi cho Quốc hội một loạt các đề xuất yêu cầu thêm tiền, nhưng không có đề xuất nào được thông qua. Cứ mỗi lần có một nỗ lực mới từ chính quyền Mỹ, người miền Nam lại hy vọng, rồi sau đó nản lòng khi mọi nỗ lực lần lượt đều bị từ chối. Tướng Viên sau đó đã viết, “Lần đầu tiên trong cuộc chiến, lực lượng vũ trang của chúng ta rõ ràng là bên yếu thế. Bây giờ chúng ta chỉ còn biết hy vọng đây chỉ là một hành động trì hoãn trước khi viện trợ quân sự Mỹ lại được khôi phục như mức trước đây.” Nguồn tài trợ không bao giờ được khôi phục, và việc cắt giảm viện trợ của Hoa Kỳ, theo tướng Võ Nguyên Giáp của Bắc Việt, đại diện cho “một bước ngoặt cơ bản trong cán cân lực lượng.”
Tướng Murray đã cố gắng thuyết phục bất kỳ ai chịu lắng nghe rằng QLVNCH đang lâm vào cảnh tuyệt vọng. Ông đã đích thân làm chứng trước Quốc hội rằng, “Máu của người Việt Nam đang được sử dụng để thay thế cho đạn dược của Mỹ.” Trở về Hoa Kỳ vào tháng 8 để nghỉ hưu, ông đã viết trong báo cáo cuối cùng của mình với tư cách là người đứng đầu USDAO rằng nếu không có sự hỗ trợ đầy đủ, “miền Nam sẽ thua trận, có lẽ không phải ngay lập tức nhưng sẽ sớm thôi.” Bất chấp lời cầu xin của Murray, Quốc hội vẫn kiên quyết từ chối cung cấp thêm bất kỳ khoản tiền nào cho chế độ Thiệu. Thật không may, Thiệu và các tướng lĩnh của ông không thể tự mình tin rằng người Mỹ sẽ để mặc Sài Gòn sụp đổ sau khi đã tiêu tốn rất nhiều sinh mạng và tiền của để hỗ trợ miền Nam. Trớ trêu thay, theo nhà báo Arnold Isaacs, việc Sài Gòn không điều chỉnh với thực tế tài trợ mới một phần bắt nguồn từ các cuộc thảo luận về ngân sách và đặc biệt là nghiên cứu kết hợp giữa Hoa Kỳ và miền Nam đã đóng một vai trò nổi bật trong giải trình của chính quyền trước Quốc hội. Isaacs nhận xét rằng
đối với người Việt Nam, nghiên cứu kết hợp đã trở thành một phần học thuyết của họ, một tiền đề cơ bản trong chiến lược của họ khiến cho họ không sao tưởng tượng được sẽ có việc viện trợ bị từ chối. Những lời cố vấn khác nhau của người Mỹ có thể đã thuyết phục họ xem xét những gì họ có thể làm với ngân sách viện trợ eo hẹp: chẳng hạn phần lãnh thổ nào nên bỏ cho địch, đơn vị nào có thể được rút về từ các vị trí dễ bị tấn công hoặc dễ bị tổn thương. Suy cho cùng, đây là một trong những hàm ý của nghiên cứuc kết hợp. Vào giữa năm 1974, vẫn còn không gian và thời gian để cố gắng thích nghi với thực tế mới. Nhưng người Mỹ không đưa ra lời cố vấn nào như vậy và người Việt Nam đã ngần ngại trước những quyết định như vậy. Thay vào đó, họ chần chờ một cách vô mục đích trong khi tự nhủ với bản thân và mọi người khác những gì họ không thể làm được với 700 triệu đô la.
Muốn tuyệt vọng tin rằng Hoa Kỳ sẽ cứu họ vào phút cuối cùng bằng một khoản tiền khẩn cấp, Thiệu và chế độ của ông đã từ chối đưa ra những quyết định khó khăn có thể thay đổi cục diện cuối cùng vào năm 1975. Isaacs đã viết, “Trong tình trạng tê liệt về mặt chiến lược này, đã bị ám ảnh về thảm họa và không có lời khuyên sáng suốt hoặc hữu ích nào từ Washington, Sài Gòn chờ đợi những đòn tấn công tiếp theo của Cộng sản.”
NIXON TỪ CHỨC
Đòn tấn công tiếp theo vào miền Nam không phải từ Cộng sản, mà từ đồng minh trung thành nhất của họ. Vào ngày 9 tháng 8 năm 1974, hai ngày sau khi Hạ viện thông qua dự luật viện trợ quân sự, Richard Nixon đã từ chức tổng thống. Thiệu và đồng bào của ông luôn tin tưởng vào lời hứa của Nixon sẽ can thiệp nếu Bắc Việt vi phạm lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Bây giờ, giữa cuộc tấn công lớn nhất của Cộng sản kể từ khi có lệnh ngừng bắn, Nixon đã rời bỏ nhiệm sở. Thiệu đã sững sờ và, theo Nguyễn Tiến Hưng, trong “tình trạng căng thẳng cao độ” và “nhốt mình trong văn phòng”. Tình hình được mô tả rõ nhất bởi Tướng Viên, sau chiến tranh, ông viết: “Là kiến trúc sư chính của Việt Nam hóa và Hiệp định Paris, theo quan điểm của chúng tôi, ông [Tổng thống Nixon] là quan chức Mỹ duy nhất có nghĩa vụ đạo đức phải thực thi lệnh ngừng bắn. Ông cũng là người đàn ông đáng tin cậy duy nhất có đủ can đảm để hành động táo bạo và mạnh mẽ khi cần thiết”. Người đàn ông đã nhiều lần hứa với Thiệu rằng ông sẽ ủng hộ miền Nam giờ không còn là tổng thống nữa. Thiệu đã vui mừng trong một khoảnh khắc vào ngày 10 tháng 8 khi ông nhận được một lá thư từ tổng thống mới, Gerald Ford, cũng lại hứa rằng “những cam kết hiện tại mà quốc gia này đã đưa ra trong quá khứ vẫn còn hiệu lực và sẽ được tôn trọng hoàn toàn trong chính quyền của tôi”. Theo một trong những cố vấn thân cận nhất của tổng thống miền Nam, Thiệu đã nghĩ đến việc nghe theo lời khuyên của Tướng Murray, từng thúc giục ông suy nghĩ về việc rút ngắn các tuyến phòng thủ, tập trung quân đội và đạn dược còn lại, và tập trung vào việc phòng thủ các vùng đất đông dân hơn dọc các khu vực ven biển. Trớ trêu thay, lá thư của Ford đã thuyết phục Thiệu rằng sự giúp đỡ của Mỹ đang trên đường đến, và ông đã gác lại mọi kế hoạch thay đổi chiến lược.
Trong những tháng tiếp theo, Ford sẽ tiếp tục trấn an Thiệu, nhưng chẳng mấy chốc rõ ràng là tổng thống mới sẽ không thể thay đổi được quyết định của Quốc hội. Trong cuộc bầu cử mùa thu năm 1974, do hậu quả của vụ bê bối Watergate, Đảng Dân chủ đã giành thêm 43 ghế tại Hạ viện, khiến nắm được 291 ghế so với 144 ghế của Đảng Cộng hòa. Tại Thượng viện, Đảng Dân chủ giành được thêm ba ghế, tổng cộng 61 ghế cho Đảng Dân chủ và 39 ghế cho đảng Cộng hòa. Dân chủ chiếm đa số áp đảo trong cả hai viện sẽ trói tay Tổng thống Ford vào năm 1975 khi Bắc Việt phát động cuộc tấn công cuối cùng của họ.
Tóm lại việc Nixon từ chức và cắt giảm viện trợ là hai cú đấm liên tiếp mà miền Nam không bao giờ gượng lại được. Stuart Herrington đã viết: “Chỉ riêng hai thất bại này đã làm xói mòn tinh thần chiến đấu của người Việt Nam, nhưng chúng lại đi kèm với việc địch tăng cường giao chiến, tham nhũng leo thang và tình trạng trì trệ kinh tế ngày càng tồi tệ. Kết quả là một cuộc khủng hoảng tinh thần chưa từng có”.
Việc cắt giảm viện trợ và sự ra đi đột ngột của Nixon đã làm suy yếu thêm chính quyền Thiệu và dẫn đến thách thức chính trị nghiêm trọng nhất trong sự nghiệp của ông. Thiệu đã có thể kiềm chế phe bất đồng chính kiến chống lại chính quyền của mình chủ yếu dựa trên mối quan hệ của ông với Nixon và khả năng duy trì sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Khi những điều đó bốc hơi, tình hình chính trị ở Sài Gòn đã tan vỡ. Vào ngày 8 tháng 9, một nhóm giáo dân và lãnh đạo tôn giáo Công giáo do Cha Trần Hữu Thanh, một linh mục chống Cộng kiên quyết, đã ban hành “Bản cáo trạng số 1”, trong đó buộc tội Thiệu che giấu nạn tham nhũng tràn lan đã thấm nhuần vào mọi mặt của đời sống miền Nam. Hơn nữa, bản cáo trạng còn buộc tội Thiệu và các thành viên gia đình ông ta đầu cơ bất hợp pháp, biển thủ công quỹ và buôn bán heroin. Bản cáo trạng kết luận rằng “chế độ gia đình độc tài thối nát hiện tại… là một thảm họa quốc gia và là nỗi nhục quốc gia, một sự phản bội đối với tất cả những người đã hy sinh bản thân cho cuộc đấu tranh gian khổ, kéo dài của nhân dân và quân đội trong hơn một phần tư thế kỷ.”
Cuộc tấn công trực tiếp vào Thiệu và tuyên bố của ông ta về quyền lãnh đạo đất nước đã gây ra một phản ứng dây chuyền các cuộc biểu tình khác. Ba tờ nhật báo của Sài Gòn đã công bố bản cáo trạng, nhưng các ấn bản của họ đã bị quân đội chính phủ và cảnh sát quốc gia tịch thu, điều này chỉ làm bùng lên ngọn lửa phản đối. Một nhóm các nhà lãnh đạo Phật giáo và các nhà lãnh đạo chính trị đã thành lập “Lực lượng Hòa giải Quốc gia” và yêu cầu Thiệu thực hiện Hiệp định Paris. Ngay sau đó, liên tiếp một thời gian ngắn, một “Phong trào chống nạn đói”, một “Phong trào Phụ nữ vì Quyền Sống” và một chiến dịch đòi trả tự do cho các tù nhân chính trị đã xuất hiện và góp phần vào các cuộc biểu tình chống lại Thiệu và chế độ của ông ta.
Sự thất vọng của người dân miền Nam cuối cùng đã bùng nổ, tạo ra điều mà một trong những cố vấn của Thiệu mô tả là “một cuộc thập tự chinh chống chính phủ rộng lớn”.
Được Đại sứ Martin thúc giục xoa dịu tình hình, lúc đầu Thiệu đã cố gắng lý luận với những người bất đồng chính kiến. Ông thậm chí còn đi xa đến mức sa thải bốn thành viên nội các và sa thải hoặc giáng chức 400 sĩ quan cấp tá trong quân đội. Tuy nhiên, những người biểu tình coi hành động của ông là quá ít và quá muộn. Cha Thanh, thề rằng các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục, giải thích: “Những thay đổi về nhân sự không quan trọng. Chúng tôi muốn thay đổi lập trường và chính sách.” Thiệu, đã đưa ra những nhượng bộ đáng kể nhất trong nhiệm kỳ tổng thống kéo dài bảy năm của mình, đã cách chức ba trong số bốn chỉ huy quân khu. Ngay cả điều này cũng không làm hài lòng những người bất đồng chính kiến. Một đại biểu Quốc hội tuyên bố, “Việc sa thải một số nhà kỹ trị sẽ không thay đổi được mọi thứ. Người đứng đầu phải bị thay đổi.”
Hàng nghìn người biểu tình một lần nữa lại xuống đường ở Sài Gòn. Thiệu, hiện lực lượng đang bị gây sức ép mạnh trên chiến trường, nên sẵn sàng cho phép thành phần bất đồng chính kiến một chút tự do. Tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với miền miền Nam đang bị bao vây khi vào ngày 8 tháng 10 Chính quyền Cách mạng Lâm thời tuyên bố sẽ không đàm phán với chế độ của ông ta nữa. “Chừng nào Nguyễn Văn Thiệu và đồng bọn còn nắm quyền ở Sài Gòn,” tuyên bố của CQCMLT cho biết, “việc phá hoại hiệp định Paris sẽ còn tiếp diễn, và vẫn không thể đạt được hòa bình và hòa hợp dân tộc”. Do đó, Thiệu phải bị lật đổ và thay thế bằng “một chính quyền mong muốn hòa bình và hòa hợp dân tộc và sẵn sàng thực hiện hiệp định Paris về Việt Nam một cách nghiêm túc.”
Thiệu, thề rằng mình sẽ không cho phép đám người biểu tình giao đất nước cho Cộng sản, đã phản công. Khi ông chỉ huy cảnh sát quốc gia và quân đội chính phủ kiểm soát các cuộc biểu tình để bảo vệ trật tự công cộng, các cuộc đụng độ đẫm máu đã nổ ra trên đường phố. Mười một nhà lãnh đạo đối lập đã bị đánh đập và bắt giữ. Hai mươi tám phóng viên cũng bị bắt trong một cuộc đột kích vào Câu lạc bộ Báo chí Việt Nam. Trong bài phát biểu Ngày Quốc khánh 1 tháng 11, Thiệu tuyên bố rằng từ nay những người bất đồng chính kiến sẽ không được phép “tuyên truyền tin tức vô căn cứ, tạo ra sự chia rẽ tôn giáo… nói xấu chính phủ, vu khống các viên chức nhà nước, phá hoại nền kinh tế”.
Sau lời cảnh báo của ông và sự phô trương sức mạnh ngày càng tăng, các cuộc biểu tình đã lắng xuống. Tuy nhiên, thiệt hại đã xảy ra. Một cuộc khảo sát ý kiến công chúng do Chính quyền Sài Gòn tiến hành vào cuối năm 1974 cho thấy rằng lòng tin vào hiệu quả hoạt động của chính quyền và khả năng bảo vệ đất nước khỏi những người Cộng sản đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1968. Thiệu đã mất hết uy tín còn lại với chính người dân của mình.
BẮC VIỆT ĐÁNH GIÁ LẠI CHIẾN LƯỢC
Với sự sụp đổ của Nixon, hoàn cảnh thuận lợi đã hội tụ cho giới lãnh đạo Bắc Việt. Kẻ thù chính của họ ở Washington đã bị buộc từ chức, và lực lượng miền Nam hiện đã bị kéo căng đến điểm giới hạn. Các “cuộc đột kích chiến lược” vào đầu năm 1974 và cuộc tấn công mùa hè sau đó đã vượt xa mong đợi của miền Bắc. Ngoài ra, QLVNCH đã bộc lộ những dấu hiệu rõ ràng là họ đang bắt đầu tan rã như một lực lượng chiến đấu có sức thuyết phục; các điệp viên tình báo Bắc Việt đã ước tính chính xác rằng tình trạng thiếu hụt đạn dược đã làm giảm 60% hỏa lực của miền Nam và tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và phụ tùng thay thế đã làm giảm 50% khả năng cơ động của QĐVNCH. Với những ước tính này, Bắc Việt, theo Tướng Văn Tiến Dũng, “đặc biệt chú ý” đến trận chiến tại thị trấn Thượng Đức ở tỉnh Quảng Nam như một thước đo thực sự về tình trạng của quân địch. Thượng Đức là tiền đồn cực tây của QLVNCH trên vành đai phòng thủ bên ngoài bảo vệ thành phố quan trọng Đà Nẵng, chỉ cách đó 40 km. Bắc Việt đã tấn công vào ngày 29 tháng 7 năm 1974 và đến ngày 7 tháng 8, họ đã chiếm được thủ phủ của quận, giết chết và bắt giữ 1.600 quân đồn trú của miền Nam trong quá trình này. Sau này, Dũng đã viết về trận chiến: “Đây là một cuộc thử nghiệm sức mạnh với những gì được cho là quân đội được huấn luyện tốt nhất của kẻ thù. Khi chúng tôi đánh bật Thượng Đức, địch đã điều cả một sư đoàn lính dù trong nhiều ngày phản công liên tục để chiếm lại. Nhưng chúng tôi đã gây thương vong nặng nề cho chúng, giữ Thượng Đức và buộc địch phải đầu hàng.”
Sau khi quan sát diễn biến tại Thượng Đức và các mục tiêu dễ dàng giành được ở Tây Nguyên, Dũng và Bộ Tổng tham mưu đã báo cáo với Ban Quân ủy Trung ương rằng “khả năng chiến đấu của lực lượng chủ lực cơ động của chúng ta bây giờ hoàn toàn vượt trội so với lực lượng chính quy cơ động của địch. . . rằng cuộc chiến đã đi đến giai đoạn cuối. Cán cân lực lượng đã thay đổi. Chúng ta đã trở nên mạnh hơn, trong khi địch đang suy yếu.” Đánh giá của họ, cùng với việc Nixon từ chức, việc cắt giảm tài trợ và cuộc khủng hoảng chính trị gia tăng ở Sài Gòn, đã thuyết phục nhiều người trong giới lãnh đạo quân sự và dân sự Bắc Việt rằng cần thay đổi mộ chiến lược phù hợp. Vào tháng 10 năm 1974, Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị họp hội nghị tại Hà Nội để xem xét đánh giá và khuyến nghị của Bộ Tổng tham mưu. Theo Dũng, các thành viên hội nghị đã nhất trí về những điều sau:
Ngụy quân ngày càng suy yếu về quân sự, chính trị và kinh tế và lực lượng của chúng ta mạnh hơn nhiều so với kẻ thù ở miền Nam.
Hoa Kỳ đang phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng cả trong nước và trên thế giới, và khả năng hỗ trợ cho quân ngụy đang giảm dần.
Chúng ta đã tạo ra một chuỗi hỗ trợ lẫn nhau, đã tăng cường lực lượng dự bị và vật chất và đang không ngừng cải thiện hệ thống chiến lược và chính trị của chúng ta.
Phong trào đòi hòa bình, cải thiện đời sống nhân dân, dân chủ, độc lập dân tộc và lật đổ Thiệu ở nhiều thành phố đang phát triển mạnh mẽ.
Mặc dù những thành viên tham dự hội nghị đồng ý rằng khả năng Hoa Kỳ hỗ trợ chế độ Thiệu đang giảm dần, nhưng họ không tin rằng người Mỹ sẽ không phản ứng theo một cách nào đó. Do đó, câu hỏi chính, theo Dũng, là, “Liệu người Mỹ có khả năng đưa quân trở lại miền Nam khi các cuộc tấn công lớn của chúng ta dẫn đến nguy cơ sụp đổ của quân đội Sài Gòn hay không?” Ý kiến về vấn đề này không đồng thuận, nhưng Lê Duẩn lập luận: “Bây giờ Hoa Kỳ đã rút khỏi miền Nam, họ sẽ khó có thể quay trở lại. Và bất kể họ có thể can thiệp như thế nào, họ cũng không thể cứu được chính quyền Sài Gòn khỏi sự sụp đổ thảm khốc của nó.” Lập luận của ông đã thuyết phục được các đồng chí của ông, và đến cuối tháng 10, Bộ Chính trị đã quyết định về chiến lược cho năm 1975 và 1976. Quyết định của Bộ Chính trị, được gọi là “Nghị quyết năm 1975,” nêu rõ rằng chiến tranh đã đi đến “giai đoạn cuối cùng”. Bắc Việt sẽ tiến hành một cuộc tấn công gồm hai giai đoạn: năm 1975, họ sẽ củng cố các thành quả đã đạt được, bảo vệ chặt chẽ hơn “hành lang hậu cần” và tiếp tục tăng cường lực lượng ở miền Nam; năm 1976, họ sẽ bắt đầu cuộc tổng tấn công cuối cùng.
Quyết định trì hoãn cuộc tổng tấn công của họ có vẻ kỳ lạ khi xét đến quy mô tăng cường của Cộng sản vào năm 1973 và đầu năm 1974, nhưng trong các cuộc thảo luận của Bộ Chính trị, Lê Đức Thọ, người lúc này là nhân vật có quyền lực thứ hai ở miền Bắc Việt chỉ sau Lê Duẩn, đã nói: “Kho dự trữ vật chất của chúng ta vẫn còn rất thiếu thốn, đặc biệt là về vũ khí và đạn dược. . . . Do đó, chúng ta phải hạn chế giao tranh vào năm 1975 để dành sức cho năm 1976, khi đó chúng ta sẽ tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn. . . .” Chiến lược này chắc chắn là bảo thủ, nhưng Hà Nội có lý do để chơi nước cờ an toàn; trước đây họ đã thử hai lần phát động các cuộc tổng tấn công (năm 1968 và 1972), và cả hai lần đều chứng tỏ là quá sớm và cực kỳ tốn kém về thương vong. Ngoài ra, Bộ Tổng tham mưu Bắc Việt đã đánh giá quá cao năng lực của QLVNCH, vốn đã chiến đấu khá tốt trong suốt mùa hè và kéo dài đến mùa thu. Mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy lực lượng miền Nam đang gặp khó khăn, nhưng giới lãnh đạo Bắc Việt (vẫn không biết tinh thần của miền Nam đã suy giảm nghiêm trọng như thế nào trong năm trước) vẫn còn tin rằng QLVNCH, ít nhất là về mặt kỹ thuật, vẫn nắm giữ ưu thế về sức mạnh tổng thể. Do đó, họ không đủ tự tin để phát động chiến dịch “cuối cùng” mà không có sự chuẩn bị thêm.
Các chỉ huy chiến trường chính và các nhà lãnh đạo chính trị đã được triệu tập đến Hà Nội vào tháng 11 để thảo luận về cách thức triển khai chiến lược mới. Những cuộc tranh cãi nảy lửa đã nổ ra về việc tấn công ở đâu và như thế nào. Quân miền Nam được cho là quá mạnh ở khu vực Quân đoàn I, phía nam DMZ, và cũng được cho là không thua sút đối với Quân đoàn III (khu vực bao quanh Sài Gòn). Khu vực Quân đoàn IV ở Đồng bằng sông Cửu Long quá xa so với các tuyến tiếp tế của Cộng sản. Do đó, một số thành viên của ủy ban đã lập luận cho một cuộc tấn công ở Tây Nguyên (Quân đoàn II). Tuy nhiên, Trung Tướng Trần Văn Trà, chỉ huy Mặt trận B-2, đã đề xuất rằng lực lượng của ông sẽ tiến hành một cuộc tấn công thực tế sẽ là một cuộc tấn công “thử nghiệm” ở Tỉnh Phước Long, trên biên giới của Quân đoàn II và Quân đoàn III, để xem Quân đoàn VNCH sẽ chiến đấu tốt như thế nào và liệu Hoa Kỳ có phản ứng hay không. Ông lập luận rằng vì mục tiêu nằm rất gần Hành lang Trường Sơn, nên cuộc tấn công có thể được hỗ trợ dễ dàng. Ông đã trình bày các kế hoạch chi tiết mà ông đã mang theo. Sau nhiều cuộc thảo luận và sửa đổi kế hoạch, ủy ban đã chấp thuận cuộc tấn công vào Phước Long, sẽ bắt đầu vào giữa tháng 12. Một số người trong Bộ Chính trị không đồng tình với kế hoạch của Trà vì họ cảm thấy nó có khả năng làm cạn kiệt quân số, đạn dược và thiết bị có thể được sử dụng tốt hơn trong cuộc tổng tấn công năm 1976. Tuy nhiên, Lê Duẩn đã bị thuyết phục bởi lập luận của Trà và chấp thuận cuộc tấn công. Tuy nhiên, ông đã cảnh báo Trà rằng thất bại sẽ không được chấp nhận, nói với ông ta, “Tiến lên và tấn công. . . . Nhưng ông phải chắc chắn về thắng lợi.”
Theo quan điểm của Bắc Việt, quyết định tấn công Phước Long là đúng đắn. Một cuộc tấn công thành công sẽ bảo vệ được đoạn đường còn lại cuối cùng của Hành lang Trường Sơn và tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận các vị trí sẽ thống trị các lối tiếp cận Sài Gòn. Cuộc tấn công cũng sẽ trói buộc lực lượng miền Nam, không để lại bất kỳ lực lượng dự bị nào có thể tấn công vào nỗ lực tiếp tế và yểm trợ của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong khi đó, quá trình chuẩn bị cho một cuộc tổng tấn công năm 1976 có thể tiếp tục không bị gián đoạn. Ngoài ra, một cuộc tấn công mạnh mẽ gần Sài Gòn chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả về mặt tâm lý cho người dân thủ đô. Nếu lực lượng BV chiếm được Phước Bình (thủ phủ của tỉnh), lực lượng của Thiệu không thể duy trì chính sách giữ vững mọi miền lãnh thổ của mình nữa, điều này sẽ làm xói mòn thêm sự ủng hộ của người dân vốn đã suy yếu. Cuộc tấn công vào Phước Long mang lại tiềm năng đạt được lợi ích lớn với rủi ro tương đối thấp.
Vào ngày 13 tháng 12 năm 1974, Bắc Việt đã phát động cuộc tấn công của họ. Cuộc tấn công sẽ kéo dài đến năm mới, và mặc dù tình hình lúc đó chưa rõ ràng, trận chiến Phước Long đã đánh dấu sự khởi đầu cho sự cáo chung của Việt Nam Cộng hòa.
Dần”, bắt đầu, cuộc chiến vẫn tiếp diễn với miền Nam thể hiện khá tốt trước quân Bắc Việt trên chiến trường. Họ đã chiếm lại hầu hết lãnh thổ do kẻ thù chiếm giữ vào tháng 1 năm 1973, ngoại trừ một số căn cứ hỏa lực và tiền đồn biên giới biệt lập do quân Bắc giữ lại. Ngoài ra, họ đã chiếm lại 15 phần trăm tổng diện tích đất do quân BV kiểm soát tại thời điểm ngừng bắn, bao gồm 779 ấp đã hoàn toàn hoặc chủ yếu nằm dưới sự kiểm soát của Cộng sản sau cuộc chiếm đất năm 1973. Những thành quả này phải trả giá đắt. Quân đội miền Nam đã chịu 25.473 thương vong trong trận chiến năm 1973, vượt quá bất kỳ năm nào trước đó trong cuộc chiến, ngoại trừ năm 1968, năm diễn ra cuộc tấn công Tết Mậu Thân và năm 1972, năm diễn ra cuộc xâm lược Phục sinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bất chấp những tổn thất này, Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã báo cáo vào tháng 2 rằng Quân đội miền Nam đang tự mình chống đỡ và giữ được “thế cân bằng không dễ dàng” trên chiến trường.
Khi quân đội Hoa Kỳ rời khỏi miền Nam vào năm 1973, Tổng thống Thiệu tự nhiên nắm quyền kiểm soát chiến lược của riêng mình. Một số ít người Mỹ còn lại trong Cơ quan Tình báo Chiến lược không có vai trò cố vấn cho Thiệu và các tướng lĩnh của ông về chiến lược sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Đại tá William Le Gro, giám đốc Cơ quan Tình báo Chiến lược, đã viết:
Thỏa thuận ngừng bắn ở Việt Nam báo hiệu sự kết thúc của nỗ lực cố vấn của Hoa Kỳ tại quốc gia đó. Các viên chức cấp cao của DAO đã cẩn thận tránh bất kỳ lời đề nghị tư vấn hoạt động nào cho người Việt Nam mà họ làm việc chặt chẽ và liên tục. Sự hỗ trợ kỹ thuật do các viên chức quân sự và dân sự cấp cao của DAO và các nhà thầu cung cấp là cần thiết cho quá trình hiện đại hóa và mở rộng của QLVNCH, nhưng quân đội miền Nam sẽ không nhận được lời khuyên nào về các hoạt động quân sự, chiến thuật hoặc kỹ thuật sử dụng. Cuộc chiến giờ thuộc về người Việt Nam, và họ phải chiến đấu một mình. QLVNCH biết phải làm gì nhưng phải được cung cấp khí tài phương tiện.
Trong khi một số ít người Mỹ còn lại quan tâm đến việc giúp miền Nam duy trì các công cụ chiến tranh, chiến lược của Thiệu vẫn đơn giản là “giữ tất cả lãnh thổ và bằng mọi giá”. Như một trong những cố vấn của Thiệu đã mô tả, “Bất cứ nơi nào có cuộc tấn công hoặc xâm nhập của Cộng sản, lực lượng miền Nam phải phản ứng ngay lập tức. Vì vậy, lá cờ của miền Nam phải ở khắp mọi nơi, ngay cả trên tiền đồn xa nhất của đất nước.”
Chiến lược của Thiệu có một số nhược điểm nghiêm trọng cuối cùng đã gây ra hậu quả thảm khốc cho chế độ Sài Gòn. Đầu tiên, QLVNCH, cố gắng tuân theo lệnh của tổng thống, đã bị kéo căng rất mỏng và luôn ở thế phòng thủ. Như vậy, họ chỉ có thể phản ứng với các động thái của Bắc Việt, những người có thể đặt ra các điều khoản của trận chiến và do đó đạt được ưu thế về số lượng tại địa điểm và thời điểm họ chọn. Theo Tướng Cao Văn Viên, cựu chủ tịch Bộ Tổng tham mưu QLVNCH, lệnh của Thiệu “tương đương với việc hy sinh một số lượng lớn quân lính có thể được sử dụng hiệu quả ở nơi khác.”
Thứ hai, QĐVNCH sở hữu một lực lượng dự bị chiến lược hạn chế, và ngay cả những lực lượng này cũng được giao nhiệm vụ phòng thủ cố định. Thứ ba, lực lượng dân quân địa phương bị trói buộc trong các tiền đồn nhỏ với ít hoặc không có khả năng cơ động. Cuối cùng, QĐVNCH có rất ít quân để dự phòng cho bất kỳ nhiệm vụ tiếp theo nào nhằm ngăn chặn nỗ lực tiếp viện và tiếp tế khổng lồ của Bắc Việt đổ xuống Đường mòn Hồ Chí Minh vào các khu vực tập kết ở Lào và Campuchia. Do đó, chiến lược của Thiệu, đòi hỏi khả năng cơ động tối đa để ứng phó với mọi mối đe dọa của quân BV, đã dẫn đến điều ngược lại: hầu hết lực lượng của ông đều bất động và ở thế phòng thủ.
Ngay sau khi năm mới bắt đầu, Thiệu tuyên bố bắt đầu “Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba”, nói rằng ông sẽ điều động lực lượng của mình thực hiện “các hành động trừng phạt thích hợp” sẽ được triển khai “không chỉ ngay trong các vùng kiểm soát của chúng tôi, mà còn ngay trong các khu vực mà quân đội Cộng sản Bắc Việt vẫn đóng quân” Theo đó, vào tuần thứ hai của tháng 2, Thiếu tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Quân đoàn IV của QLVNCH đã ra lệnh cho lực lượng sư đoàn 7 và 9 tấn công Sư đoàn 5 của QĐNDVN (Sư đoàn 5 VC trước đây đã đóng vai trò chính trong trận đánh An Lộc năm 1972) tại khu vực Trị Pháp nằm giữa các tỉnh Định Tường, Kiến Phong và Kiến Tường ở Đồng bằng sông Cửu Long. Quân miền Nam đã bất ngờ tấn công quân Cộng sản, buộc họ phải rút lui với tổn thất nặng nề về người, đạn dược, và vật tư. Trong hai tháng tiếp theo, giao tranh dữ dội diễn ra tại khu vực Trị Pháp và QLVNCH đã thể hiện xuất sắc, tiêu diệt hơn một nghìn bộ đội Bắc Việt và thu giữ 5.000 tấn gạo, hơn 600 vũ khí, 8 tấn đạn dược và một lượng lớn thiết bị quân sự khác. Quân miền Nam bị thương 700 người, nhưng không tới 100 người tử trận. Trong quá trình này, ba trung đoàn của QDNDVN (Z-15, Z-18 và Đồng Tháp 1) đã bị tổn thất nặng nề. Đến cuối tháng 5, quân miền Nam đã kiểm soát vững chắc Tri Pháp và khu vực xung quanh.
Sư đoàn 5 Bắc Việt rút về khu vực Mỏ Vẹt ở Tỉnh Svay Rieng, Campuchia, ngay phía tây Sài Gòn. Từ vị trí đó, BV bắt đầu mở các cuộc tấn công vào các vị trí quân miền Nam ở các tỉnh Tây Ninh, Hậu Nghĩa và Kiến Tường. Trung tướng Phạm Quốc Thuận, chỉ huy Quân đoàn III VNCH, quyết định tấn công địch tại các nơi ẩn náu của chúng ở Campuchia, bắt đầu triển khai hơn 20 tiểu đoàn cơ động xung quanh Mỏ Vẹt để chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào khu vực căn cứ của BV xung quanh Svay Rieng. Ngày 27 tháng 4, Thuận ra lệnh tiến quân và lực lượng bộ binh và thiết giáp QLVNCH đã tấn công. Các đoàn xe tăng tiến vào lãnh thổ Campuchia mười sáu km, và các đơn vị bộ binh được trực thăng vận đã chiếm giữ các vị trí chặn phía sau quân phòng thủ Bắc Việt. Cuộc giao tranh diễn ra ác liệt, nhưng QLVNCH, với sự hỗ trợ trên không tầm gần của Không quân Việt Nam, đã duy trì được đà tấn công cho đến ngày 10 tháng 5, khi lực lượng miền Nam rút lui về biên giới. Chiến dịch đã thành công: quân tấn công VNCH đã giết chết 1.200 quân Cộng sản, bắt thêm 65 tù binh, phá hủy một lượng lớn vật tư và làm gián đoạn liên lạc và hậu cần của địch trên khắp khu vực.
Tuy nhiên, những thành công này không kéo dài lâu và chiến dịch Svay Rieng là cuộc tấn công lớn cuối cùng do lực lượng miền Nam tiến hành; năm 1974 sẽ chứng tỏ là một năm định mệnh đối với miền Nam. Cuối cùng, chiến lược “giữ bằng mọi giá” của Thiệu sẽ kết hợp với hai yếu tố khác để định đoạt số phận của miền Nam. Hai yếu tố này là mất đi sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và tinh thần chiến đấu suy sụp nhanh chóng, cuối cùng sẽ dẫn đến sự thất thủ của Sài Gòn và sự sụp đổ của miền Nam như một quốc gia có chủ quyền. Mặc dù những sự kiện này sẽ không xảy ra cho đến năm 1975, nhưng con xúc xắc đã được gieo và “sự tan rã của miền Nam đã bắt đầu”.
Việc Mỹ rút quân đã để lại một khoảng trống mà miền Nam, mặc dù lực lượng QLVNCH đã tăng lên, nhưng không thể nào lấp đầy. Năm 1969, Hoa Kỳ và miền Nam đã triển khai chung 22 sư đoàn; năm 1974, miền Nam chỉ tập hợp được 13 sư đoàn. Ngược lại, lực lượng Cộng sản ở miền Nam đã lên tới 646 tiểu đoàn vào đầu năm 1974, tăng rất nhiều so với tổng số 352 của năm 1969. Do đó, sự chênh lệch về quân số tương đối giữa miền Nam và miền Bắc ngày càng lớn, khi lực lượng Bắc Việt tăng lên hàng ngày ở miền miền Nam.
Thậm chí còn quan trọng hơn việc Mỹ rút quân chiến đấu trên bộ là việc mất đi sức mạnh không quân của Hoa Kỳ, vốn không còn khả dụng đối với miền Nam. Đối với một lực lượng đã quen phụ thuộc vào sự hiện diện liên tục của máy bay Hoa Kỳ để hỗ trợ, việc cắt giảm mạnh mẽ sức mạnh chiến đấu sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc. Trớ trêu thay, chính sách Việt Nam hóa của Nixon đã phát huy tác dụng rất tốt đến mức nó dạy cho người miền Nam cách chiến đấu “theo kiểu Mỹ”, sử dụng khả năng cơ động trên không, hỗ trợ trên không chiến thuật và chi tiêu xa xỉ đạn dược và quân dụng khác. Bây giờ họ thấy mình đang cố gắng tiến hành một cuộc chiến như vậy trong những tình huống mà sự hỗ trợ trên không, đạn dược, thiết bị và vật tư cần thiết hoặc là thiếu hụt hoặc không có sẵn. Tham gia vào cuộc đấu tranh sống còn với quân Bắc Việt, người miền Nam không muốn cũng không thể tái cấu trúc lực lượng và khái niệm tác chiến của mình để phù hợp với tình hình mới do việc cắt giảm mạnh viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Sài Gòn quyết định.
Một số nỗ lực đã được thực hiện để củng cố và tổ chức lại các đơn vị chiến đấu để phù hợp với tình hình mới. Lực lượng dự bị chung được mở rộng (mỗi sư đoàn Nhảy dù và Thủy quân Lục chiến đều nhận được một lữ đoàn bổ sung) và hai nhóm biệt động mới được tổ chức. Ngoài ra, Tham mưu trưởng Liên quân đã chuyển đổi các sở chỉ huy khu vực thành các nhóm chỉ huy khu vực di động, với hy vọng giải phóng các sư đoàn chính quy khỏi những lo ngại về lãnh thổ và cung cấp cho các khu vực quân sự một lực lượng chiến đấu đáng kể để đối đầu với các đơn vị lãnh thổ của kẻ thù.
Những nỗ lực tái tổ chức này kém hiệu quả vì chúng không giải quyết được vấn đề cốt lõi: phong cách chiến đấu của QLVNCH. Các lực lượng vẫn cố gắng chiến đấu theo cách chiến tranh của Mỹ, nhưng không có tất cả các hệ thống vật chất và vũ khí cần thiết mà họ yêu cầu. Như một quan sát viên đã phát biểu một cách chính xác, “QLVNCH phải tham gia cuộc chiến của một người giàu có với ngân sách của một người nghèo khổ.”
Thiệu và các tướng lĩnh của ông đã hành động như thể sự hỗ trợ của Mỹ được đảm bảo trong một tương lai vô thời hạn. Khi người Mỹ rời đi vào năm 1973, miền Nam đã thực hiện một vài điều chỉnh và tiếp tục tiến hành chiến tranh trên cơ sở “hoạt động như thường lệ”. Cựu tư lệnh Sư đoàn 3 của Quân đội Việt Nam Cộng hòa, Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh sau này đã viết rằng “VNCH không thể nghĩ đến việc thắt lưng buộc bụng vì lý do đơn giản là viện trợ quân sự được dúi vào tay họ và không ai có thể lường trước được một ngày nào đó viện trợ này sẽ bị cắt giảm. Vì vậy, khi viện trợ đột nhiên bị cắt giảm, VNCH thực sự gặp rắc rối”. Cách mô tả của Hinh về viện trợ “dúi vào tay” còn gây tranh cãi, nhưng đánh giá của ông về kết quả của việc cắt giảm viện trợ chắc chắn là đúng.
Giếng bắt đầu cạn kiệt vào năm 1974. Trong năm 1972–73, miền Nam đã nhận được 2,2 tỷ đô la viện trợ của Hoa Kỳ. Trong năm 1973–74, con số đó đã giảm xuống còn 964 triệu đô la, giảm hơn 50 phần trăm. Đầu năm 1974, Thiếu tướng John Murray, DAO ở Sài Gòn, đã khuyên Đại sứ Martin rằng Thiệu và các tướng lĩnh của ông nên được thông báo rằng họ cần phải bắt đầu tiết kiệm ngay lập tức để tránh một cuộc khủng hoảng sau này. Lo sợ rằng điều này sẽ gây “bất ổn về mặt chính trị” đối với miền Nam, Martin đã cấm Murray đề cập đến vấn đề này.
Thoạt nhìn, có vẻ như miền Nam có đủ vật tư chiến tranh để tiếp tục cuộc chiến chống lại Bắc Việt vô thời hạn. Họ đã nhận được 753 triệu đô la máy bay, trực thăng, xe tăng, pháo và các thiết bị quân sự khác theo chương trình Tăng cường và Tăng cường Thêm. Tuy nhiên, như đã thảo luận ở trên, phần lớn các thiết bị này không phù hợp với nhu cầu của QLVNCH hoặc không thể sử dụng và bảo dưỡng vì miền Nam không thể đáp ứng các yêu cầu về quản lý và đại tu để duy trì hoạt động. Do đó, phần lớn thiết bị mới, như một quan chức Hoa Kỳ đã lưu ý, vẫn nằm trong kho “ngồi chơi xơi nước và rỉ sét”. Thật không may, chỉ riêng sự hiện diện của số lượng đồ sộ thiết bị này đã mang lại cho miền Nam cảm giác an toàn giả tạo khi họ cho rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cung cấp phụ tùng, nhiên liệu và đạn dược cần thiết để vận hành các loại vũ khí và máy móc mới.
Mặc dù cuối cùng giới lãnh đạo QLVNCH đã thiết lập các biện pháp kiểm soát chi tiêu để tiết kiệm nhiên liệu, đạn dược và vật tư, nhưng binh lính miền Nam vẫn cứ quen chiến đấu theo cách họ đã được dạy. Không có thay đổi nào về chiến thuật cơ bản và các khái niệm tác chiến dựa vào một lượng lớn pháo binh và không quân, các biện pháp kiểm soát mới đã không hiệu quả. Quân đội miền Nam bắt đầu thiếu hụt nhiên liệu và đạn dược mà họ có trong tay; đến đầu năm 1974, tuyến tiếp tế đã cạn kiệt và “hệ thống dự trữ không bao giờ phục hồi được”. Họ gần như đã cạn kiệt mọi thứ mà họ đã quen có thừa mứa khi Hoa Kỳ còn ở bên.
Tình trạng khan hiếm đó đã nhanh chóng làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của miền Nam và có tác động bất lợi đến ý chí tiếp tục chiến đấu của họ. Đến giữa năm 1974, nguồn cung cấp đạn dược đã cạn kiệt, đặt ra những hạn chế nghiêm trọng đối với các hoạt động chiến đấu. Ví dụ, các khẩu đội pháo binh ở Cao nguyên Trung phần, vốn trước đó bắn 100 quả đạn mỗi ngày, đã giảm xuống chỉ còn 4 quả mỗi ngày. Đến mùa hè, mỗi binh lính VNCH chỉ được phép sử dụng 85 viên đạn mỗi tháng. Lựu đạn cầm tay và các loại đạn thiết yếu khác cũng cắt giảm sâu. Ngay cả thông tin liên lạc cũng bị ảnh hưởng vì pin vô tuyến bị thiếu hụt
Việc thiếu nhiên liệu là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến cả sức mạnh chiến đấu và khả năng cơ động. Những hạn chế trong việc phân bổ nhiên liệu chỉ cho phép 55 phần trăm phương tiện của miền Nam—xe tải, xe tăng, xe bọc thép chở quân, tàu tuần tra trên sông, trực thăng, máy bay—hoạt động, và những phương tiện có thể hoạt động thì mức hoạt động cũng giảm đáng kể. Khoảng một nửa đội xe tải của QĐVNCH đã bị bỏ không vì thiếu nhiên liệu và phụ tùng. Một sĩ quan cấp tướng ở Quân đoàn I lưu ý rằng “các đơn vị cứu thương thiếu xăng đến mức để di tản những thương binh, họ phải kéo bốn xe cứu thương liên tiếp bằng một chiếc xe tải 2 1/2 tấn.”
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, Hải quân VN buộc phải vô hiệu hóa một nửa số đơn vị của mình vì không thể duy trì hoặc tiếp nhiên liệu cho tất cả các tàu thuyền trên sông. Không lực VNCH bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng: do thiếu nhiên liệu và thiếu phụ tùng thay thế, khả năng cơ động chiến lược thông qua việc sử dụng trực thăng và máy bay chở hàng đã giảm từ 50 đến 70 phần trăm.
Vào giữa năm 1974, Tướng Phạm Quốc Thuần, tư lệnh Quân đoàn III của QLVNCH, đã mô tả một cách khéo léo về những tác hại của tình trạng thiếu hụt:
Trong quý cuối năm 1973 . . . nguồn cung cấp nhiên liệu và đạn dược giảm 30% so với quý đầu tiên, hoặc giảm 60% nếu so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung tiếp tục giảm 30% trong quý đầu tiên năm 1974, và giảm thêm 20% nữa trong quý tiếp theo. . . . Vào đầu năm 1973, Quân đoàn III được phân bổ 200 phi vụ không kích chiến thuật mỗi ngày; đến cuối năm 1973, chỉ có 80 phi vụ được thực hiện, và trong nửa đầu năm 1974, số lượng phi vụ được phân bổ dao động trong khoảng từ 30 đến tối đa là 60. Việc giảm mạnh các phi vụ không quân này không phải do thiếu máy bay mà là do thiếu nhiên liệu, bom và đạn dược.
Đối với một lực lượng đã được dạy cách sử dụng hỏa lực lớn và được lệnh “giữ vững mọi nơi”, tình hình trở nên rất nghiêm trọng. Theo Đại tá Le Gro, thành công của lực lượng vũ trang miền Nam trong năm 1973 sỡ dĩ có thể phần lớn là do khả năng di chuyển nhanh chóng để tăng cường đến các vị trí bị đe dọa hoặc tấn công các khu vực tập trung quân Bắc Việt, nhưng khả năng cơ động đó “gần như biến mất do nguồn tài trợ cho các yêu cầu bảo dưỡng giảm và chi phí tăng vọt của tất cả các nguồn cung cấp, đặc biệt là nhiên liệu”.
Ngoài tình trạng thiếu hụt vật tư, miền Nam bắt đầu trải qua tình trạng thiếu hụt nhân sự. Việc duy trì QLVNCH ở mức quân số 1,1 triệu người có vũ trang ngày càng trở nên khó khăn đối với Sài Gòn. Theo Tướng Cao Văn Viên, cựu Tổng tham mưu trưởng Liên quân, để khắc phục tình trạng hao hụt do tổn thất chiến đấu, tử vong thông thường, đào ngũ và giải ngũ, lực lượng này cần một quân số thay thế hàng năm từ 200.000 đến 240.000 người; tuy nhiên, quân dự bị chỉ có khoảng từ 100.000 đến 150.000 người, dẫn đến tình trạng thiếu hụt thường xuyên từ 90.000 đến 100.000 binh sĩ.
Do đó, nhiều đơn vị bị thiếu quân, đặc biệt là trong các lực lượng chiến đấu đang gánh chịu phần lớn mũi dùi của trận chiến. Một nghiên cứu của DAO về Quân khu II vào đầu năm 1974 cho thấy chỉ có 65 phần trăm nhân lực của QLVNCH có mặt để làm nhiệm vụ.
Không có gì ngạc nhiên khi tình trạng thiếu hụt nhân lực, cùng với tình trạng thiếu hụt thiết bị và vật tư, đã có tác động tàn phá đến tinh thần của quân lính. Số lượng tân binh thay thế đến các đơn vị chiến đấu ít hơn; nguồn cung cấp đạn dược giảm dẫn đến nhiều thương vong hơn; và tình trạng thiếu trực thăng hoạt động đã làm chậm trễ việc sơ tán kịp thời các thương binh. Khi đến bệnh viện, những binh sĩ bị thương phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc men, thuốc kháng sinh và băng gạc (trong nhiều trường hợp phải giặt và sử dụng lại). Ý chí chiến đấu của người lính miền Nam bắt đầu dao động trong những điều kiện này là điều dễ hiểu.
Sài Gòn, đối mặt với tình trạng thiếu hụt tiền bạc và nguồn lực ngày càng tăng, đã phải cắt giảm phụ cấp lương của binh lính, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần quân đội miền Nam và gia đình họ. DAO đã tiến hành một cuộc khảo sát vào năm 1974 nhằm xác định tác động của những đợt cắt giảm này đối với điều kiện kinh tế của những người lính miền Nam. Báo cáo cuối cùng, do Tony Lawson, giám đốc Nghiên cứu đặc biệt của DAO, kết luận rằng “quân nhân miền Nam buộc phải sống dưới mức sinh hoạt hợp lý và hiệu suất cũng như mức độ hoàn thành nhiệm vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng… tình hình này đã làm xói mòn sức chiến đấu không thể được phép tiếp tục, nếu quân đội miền Nam muốn được coi là một lực lượng khả thi.” Một sĩ quan TQLC miền Nam đã chứng minh Lawson đánh giá đúng khi, trả lời một cuộc khảo sát do Tập đoàn Rand thực hiện cho Bộ Quốc phòng, đã nói một cách cay đắng: “Đúng vậy, anh là một người lính, anh là một tiểu đội trưởng với binh sĩ của mình, và anh nhận được lệnh bảo vệ một ngọn đồi cho đến chết. Anh không thể bảo vệ cho đến chết, khi mà mỗi tuần anh đều nghe gia đình mình than thở họ không có đủ thức ăn để ăn. Và trong khi anh nhìn vào Sài Gòn, những kẻ giàu có thừa mứa thức ăn, rượu thịt, họ có tiền, họ thoải mái, có thời gian vui chơi. Tại sao anh phải chiến đấu đến chết? Vì ai?”
Sài Gòn đã làm rất ít hoặc không làm gì để khắc phục tình hình. Kết quả là tình trạng đào ngũ tăng mạnh. Chẳng mấy chốc, 15.000 đến 20.000 binh lính miền Nam đã bỏ trốn khỏi đơn vị mỗi tháng. Tệ hơn nữa, nhiều người ở lại với đơn vị của họ đã đút lót với chỉ huy của mình để được phân công làm những việc khác thay vì tác chiến. Bọn lính này được gọi là lính kiểng và thường phải trả tiền cho chỉ huy để được đặc ân rời khỏi đơn vị, làm giảm thêm sức mạnh chiến đấu của tổ chức.
Còn có những người lính khác kiếm thêm tiền bằng cách bán vũ khí, đạn dược, và thiết bị của họ cho kẻ thù. Theo đánh giá của DAO vào tháng 2 năm 1974, “Các chỉ huy trong quân khu I thừa nhận rằng họ không thể dự trữ đủ áo choàng đi mưa, dụng cụ đào hào, bộ dụng cụ cơ khí, v.v., vì những binh lính, có gia đình đang túng quẫn, đã bán những mặt hàng này trên thị trường chợ đen để lấy tiền mua thức ăn.” Một số binh lính miền Nam bắt đầu săn mồi chính đồng bào của mình. Một phụ nữ nông dân đang làm việc trên cánh đồng lúa gần Căn cứ Không quân Chu Lai do Mỹ xây dựng đã nói với một phóng viên Mỹ rằng, “Họ [quân đội VNCH] cướp bóc chúng tôi mọi lúc. Người dân không thể làm gì vì họ có súng—chúng tôi không thể làm gì ngoài việc kêu khóc.”
Các nhà lãnh đạo cấp cao có thể đã vào cuộc để hỗ trợ quân đội của họ và đảm bảo rằng họ không ngược đãi dân làng địa phương, nhưng hầu hết đều không làm gì cả. Nhiều chỉ huy cấp cao có vẻ quan tâm đến sinh kế của chính mình hơn là hoàn cảnh của những người lính. Thay vì kiềm chế tham nhũng, họ thường xuyên tham gia, nâng nó gần như lên thành một hình thức nghệ thuật. Một nghiên cứu năm 1974 do Nguyễn Văn Ngân, một trong những phụ tá thân cận nhất của Tổng thống Thiệu, thực hiện, cáo buộc rằng hơn hai phần ba trong số 60 tướng và đại tá trong QĐVNCH đã tham gia vào một số hình thức hoạt động bất hợp pháp. Một nghiên cứu khác về tình trạng tham nhũng trong quân đội do Cục An ninh Quân đội Việt Nam Cộng hòa tiến hành đã phát hiện ra rằng: “Kể từ khi ngừng bắn, các hoạt động quân sự của lực lượng chúng ta đã trở nên ít tích cực hơn do tinh thần của những người lính suy giảm, những người không muốn chịu đựng gian khổ hoặc quá tự tin vào thỏa thuận ngừng bắn. Một yếu tố đáng chú ý diễn ra bên cạnh tinh thần chiến đấu hăng hái của phần lớn những người lính là tình trạng tham nhũng của một số cấp chỉ huy trốn tránh trách nhiệm, tránh gian khổ và tham gia vào các hoạt động vì lợi ích cá nhân.”
Cùng báo cáo này cũng cho biết rằng “cấp chỉ huy cấp dưới, đặc biệt là cấp chỉ huy tiểu đoàn và đại đội,” đã bán vũ khí và thiết bị, biển thủ tiền công quỹ, tống tiền cấp dưới và “dành sự chú ý của họ vào công việc kinh doanh riêng tư.” Một số chỉ huy kiếm tiền bằng cách bỏ túi tiền lương của những người lính “ma” không tồn tại trong danh sách đơn vị. Một cựu quan sát viên miền Nam đã viết sau chiến tranh rằng việc duy trì “lính ma” trong danh sách đơn vị là một thông lệ phổ biến, đặc biệt là ở Quân khu IV trong cả các tiểu đoàn chính quy và địa phương. Ông đã trích dẫn một báo cáo năm 1974 rằng hầu hết các tiểu đoàn Địa phương quân ở Đồng bằng có quân số chiến đấu thực tế từ 150 đến 250 lính. Tuy nhiên, số lượng lính được báo cáo trong danh sách đơn vị thường là hơn 400. Do đó, các chỉ huy trong các tiểu đoàn này có thể thu thập và bỏ túi tiền lương của khoảng 200 “lính ma”.
Những chỉ huy khác kiếm tiền từ “lính kiểng” phải trả tiền để được giao các nhiệm vụ an toàn. Một số sĩ quan khác lại đòi tiền dân làng hoặc chủ doanh nghiệp ở vùng xa để được bảo vệ. Các chỉ huy hải quân ở Đồng bằng Cửu Long đã bán nhiên liệu diesel chạy tàu để kiếm lợi nhuận cá nhân. Thậm chí còn có báo cáo cho rằng một số phi công trực thăng đã ra giá cho việc di tản thương binh khỏi chiến trường. Cựu tướng lĩnh và bộ trưởng quốc phòng VNCH Trần Văn Đôn sau này đã nói rằng “hầu như tất cả những ai có khả năng đều lợi dụng chức vụ của mình và tham gia vào việc trục lợi.”
Nạn tham nhũng tràn lan và khả năng lãnh đạo yếu kém đã dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng thành tích của QLVNCH trên chiến trường. Kỷ luật suy sụp và tinh thần xuống đến mức thấp mới. Nạn nghiện rượu và chơi ma túy gia tăng. Trong khi cuộc chiến kéo dài và thương vong cứ gia tăng, binh lính chứng kiến gia đình họ đói khổ, nheo nhóc, trong khi giới chóp bu thường chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân hơn là chiến đấu với kẻ thù, còn quân tiếp tế và vật tư ngày càng cạn kiệt. Theo Tướng Davidson, kết quả là “một sự tê liệt bắt đầu bao trùm QĐVNCH—bắt đầu chấp nhận uể oải rằng cuộc chiến đang dần vuột khỏi tay họ và cuối cùng sẽ thua cuộc”. Tình trạng này rất đáng ngại, vì Bắc Việt đang chuẩn bị tăng áp lực trên chiến trường.
Mặc dù có những tín hiệu rõ ràng là Hoa Kỳ sẽ không tham chiến trở lại, Tổng thống Thiệu, vốn đã nhận được nhiều lời hứa từ Nixon, vẫn bám víu niềm tin vào sự can thiệp của Hoa Kỳ sẽ cứu vãn tình hình. Do đó, ông không có bước đi quyết liệt nào để ngăn chặn vòng xoáy đi xuống ngày càng tăng tốc của lực lượng mình. Tướng Davidson, khi viết sau chiến tranh, đã đổ ít nhất một phần lỗi cho Thiệu đã không làm việc với các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của miền Nam: “Bộ Tổng tham mưu, luôn yếu đuối và bị Thiệu khuất phục, không nghiên cứu các lựa chọn nào khác cho tình hình suy thoái này. Sự thụ động và chỉ biết cầu nguyện là công thức của họ.”
Thiệu cũng phải đối phó với sự sụp đổ thực sự của nền kinh tế miền Nam . Miền Nam từ lâu đã phụ thuộc vào viện trợ của Hoa Kỳ và doanh thu tạo ra từ sự hiện diện của một số lượng lớn quân đội Hoa Kỳ đã thúc đẩy nền kinh tế của mình. Giờ đây khi quân đội Mỹ đã rời đi và viện trợ quân sự Mỹ giảm mạnh, nền kinh tế gần như khựng lại, để lại tình trạng thất nghiệp tràn lan. Dân tị nạn chạy vào các thành phố để tránh khỏi vùng giao tranh liên tục đã làm trầm trọng thêm vấn đề kinh tế.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ước tính vào năm 1974 có gần một triệu công nhân, khoảng 20 phần trăm lực lượng lao động dân sự, thất nghiệp. Chi phí sinh hoạt, đã tăng vọt lên 65 phần trăm vào năm 1973, đã tăng thêm 27 phần trăm trong sáu tháng đầu năm 1974. Giá xăng tăng từ 31 lên 105 đồng một lít. Giá mọi thứ khác cũng tăng vọt: gạo tăng 100 phần trăm; đường tăng 107 phần trăm; dầu ăn tăng 139 phần trăm; và dầu hỏa tăng 112 phần trăm. Đồng thời, thu nhập bình quân đầu người giảm 25 phần trăm. Ở nông thôn, lao động thiếu hụt, và mặc dù thu hoạch lúa kỷ lục vào năm 1973, sản xuất nông nghiệp vẫn không đáp ứng được nhu cầu của đất nước. Đến giữa năm 1974, miền Nam đã sa lầy vào một cuộc suy thoái hứa hẹn sẽ tồi tệ hơn theo thời gian. Thiệu đã thực hiện các bước để làm chậm đà suy thoái kinh tế, nhưng tỏ ra không đủ.
Làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế tồi tệ là nạn tham nhũng tràn lan, vốn phổ biến trong khu vực công cũng như trong quân đội miền Nam. Buôn lậu tràn lan, và rượu whisky, xà phòng và các hàng hóa không đánh thuế khác tràn ngập vào thị trường chợ đen, khiến chính phủ mất đi nguồn thu rất cần thiết. Việc đầu cơ các mặt hàng như gạo, đường và phân bón đã dẫn đến các vụ bê bối liên quan đến các quan chức chính phủ cấp cao, sĩ quan quân đội cấp cao và thậm chí các tu sĩ Phật giáo và Công giáo. Một câu nói của Sài Gòn vào thời điểm đó là, “Ngôi nhà bị mục ruỗng từ mái xuống”, và nhiều người miền Nam cho rằng Tổng thống Thiệu trực tiếp chịu trách nhiệm về nạn tham nhũng tràn lan đã thấm nhuần vào cuộc sống hàng ngày. Họ không nói sai, vì có rất nhiều bằng chứng cho thấy thậm chí Thiệu đã dung túng hoặc trực tiếp hưởng lợi từ nạn tham nhũng lan tràn. Một số cố vấn và bạn bè thân thiết nhất của Thiệu, chẳng hạn như Tướng Đặng Văn Quang, trợ lý đặc biệt về quân sự và an ninh, nằm trong số những tên tham ô nhất ở miền Nam.
Tham nhũng tràn lan đã gây ra tác động tàn phá đối với xã hội miền Nam. Sau chiến tranh, cựu trung tướng QLVNCH Lâm Quang Thi đã mô tả tình hình như sau:
Tham nhũng luôn gây ra bất công xã hội. Ở Việt Nam, một đất nước đang có chiến tranh, bất công xã hội dường như rõ ràng hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Tham nhũng đã tạo ra một nhóm tinh hoa nhỏ nắm giữ mọi quyền lực và của cải, trong khi cái gọi là “tầng lớp trung lưu” chủ yếu bao gồm sĩ quan quân đội và công chức ngày càng nghèo đi khi gia nhập hàng ngũ nông dân, công nhân và quân đội. Những tầng lớp xã hội thấp hơn là những người gánh vác gánh nặng của chiến tranh và hy sinh tất cả. Chính những người nông dân đã đóng thuế cho chính phủ, hối lộ cảnh sát, mua phân bón với giá cắt cổ và bán gạo với giá do chính phủ ấn định. Chính những người này đã gửi con trai của họ đi chiến đấu và hy sinh vì đất nước trong khi các quan chức chính phủ và những người giàu có gửi con trai của họ ra nước ngoài. . . . Chính phủ tuyên bố sẽ giành được trái tim và khối óc của người dân, nhưng tất cả những gì họ làm được là tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa giới lãnh đạo và quần chúng.
Tham nhũng và cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng lún sâu đã có sức tàn phá đến tinh thần và đạo lý của người dân miền Nam, vốn đã xuống thấp do tình trạng đổ máu liên tục của cục diện “không chiến tranh, không hòa bình” đã diễn ra kể từ khi các hiệp định hòa bình được ký kết. Bây giờ, đối mặt với áp lực quân sự mới từ Bắc Việt và gồng mình dưới thảm họa kinh tế, người dân miền Nam ngày càng cảm thấy mình bị bỏ rơi không chỉ bởi Hoa Kỳ, mà còn bởi chính phủ của họ. Theo Tướng Davidson, “Năm 1974, đối với họ cuộc chiến đã kết thúc; họ cảm nhận được giờ cáo chung VNCH đã điểm và ngay cả khi không có cuộc tấn công của kẻ thù, chế độ Thiệu cũng đang trên bờ vực sụp đổ.” Nguyễn Bá Cẩn, thủ tướng cuối cùng của VNCH, đồng ý với đánh giá này, sau đó nói rằng “cuộc chiến đã kéo dài quá lâu, quá tốn kém và đã đưa ra quá ít triển vọng chấm dứt thuận lợi.” Hậu quả, theo sĩ quan tình báo Stuart Herrington của DAO, là “sự xói mòn niềm tin của người dân vào chiến thắng cuối cùng. Người dân ngày càng cảm thấy mình như đang ngồi trên một quả bom hẹn giờ, và Bắc Việt đang thêm những thanh thuốc nổ mới vào quả bom đó mỗi ngày.”
CÁC “CUỘC ĐỘT KÍCH CHIẾN LƯỢC” VÀ CUỘC TẤN CÔNG MÙA HÈ CỦA BẮC QUÂN
Đánh giá của Herrington là đúng. Chính trong bối cảnh miền Nam bất ổn, Bắc Việt đã quyết định đưa “chiến tranh trong hòa bình” lên một tầm cao mới. Khi Hà Nội tăng cường hành động quân sự vào tháng 10 năm 1973, các nhà lãnh đạo Bắc Việt đã theo dõi chặt chẽ phản ứng của Hoa Kỳ. Không chỉ người Mỹ không phản ứng mà Quốc hội còn thông qua Đạo luật Quyền hạn Chiến tranh vào tháng 11, hạn chế hơn nữa các lựa chọn quân sự của tổng thống ở Đông Nam Á. Luật mới, cùng với việc thiếu phản ứng quân sự của Hoa Kỳ, đã khuyến khích phe diều hâu trong Bộ Chính trị Hà Nội, kêu gọi tiếp tục leo thang mạnh mẽ trong cuộc chiến. Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 22 của đảng vào tháng 12 năm 1973, phe ôn hòa ở Hà Nội một lần nữa lập luận thành công rằng một cuộc tổng tấn công phải được hoãn lại cho đến khi công cuộc tái thiết miền Bắc hoàn tất. Tuy nhiên, những người tham dự đã quyết định tăng cường đối đầu quân sự ở miền Nam lên một mức, mặc dù chưa đạt đến mức tổng tấn công nhưng sẽ gây áp lực lên Sài Gòn. Theo đó, Trung ương cục miền Nam đã ban hành Nghị quyết 12 vào cuối tháng 12 năm 1973 hoặc đầu tháng 1 năm 1974. Nghị quyết, khẳng định rằng các lực lượng Cộng sản ở miền Nam đang ở vị thế quân sự mạnh hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 1954, giao nhiệm vụ cho các lực lượng đó tấn công “từng điểm, giành chiến thắng từng phần và tiến tới chiến thắng cuối cùng”. Lệnh này kêu gọi các hoạt động vũ trang kết hợp không chỉ chống lại các tiền đồn biệt lập mà còn chống lại các mục tiêu quan trọng hơn như các thị trấn, sở chỉ huy tiểu khu, căn cứ hậu phương, và sở chỉ huy sư đoàn. Bằng cách tăng nhịp độ chiến đấu, Bắc Việt hy vọng sẽ giành lại thế chủ động về quân sự ở miền Nam.
Đánh giá của Hội nghị toàn thể lần thứ 22 về sức mạnh ngày càng tăng của lực lượng Bắc Việt ở miền Nam là có cơ sở. Đến đầu năm 1974, Bắc Việt đã chuẩn bị tốt để tăng phạm vi và tốc độ hoạt động chống lại QLVNCH. Trong khi sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho miền Nam giảm dần, Bắc Việt vẫn tiếp tục nhận được vũ khí và đạn dược từ cả Liên Xô và Trung Quốc. (Một báo cáo cho biết miền Bắc đã nhận được khoảng gấp đôi số lượng vũ khí mà người Mỹ cung cấp cho miền Nam. Tình báo QĐVNCH ước tính rằng viện trợ của Nga và Trung Quốc cho Bắc Việt vào năm 1974 lên tới 1,7 tỷ đô la, so với 700 triệu đô la vào năm 1973. Clark Dougan và David Fulghum khẳng định rằng mặc dù Liên Xô và Trung Quốc đã giảm viện trợ quân sự cho Hà Nội vào giữa năm 1973, Liên Xô, tức giận với việc Hoa Kỳ không cấp cho họ quy chế tối huệ quốc, đã tăng viện trợ quân sự cho Bắc Việt vào cuối năm 1974 và đầu năm 1975. Tuy nhiên, Gareth Porter đã phản đối những con số này, trích dẫn các nguồn tin của CIA cho biết viện trợ cho Bắc Việt từ các nhà tài trợ Cộng sản của họ đã giảm vào cả năm 1973 và 1974. Rõ ràng là số lượng viện trợ thực tế là chủ đề gây tranh cãi, nhưng khối lượng lớn thiết bị và vũ khí mới mà Bắc Việt sử dụng trong cuộc tấn công cuối cùng vào năm 1975 là ấn tượng nhất, cho thấy ít hoặc không có tình trạng thiếu hụt.
Bất kể Hà Nội nhận được bao nhiêu viện trợ, Bắc Việt đã tận dụng tốt thời gian sau lệnh ngừng bắn để bổ sung và tăng cường lực lượng của họ ở miền Nam, di chuyển một lượng lớn quân đội và vật tư xuống Đường mòn Hồ Chí Minh đã được cải thiện rất nhiều. Tướng Hinh của Quân đội Việt Nam Cộng hòa sau đó ước tính rằng Bắc Việt đã đưa hơn 200.000 người vào Miền Nam vào năm 1973 sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Số lượng thiết bị mới di chuyển về phía nam là rất lớn: Số lượng xe tăng của Bắc Việt tăng lên hơn 650 chiếc, so với con số 100 chiếc trong lệnh ngừng bắn. Ngoài ra, Bắc Việt có hơn 400 khẩu pháo, bao gồm một nguồn cung cấp mới súng 122 mm và 130 mm vượt xa pháo binh của Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Đến cuối năm 1973, Bắc Việt có 20 trung đoàn phòng không ở miền Nam, và hầu hết đều được trang bị vũ khí phòng không và radar tiên tiến; một số đơn vị phòng không được trang bị tên lửa phòng không SA-2 gắn trên bệ phóng di động. Ngoài vũ khí và thiết bị mới, Bắc Việt đã gửi một lượng lớn lương thực, phụ tùng và đạn dược cho các đơn vị của họ ở miền Nam. Chỉ riêng ở Quân khu I, ước tính có hơn 10.000 tấn vật tư và đạn dược đã được thâm nhập vào mỗi tháng của năm 1974.
Để xử lý khối lượng quân lính và thiết bị tăng lên di chuyển về phía nam, Bắc Việt bắt đầu xây dựng một tuyến đường tiếp tế mới, được gọi là Hành lang Trường Sơn, hay Hành lang 613. Không giống như Đường mòn Hồ Chí Minh, chạy qua Lào và Campuchia, tuyến đường mới chạy bên trong miền Nam, từ phía bắc DMZ đến Lộc Ninh, chỉ cách Sài Gòn một trăm km. Hoàn thành tuyến đường này mất hai năm và sự phục vụ của 30.000 quân lính và hàng loạt thanh niên nam nữ tình nguyện từ đoàn Thanh niên Tiền phong Cộng sản. Hành lang Trường Sơn đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào năm 1975.
Trong khi Bắc Việt tiếp tục tăng cường quân đội và vật tư ở miền Nam, họ cũng đã tổ chức lại đáng kể lực lượng của mình. Theo tướng Văn Tiến Dũng, “Để tiến hành những trận đánh tiêu diệt quy mô lớn và bảo vệ vững chắc những vùng mới giải phóng, không nên chỉ đưa ra những sư đoàn độc lập hoặc hợp nhất”. Do đó, các tiểu đoàn vùng và chủ lực riêng biệt được thành lập thành trung đoàn, và các trung đoàn riêng biệt được thành lập thành sư đoàn. Sau đó vào năm 1974, bộ tư lệnh cấp cao của Bắc Việt đã thành lập một số sở chỉ huy quân đoàn để chỉ huy số lượng sư đoàn chủ lực ngày càng tăng. Quân đoàn I được thành lập từ các sư đoàn xung quanh Hà Nội vào tháng 5 năm 1974. Quân đoàn II, được thành lập vào tháng 7 năm 1974, đảm nhiệm chỉ huy các sư đoàn của Bắc Việt xung quanh Khu Phi quân sự và hai tỉnh phía bắc của miền Nam. Quân đoàn IV được thành lập ở Tây Nguyên và Campuchia, và Quân đoàn III được thành lập sau đó ở Tây Nguyên. Việc thành lập sở chỉ huy quân đoàn đã báo hiệu các hoạt động vũ trang hợp nhất gia tăng ở quy mô rộng hơn nhiều so với trước đây.
Quân Ủy Trung ương Bắc Việt họp vào tháng 3 năm 1974 và kết luận rằng “Cách mạng Việt Nam có thể phát triển qua nhiều giai đoạn chuyển tiếp, và chỉ có thể đạt được thành công bằng bạo lực với sự hỗ trợ của các lực lượng chính trị và quân sự; nếu chiến tranh tiếp tục trên quy mô lớn, một cuộc chiến tranh cách mạng sẽ được tiến hành để giành chiến thắng hoàn toàn”. Do đó, bộ tư lệnh quân đội đã ra lệnh cho các sở chỉ huy cấp dưới của mình ở miền Nam bắt đầu những gì được mô tả là “các cuộc đột kích chiến lược” chống lại các lực lượng miền Nam. Các hoạt động này được thiết kế để giành lại thế chủ động trên chiến trường, giành quyền kiểm soát thêm lãnh thổ và con người, làm suy yếu lực lượng QLVNCH, hạ thấp tinh thần của miền Nam thông qua hành động xâm lược và làm tiêu hao, và “rèn giũa khả năng chiến đấu” của quân đội và cán bộ Cộng sản để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công trong tương lai. Trong khi thử nghiệm sức đề kháng của lực lượng miền Nam và ý chí tiếp tục chiến đấu của họ, các hoạt động được lên kế hoạch để duy trì ở mức ngay dưới ngưỡng có thể gây ra phản ứng của Hoa Kỳ.
Các mục tiêu cụ thể của các hoạt động khác nhau tùy theo khu vực. Các lực lượng ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ cố gắng giành đất đai và sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, các lực lượng ở khu vực xung quanh Sài Gòn sẽ di chuyển để cắt đứt thủ đô khỏi Đồng bằng sông Cửu Long ở phía nam, khỏi biển ở phía đông nam và từ miền Trung Nam Việt ra phía bắc. Ngoài ra, Bắc Việt hy vọng sẽ loại bỏ các tiền đồn của QĐVNCH, ngăn chặn các tuyến liên lạc và các con đường tiếp cận của Cộng sản đối với Sài Gòn, cả hai đều sẽ được sử dụng trong cuộc tổng tấn công, bất cứ khi nào. Tại Quân khu I, Bắc Việt muốn cô lập kinh đô cũ là Huế, đẩy lực lượng miền Nam ra khỏi các thành phố trọng điểm và loại bỏ các tiền đồn còn lại dọc theo hành lang hậu cần mới.
Trong khi đó, lực lượng Cộng sản ở Quân khu II cũng muốn bảo vệ phần hành lang hậu cần và các tuyến đường vào miền trung của miền Nam, đồng thời cô lập các thành phố Kontum và Pleiku.
Trong tháng 5 năm 1974, Bắc Việt đã tấn công vào các căn cứ và tiền đồn trên khắp các tỉnh Quảng Tín, Quảng Ngãi và Thừa Thiên ở Quân khu I. Vào ngày 4 tháng 5, các đơn vị của sư đoàn 1 và 2 của QĐNDVN đã tấn công thị trấn Tiên Phước và làng Kỳ Trà. Đến ngày hôm sau, Kỳ Trà đã thất thủ, cũng như tất cả các tiền đồn xung quanh Tiên Phước. Cùng lúc với các cuộc tấn công vào Tiên Phước và Kỳ Trà, quân BV đã pháo kích và bắn tên lửa vào sở chỉ huy Sư đoàn 2 VNCH tại Chu Lai và sân bay tại Tam Kỳ. Tiếp theo, họ đã tấn công vào thị trấn Gia Vực gần biên giới tỉnh Quảng Ngãi-Kontum. Những trận chiến này kéo dài cho đến giữa tháng 6, khi quân Bắc Việt rút lui qua biên giới đến nơi ẩn náu của họ ở Lào. QLVNCH đã cố gắng bảo vệ thành công Tiên Phước, nhưng trong quá trình giao tranh, ba tiểu đoàn của Sư đoàn 2 đã bị loại khỏi vòng chiến.
Động thái tiếp theo ở Quân khu I diễn ra vào tháng 7, khi Bắc Việt tiến hành một cuộc tấn công mới vào Tỉnh Quảng Nam dưới sự chỉ huy của Quân đoàn III BV mới được thành lập. Mục tiêu của cuộc tấn công này là Thung lũng Khe Le chiến lược, nơi tiếp cận các vùng ven biển đông dân. Vào ngày 18 tháng 7, Sư đoàn 304 và 2 của QĐNDVN bắt đầu cuộc tấn công vào khu vực này bằng các đợt pháo kích và hỏa tiễn vào trại biệt kích Nông Song và một căn cứ của QLVNCH tại Dạ Trạch, tiếp theo là các cuộc tấn công trên bộ bằng xe tăng và bộ binh. Lực lượng phòng vệ miền Nam tại cả hai căn cứ ban đầu đã ngăn chặn thành công, nhưng vào chiều hôm sau, một cuộc tấn công của năm tiểu đoàn bộ binh địch đã áp đảo lực lượng cố thủ Dạ Trạch. Ngày hôm sau, Nông Song cũng thất thủ. Khi những trận chiến này diễn ra, các pháo binh BV đã pháo kích vào sở chỉ huy phân khu Dục Đức và căn cứ không quân tại Đà Nẵng trong khi các lực lượng tổng cộng 11 tiểu đoàn bộ binh tấn công thêm các tiền đồn của chính phủ và các thị trấn của quận. Cựu tư lệnh Sư đoàn 3 Quân đội VNCH Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh sau này đã viết về những trận chiến này: “Chiến thuật của địch rõ ràng là một mô hình chiến tranh quy ước cơ động. Quân địch chỉ tấn công vào ban ngày và có sự hỗ trợ của pháo binh và thiết giáp. Hỏa lực pháo binh của địch, sự gia tăng các loại hỏa lực khác, và đặc biệt là việc sử dụng súng phòng không để hỗ trợ trực tiếp trên bộ là những yếu tố gây ra một số lo ngại cho binh sĩ của chúng ta. Quân địch trang bị các thiết bị mới, bộ dụng cụ sơ cứu hiện đại và khẩu phần chiến đấu hiện đại.”
Vào cuối tháng 7, các thành phần từ ba sư đoàn Bắc Việt đã bao vây các vị trí của QĐVNCH trên khắp các tỉnh miền đông Quảng Nam và Quảng Ngãi. Vào ngày 29 tháng 7, trung đoàn 29 BV đã tấn công Thượng Đức, vị trí cực tây còn lại của quân đội miền Nam tại Quảng Nam. Sau nhiều đợt pháo kích dữ dội và nhiều cuộc tấn công trên bộ, lực lượng đồn trú VNCH đã đầu hàng vào ngày 5 tháng 8, trở thành quận lỵ đầu tiên bị mất vào tay Cộng sản kể từ khi ngừng bắn. Đến cuối tháng 8, Sư đoàn 324 của Bắc Việt đã chiếm được các vị trí then chốt ở vùng cao phía nam Phú Bài thuộc tỉnh Thừa Thiên và đang đe dọa cố đô Huế. Trong tháng 8 và tháng 9, QĐNDVN đã tiến hành các cuộc tấn công thành công trên khắp Quân khu I, chiếm được nhiều quận lỵ và các cứ điểm của QLVNCH. Tướng Trưởng, tư lệnh Quân đoàn I của miền Nam, đã phản công và sử dụng lực lượng của mình một cách khéo léo. Tuy nhiên, QLVNCH đã bị kéo căng quá mỏng, và Trưởng không có đủ lực lượng dự bị để ngăn chặn mọi cuộc tấn công của Cộng sản trong khu vực. Ngoài ra, cuộc chiến liên tục đã làm cạn kiệt nghiêm trọng nguồn cung cấp đạn dược của quân miền Nam tại Quân khu I.
Khi các cuộc tấn công của Bắc Việt diễn ra tại Quân khu I, các lực lượng Cộng sản khác đã tấn công vào Cao nguyên Trung phần. Ban đầu, họ tập trung vào việc loại bỏ các tiền đồn của QLVNCH đe dọa hành lang hậu cần. Cùng lúc đó, chỉ huy Bắc Việt đã ra lệnh cho lực lượng của mình tấn công các vị trí của QLVNCH ở chân đồi Cao nguyên nhằm mục đích đẩy họ xuống đồng bằng ven biển để các đơn vị mình có thể di chuyển vào các vị trí tấn công gần các thành phố ven biển lớn.
Vào tháng 4, hai trung đoàn của Sư đoàn 320 Bắc Việt đã tấn công vào Tiền đồn 711, ngay phía đông nam của Pleiku. Lực lượng đồn trú nhỏ ở đó đã cầm cự đủ lâu để Sư đoàn 22 VNCH đưa quân tiếp viện từ Pleiku vào trận chiến, điều này đã xoay chuyển cục diện và buộc quân Bắc Việt phải rút lui. Các tiền đồn khác của miền Nam trong khu vực này không được may mắn như vậy. Đến giữa năm, QĐNDVN đã chiếm được các tiền đồn của miền Nam tại Dak Pek và Tiểu Atar, trong khi thực sự bao vây Pleime. Vào tháng 8, Mang Buk, một tiền đồn nằm gần tuyến đường tiếp tế của Cộng sản nối Kontum với các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, đã rơi vào tay quân địch sau một vụ tấn công. Giống như ở Quân đoàn I, mô hình tấn công của Bắc Việt bao gồm các cuộc pháo kích dữ dội và các cuộc tấn công trên bộ bằng vũ khí hỗn hợp áp đảo. Không giống như quân Sài Gòn quân BV không cho thấy bất kỳ bằng chứng nào về tình trạng thiếu đạn dược cho pháo hạng nặng và xe tăng cũng như không ngần ngại sử dụng hết những gì mình có. Giống như người đồng cấp của mình ở Quân đoàn I, chỉ huy Quân đoàn II VNCH, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, không thể di chuyển quân của mình quanh khu vực đủ nhanh để chống lại tất cả các cuộc tấn công của địch; đến tháng 10, Chương Nghĩa, tiền đồn lớn cuối cùng của quân Sài Gòn ở phía tây tỉnh Kontum đã thất thủ. Quân đội Bắc Việt đã thành công trong việc đẩy quân đội Nam Việt ra khỏi chân đồi, cho phép các đơn vị bộ đội thiết lập các vị trí trong phạm vi pháo binh của mọi thành phố lớn và thị trấn ở khu vực trung tâm. Trong quá trình này, họ đã làm kiệt sức hai sư đoàn VNCH bằng cách khiến họ phải chuyển quân qua lại để đáp trả các cuộc tấn công rộng khắp của địch; ngoài việc làm kiệt sức nghiêm trọng các chỉ huy và binh lính có kinh nghiệm, Quân đoàn III BV mới được thành lập đã thu thập được kinh nghiệm quý báu trong việc lập kế hoạch và tiến hành một chiến dịch tấn công lớn.
Tướng VC Trần Văn Trà, chỉ huy Mặt trận B-2, giám sát các hoạt động xung quanh Sài Gòn. Ông muốn cô lập các tỉnh Tây Ninh và Phước Long, chặn các tuyến đường giữa Sài Gòn và Đồng bằng sông Cửu Long, và bảo vệ lãnh thổ thuận lợi cho các hoạt động trong tương lai. Vào tháng 4, các thành phần của Sư đoàn 7 QĐNDVN đã tấn công vào căn cứ hỏa lực nhỏ tại Chí Linh, cách Sài Gòn 48 km về phía bắc dọc theo Quốc lộ 14, đây là tuyến đường chính nối Sài Gòn và Phước Long. Ngay sau đó, các lực lượng Bắc Việt khác cuối cùng đã tràn vào tiền đồn của QĐVNCH tại Tống Lê Chân, phía tây An Lộc, nơi đã từng chống cự kể từ khi Cộng sản lần đầu tiên bao vây vào tháng 4 năm 1972.
Trà đã ra lệnh cho Sư đoàn 5 tấn công từ Campuchia để chiếm căn cứ biệt kích Đức Huệ ở tỉnh Hậu Nghĩa, ngay phía tây Sài Gòn. Mặc dù BV không thành công trong việc đánh bật quân phòng thủ, họ đã nhanh chóng chiếm đóng và bảo vệ hầu hết khu vực giữa Sông Vàm Cỏ Đông và biên giới Campuchia. Tuy nhiên, cuối cùng, Sư đoàn 25 VNCH, được tăng cường thêm Lữ đoàn Thiết giáp 3 và một nhóm biệt động, đã phản công và buộc quân Bắc Việt quay trở lại Campuchia. Vào tháng 5, các thành phần của Sư đoàn 7 BV đã chiếm được ba tiền đồn VNCH trong khu vực Tam giác Sắt chiến lược, ngay phía tây bắc Sài Gòn. Trong một hoạt động hỗ trợ được thiết kế để cô lập Sài Gòn hơn nữa, Trà đã phát động cuộc tấn công lớn của các trung đoàn 33 và 274 hướng về Xuân Lộc, một trung tâm liên lạc chính ở Tỉnh Long Khánh, cách Sài Gòn 37 dặm về phía đông bắc. Xuân Lộc nằm trên Đường cao tốc 1 và 2, các tuyến đường quan trọng kết nối Sài Gòn với miền trung và bờ biển. Đến cuối tháng 5, lực lượng Sài Gòn đã ngăn chặn được bước tiến của quân Bắc Việt vào Xuân Lộc.
Quân đội Bắc Việt tìm cách cắt đứt Sài Gòn khỏi phía tây, tây bắc và phía đông, nhưng họ đã không giữ được bất kỳ khu vực nào trong Quân khu III mà họ chiếm được. Tuy nhiên, họ đã thành công trong việc kéo căng quá mức lực lượng miền Nam và gây ra thương vong nghiêm trọng cho họ. Vào đầu mùa thu, chỉ huy Quân đoàn III, Trung tướng Phạm Quốc Thuần đã thành công trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công xung quanh Sài Gòn, nhưng lực lượng của ông vẫn tiếp tục giao tranh dữ dội với địch trên khắp khu vực; “những đợt tấn công của Cộng sản ở Quân khu III đơn giản là gây ra quá nhiều thương vong khiến Quân đội Việt Nam Cộng hòa khó thể chữa lành.”
Câu chuyện cũng không khác gì ở Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù các trận chiến ít kịch tính hơn so với các khu vực khác. Quân đội Bắc Việt đã tăng cường nhịp độ hoạt động của mình, giành quyền kiểm soát các làng mạc và thôn xóm ở các tỉnh Kiên Giang, An Xuyên và Chương Thiện, bao gồm cả Hưng Long, quận lỵ đầu tiên bị mất ở vùng Đồng bằng.
Các cuộc tấn công từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1974 đã đạt được chính xác những gì mà giới lãnh đạo Bắc Việt mong muốn. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giành lại thế chủ động trong khi chiếm đóng thêm lãnh thổ và tích lũy kinh nghiệm quý báu trong các hoạt động vũ trang kết hợp cho các đơn vị mới của mình. Địch đã đánh bại lực lượng miền Nam, khiến họ phải tiêu tốn một lượng lớn đạn dược, và làm suy yếu nghiêm trọng lực lượng chỉ huy và binh sĩ thiện chiến, làm giảm thêm tinh thần chiến đấu của quân đội trong quá trình này. Ngoài ra, họ đã bảo đảm các con đường tiếp cận và, trong một số trường hợp, thậm chí là “điểm xuất phát” có thể được sử dụng cho cuộc tấn công lớn khi nó xảy ra. Cùng lúc đó, lực lượng Bắc Việt tiếp tục tăng quân số và thiết bị. Mặc dù Bắc Việt đã phải gánh chịu thương vong đáng kể trong các hoạt động này, nhưng giờ đây họ đã nhận được sự thay thế nhanh hơn so với miền Nam. Một ước tính của DAO cho biết đến tháng 9 năm 1974, lực lượng Bắc Việt ở miền Nam đã tăng lên 10 sư đoàn, bao gồm tổng lực lượng chiến đấu là 200.000 người, 700 xe tăng và 450 khẩu pháo. Nhiều thiết bị và người hơn nữa đổ xuống Hành lang Trường Sơn, lúc này là một con đường rộng hơn 8 mét, dùng được cho mọi thời tiết. Từ tuyến đường chính bắc-nam này, các nhánh đường đã được xây dựng chạy về phía đông đến các mặt trận chiến đấu. Theo tướng Văn Tiến Dũng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, hệ thống này giống như “những sợi dây thừng chắc chắn, vươn dài dần dần, ngày qua ngày quấn quanh cổ, tay và chân của con quỷ, chỉ chờ lệnh là giật mạnh và kết liễu sinh vật đó”. Nói một cách ít hoa mỹ hơn, lực lượng QĐNDVN đã giành được chiến thắng trên mọi mặt trận và ngày càng mạnh hơn, trong khi miền Nam ngày càng yếu đi.
THÁI ĐỘ CỦA HOA KỲ VÀ VIỆC CẮT GIẢM VIỆN TRỢ QUÂN SỰ MỚI
Khi các sự kiện năm 1974 diễn ra, đường lối chính thức của chính quyền Nixon tại Hoa Kỳ về miền Nam là “lạc quan không thuyên giảm”. Mặc dù lực lượng QĐVNCH đã tự xoay sở khá tốt vào đầu năm, tình hình nhanh chóng thay đổi, phủ nhận sự lạc quan của chính quyền khi thời gian diễn tiến. Vào thời điểm này, Nixon gần như hoàn toàn bị cuốn vào vụ bê bối Watergate, nhưng những người phát ngôn khác của chính quyền vẫn tiếp tục ca ngợi những đức tính của QLVNCH, ngay cả khi họ bắt đầu chùn bước trên chiến trường. Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger đã báo cáo rằng “Các lực lượng vũ trang của miền Nam đang thể hiện một thành tích tuyệt vời khi có những đợt bùng phát các cuộc xung đột thù địch. . . . Đối với nhiều người đã từng quan sát quân đội miền Nam vào sáu hoặc bảy năm trước, thành tích mà họ đang thể hiện hiện nay thật ấn tượng.” Henry Kissinger đã lặp lại những tình cảm này trong giải trình trước Quốc hội, nói rằng sức mạnh quân sự của Sài Gòn đủ mạnh để khiến họ thất bại “không phải là một nhiệm vụ dễ dàng cho Hà Nội.” Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Robert Ingersoll tuyên bố, “miền Nam mạnh mẽ về mặt quân sự và chính trị hơn bao giờ hết”.
Tính lạc quan hình thức, đặc biệt là khi tình hình bắt đầu chuyển hướng bất lợi cho miền Nam, rõ ràng là được dàn dựng để tìm kiếm quỹ từ một Quốc hội đã mất hứng thú với cuộc chiến ở Việt Nam và chỉ muốn nó biến mất. Các quan chức của Chính quyền hy vọng rằng bằng cách đề cao miền Nam, họ có thể biện minh cho việc yêu cầu tiếp tục viện trợ “chỉ cần vài năm nữa” cho đến khi Sài Gòn cuối cùng mất hút qua ngã rẽ lịch sử.
Có lẽ người ủng hộ miền Nam mạnh mẽ nhất là Đại sứ Graham Martin. Khi làm chứng trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào mùa hè năm 1974, ông đã vẽ nên một bức tranh tươi sáng về chính phủ của Thiệu, báo cáo rằng “về mặt chính trị, chính phủ miền Nam mạnh hơn bao giờ hết”. Tuy nhiên, hầu hết những người trong Quốc hội không tin vào lời quảng cáo của ông. Sau đó, nhiều người trong Quốc hội đi đến kết luận rằng Martin cố tình bóp méo sự thật về điểm mạnh và điểm yếu của chính quyền Sài Gòn và lực lượng vũ trang miền Nam. Sau khi so sánh các báo cáo từ các đại diện Hoa Kỳ ở các tỉnh với các báo cáo được chuyển đến Washington, các nhà điều tra của Thượng viện đã tuyên bố vào năm 1974 rằng “thông tin quan trọng được gửi từ thực địa đến Sài Gòn đôi khi bị thay đổi và… đôi khi thông tin quan trọng bị giữ lại hoàn toàn”. Mặc dù Martin kịch liệt phủ nhận những cáo buộc này, nhưng thiệt hại đã xảy ra; cả ông và chính quyền Nixon vốn đã choáng váng vì vụ bê bối Watergate, nhanh chóng mất đi mọi uy tín còn lại liên quan đến khả năng tồn tại của miền Nam, đặc biệt là trước những khó khăn mà QLVNCH hiện đang gặp phải trên chiến trường.
Tổng thống Nixon đã đệ trình yêu cầu viện trợ bổ sung lên Quốc hội cho ngân sách năm tài chính 1974 để trang trải chi phí hoạt động tăng thêm và thay thế vật tư chiến tranh bị mất và hư hỏng, cộng thêm 266 triệu đô la nữa để bù đắp cho khoản thâm hụt phát sinh trong năm trước. Vào ngày 18 tháng 3, Ủy ban Dịch vụ Vũ trang của Hạ viện đã triệu tập phiên điều trần về yêu cầu của Nixon. Đô đốc Thomas Moorer, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, và William P. Clements, phó bộ trưởng quốc phòng, đã xuất hiện trước ủy ban để trình bày lập luận của chính quyền về việc tăng viện trợ cho miền Nam, yêu cầu Hạ viện nâng mức trần viện trợ quân sự cho Sài Gòn và chấp thuận yêu cầu bổ sung. Họ cảnh báo rằng nếu không có thêm viện trợ, nỗ lực chiến tranh của miền Nam sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng, có thể không thể sửa chữa được.
Vào ngày 19 tháng 3, Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện đã bắt đầu thảo luận về yêu cầu bổ sung. Thượng nghị sĩ Edward M. Kennedy (Dân chủ-MA) và James B. Pearson (Cộng hòa-KS) đã ra sức xóa hoàn toàn phần yêu cầu bổ sung dành cho Sài Gòn. Thượng nghị sĩ Alan Cranston (Dân chủ-CA) khuyến khích Ủy ban “loại bỏ dần, càng nhanh càng tốt, các khoản tiền quân sự trong tương lai cho chính quyền Thiệu.” Vào ngày 6 tháng 5, Thượng viện đã bác bỏ việc xóa bỏ mức trần đối với viện trợ quân sự cho Sài Gòn. Tuy nhiên, Thượng viện đã chấp thuận việc chi thêm 266 triệu đô la đã được phát hiện do điều chỉnh sổ sách kế toán. Thượng nghị sĩ Kennedy đã ngay lập tức đệ trình một sửa đổi để chặn việc chi các khoản tiền này. Sửa đổi Kennedy đã được thông qua với số phiếu 43 thuận và 38 chống. Khi ủy ban hội nghị Hạ viện-Thượng viện họp để giải quyết những bất đồng về dự luật, mức trần phân bổ được phép giữ nguyên và chính quyền bị cấm sử dụng số tiền bổ sung. Tổng thống mặc dù không đồng tình với kết quả của các cuộc thảo luận về ngân sách, đã ký dự luật vào ngày 8 tháng 6. Người miền Nam rất tức giận trước diễn biến này nhưng tình hình ngân sách sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều.
Tổng thống Nixon đã đệ trình yêu cầu viện trợ nước ngoài của mình cho năm tài chính (FY) 1975 (1 tháng 7 năm 1974–30 tháng 6 năm 1975) lên Quốc hội vào ngày 24 tháng 4 năm 1974. Tổng gói viện trợ lên tới 5,18 tỷ đô la, trong đó 1,45 tỷ đô la được dành viện trợ quân sự cho Sài Gòn. Ngoài ra, Lầu Năm Góc yêu cầu cấp 150 triệu đô la trong quỹ đã được phân bổ cho miền Nam.
Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã tranh luận về yêu cầu của chính quyền trong suốt tháng 6 và tháng 7. Trong nỗ lực biện minh cho ngân sách, chính quyền đã trình bày những phát hiện của một nghiên cứu chung giữa Hoa Kỳ và miền Nam khẳng định rằng ngay cả với toàn bộ 1,45 tỷ đô la được yêu cầu trong ngân sách quốc phòng, khả năng của Sài Gòn trong việc chống lại một cuộc tấn công quy mô của Cộng sản vẫn còn đáng ngờ. Ngoài ra, báo cáo khẳng định rằng bất kỳ khoản viện trợ nào thấp hơn chương trình năm 1974 là 1,126 tỷ đô la “sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả năng lực và tinh thần” của lực lượng vũ trang miền Nam, khi đó “sẽ không còn khả năng để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ dưới sự kiểm soát của mình ngay cả khi giao tranh vẫn tiếp tục ở mức độ tương tự” như năm trước. Trích dẫn báo cáo chung trong lời khai trước ủy ban, Henry Kissinger đã thúc giục Quốc hội phê duyệt dự luật viện trợ quân sự trị giá 1,5 tỷ đô la, nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ có nghĩa vụ đạo lý đối với miền Nam và cảnh báo rằng việc không thực hiện nghĩa vụ đó sẽ có “tác động ăn mòn đến lợi ích của chúng ta bên ngoài Đông Dương”.
Trong các cuộc thảo luận của ủy ban, Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger đã được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu lượng đạn dược cung cấp cho miền Nam bị cắt giảm mạnh do cắt giảm ngân sách; ông trả lời: “Khả năng tồn tại của chính phủ [miền Nam] sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Như bạn nhớ lại, vào thời điểm cắt giảm hỗ trợ trên không chiến thuật vào mùa hè năm ngoái, đã có một số câu hỏi liệu chính phủ có thể tồn tại hay không. Chính phủ đã tự vực dậy, nhưng chính phủ phụ thuộc vào lực lượng của chính mình và đạn dược được cung cấp cho các lực lượng này. Nếu không có những loại đạn dược như vậy, thật khó để thấy chính phủ có thể tồn tại được.”
Trong khi Ủy ban Đối ngoại tranh luận về tính khả thi của việc viện trợ thêm cho Sài Gòn, Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện cũng đang phân tích yêu cầu viện trợ. Sau nhiều cuộc tranh luận, Ủy ban này khuyến nghị rằng số tiền yêu cầu là 1,45 tỷ đô la nên được giảm xuống còn 922,6 triệu đô la, cộng với 77,4 triệu đô la tiền chưa sử dụng. Khi dự luật được đưa ra Hạ viện vào ngày 6 tháng 8, John J. Flynt (Dân chủ-GA) đã đề xuất một sửa đổi để giảm khoản trợ cấp xuống còn 622,6 triệu đô la, nói rằng Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục gửi hàng tỷ đô la cho Tổng thống Thiệu để ông ta có thể “tránh né thực tế chính trị của quốc gia của mình”. Dự luật phân bổ ngân sách có chứa Tu chính án Flynt đã được Hạ viện thông qua với số phiếu 350-43.
Yêu cầu ngân sách của chính quyền cũng nhận được sự đối xử tương tự tại Thượng viện, nơi nhiều Thượng nghị sĩ dường như cũng cảm nhận giống như Thượng nghị sĩ Hubert Humphrey (Dân chủ -MN) khi cho rằng “nhiều tiền hơn [cho người miền Nam] có thể mua được thời gian, nhưng sẽ không thể mua được hòa bình”. Mặc dù một số nhà lập pháp đã lên tiếng ủng hộ yêu cầu của chính quyền, Thượng nghị sĩ Kennedy, một trong những nhân vật chỉ trích mạnh mẽ nhất chính quyền Sài Gòn, đã lên tiếng đồng thuận khi ông nói rằng đã đến lúc chấm dứt “sự ủng hộ vô tận của Hoa Kỳ cho một cuộc chiến tranh vô tận”. Cảm tình chống lại việc tăng cường ủng hộ cho miền Nam đã lan rộng mạnh mẽ tại Thượng viện đến nỗi một dự luật do William Proxmire (Dân chủ-WI) đưa ra nhằm cắt giảm thêm khoản phân bổ cho Sài Gòn chỉ bị bác bỏ một cách sít sao với số phiếu 47-44.
Bất chấp những cảnh báo nghiêm trọng từ Lầu Năm Góc và Nhà Trắng, Quốc hội cuối cùng đã bác bỏ mọi yêu cầu viện trợ bổ sung và cắt giảm khoản phân bổ cuối cùng cho năm 1975 xuống còn 700 triệu đô la, giảm mạnh so với số tiền do chính quyền yêu cầu. Số tiền phân bổ cuối cùng bao gồm chi phí hoạt động cho USDAO, chi phí vận chuyển và một số thiết bị chưa giao trong năm tài chính 1973–74, để lại ít hơn 500 triệu đô la để tài trợ cho các yêu cầu hoạt động của miền Nam.
Theo Tướng Viên, quân đội và nhân dân miền Nam đã bị sốc trước khoản phân bổ bị cắt giảm, diễn ra vào thời điểm mà hành động gây hấn của Bắc Việt đã tăng 70 phần trăm kể từ năm trước, một thực tế chỉ làm tăng thêm động lực cho tình trạng khốn khó ngày càng gia tăng. Một Thiệu sửng sốt than thở với Nguyễn Tiến Hưng, cố vấn đặc biệt của ông:
Thật không thể tin được. Đầu tiên, ở Midway người Mỹ bảo tôi đồng ý rút một vài nghìn quân Mỹ và tôi vẫn còn nửa triệu lính Mỹ ở lại để chiến đấu với tôi. Sau đó, khi rút thêm quân, họ nói, “Đừng lo, chúng tôi đang tăng cường cho các anh để bù đắp cho các sư đoàn Mỹ đang được rút đi.” Khi tốc độ rút quân tăng tốc vào năm 1972, họ nói với tôi, “Đừng lo, các anh vẫn còn lực lượng còn lại và chúng tôi sẽ bù đắp cho việc rút quân bằng cách tăng cường hỗ trợ trên không cho lực lượng bộ binh của các anh.” Rồi, sau khi rút quân hoàn toàn và không còn hỗ trợ trên không nữa, họ nói với tôi, “Chúng tôi sẽ tăng đáng kể viện trợ quân sự để bù đắp cho tất cả những điều đó. Đừng quên Hạm đội 7 và các căn cứ không quân ở Thái Lan sẵn sàng bảo vệ bạn trong trường hợp có bất trắc xảy ra.” Bây giờ anh đang nói với tôi Viện trợ Hoa Kỳ bị cắt giảm đến sáu mươi phần trăm. Thế thì chúng ta sẽ ra sao?
Thiệu không phải là người duy nhất lo lắng và thất vọng về việc Quốc hội Mỹ từ chối tài trợ cho cuộc chiến ở mức yêu cầu. Trong tám tháng tiếp theo, chính quyền Mỹ sẽ gửi cho Quốc hội một loạt các đề xuất yêu cầu thêm tiền, nhưng không có đề xuất nào được thông qua. Cứ mỗi lần có một nỗ lực mới từ chính quyền Mỹ, người miền Nam lại hy vọng, rồi sau đó nản lòng khi mọi nỗ lực lần lượt đều bị từ chối. Tướng Viên sau đó đã viết, “Lần đầu tiên trong cuộc chiến, lực lượng vũ trang của chúng ta rõ ràng là bên yếu thế. Bây giờ chúng ta chỉ còn biết hy vọng đây chỉ là một hành động trì hoãn trước khi viện trợ quân sự Mỹ lại được khôi phục như mức trước đây.” Nguồn tài trợ không bao giờ được khôi phục, và việc cắt giảm viện trợ của Hoa Kỳ, theo tướng Võ Nguyên Giáp của Bắc Việt, đại diện cho “một bước ngoặt cơ bản trong cán cân lực lượng.”
Tướng Murray đã cố gắng thuyết phục bất kỳ ai chịu lắng nghe rằng QLVNCH đang lâm vào cảnh tuyệt vọng. Ông đã đích thân làm chứng trước Quốc hội rằng, “Máu của người Việt Nam đang được sử dụng để thay thế cho đạn dược của Mỹ.” Trở về Hoa Kỳ vào tháng 8 để nghỉ hưu, ông đã viết trong báo cáo cuối cùng của mình với tư cách là người đứng đầu USDAO rằng nếu không có sự hỗ trợ đầy đủ, “miền Nam sẽ thua trận, có lẽ không phải ngay lập tức nhưng sẽ sớm thôi.” Bất chấp lời cầu xin của Murray, Quốc hội vẫn kiên quyết từ chối cung cấp thêm bất kỳ khoản tiền nào cho chế độ Thiệu. Thật không may, Thiệu và các tướng lĩnh của ông không thể tự mình tin rằng người Mỹ sẽ để mặc Sài Gòn sụp đổ sau khi đã tiêu tốn rất nhiều sinh mạng và tiền của để hỗ trợ miền Nam. Trớ trêu thay, theo nhà báo Arnold Isaacs, việc Sài Gòn không điều chỉnh với thực tế tài trợ mới một phần bắt nguồn từ các cuộc thảo luận về ngân sách và đặc biệt là nghiên cứu kết hợp giữa Hoa Kỳ và miền Nam đã đóng một vai trò nổi bật trong giải trình của chính quyền trước Quốc hội. Isaacs nhận xét rằng đối với người Việt Nam, nghiên cứu kết hợp đã trở thành một phần học thuyết của họ, một tiền đề cơ bản trong chiến lược của họ khiến cho họ không sao tưởng tượng được sẽ có việc viện trợ bị từ chối. Những lời cố vấn khác nhau của người Mỹ có thể đã thuyết phục họ xem xét những gì họ có thể làm với ngân sách viện trợ eo hẹp: chẳng hạn phần lãnh thổ nào nên bỏ cho địch, đơn vị nào có thể được rút về từ các vị trí dễ bị tấn công hoặc dễ bị tổn thương. Suy cho cùng, đây là một trong những hàm ý của nghiên cứuc kết hợp. Vào giữa năm 1974, vẫn còn không gian và thời gian để cố gắng thích nghi với thực tế mới. Nhưng người Mỹ không đưa ra lời cố vấn nào như vậy và người Việt Nam đã ngần ngại trước những quyết định như vậy. Thay vào đó, họ chần chờ một cách vô mục đích trong khi tự nhủ với bản thân và mọi người khác những gì họ không thể làm được với 700 triệu đô la.
Muốn tuyệt vọng tin rằng Hoa Kỳ sẽ cứu họ vào phút cuối cùng bằng một khoản tiền khẩn cấp, Thiệu và chế độ của ông đã từ chối đưa ra những quyết định khó khăn có thể thay đổi cục diện cuối cùng vào năm 1975. Isaacs đã viết, “Trong tình trạng tê liệt về mặt chiến lược này, đã bị ám ảnh về thảm họa và không có lời khuyên sáng suốt hoặc hữu ích nào từ Washington, Sài Gòn chờ đợi những đòn tấn công tiếp theo của Cộng sản.”
NIXON TỪ CHỨC
Đòn tấn công tiếp theo vào miền Nam không phải từ Cộng sản, mà từ đồng minh trung thành nhất của họ. Vào ngày 9 tháng 8 năm 1974, hai ngày sau khi Hạ viện thông qua dự luật viện trợ quân sự, Richard Nixon đã từ chức tổng thống. Thiệu và đồng bào của ông luôn tin tưởng vào lời hứa của Nixon sẽ can thiệp nếu Bắc Việt vi phạm lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Bây giờ, giữa cuộc tấn công lớn nhất của Cộng sản kể từ khi có lệnh ngừng bắn, Nixon đã rời bỏ nhiệm sở. Thiệu đã sững sờ và, theo Nguyễn Tiến Hưng, trong “tình trạng căng thẳng cao độ” và “nhốt mình trong văn phòng”. Tình hình được mô tả rõ nhất bởi Tướng Viên, sau chiến tranh, ông viết: “Là kiến trúc sư chính của Việt Nam hóa và Hiệp định Paris, theo quan điểm của chúng tôi, ông [Tổng thống Nixon] là quan chức Mỹ duy nhất có nghĩa vụ đạo đức phải thực thi lệnh ngừng bắn. Ông cũng là người đàn ông đáng tin cậy duy nhất có đủ can đảm để hành động táo bạo và mạnh mẽ khi cần thiết”. Người đàn ông đã nhiều lần hứa với Thiệu rằng ông sẽ ủng hộ miền Nam giờ không còn là tổng thống nữa. Thiệu đã vui mừng trong một khoảnh khắc vào ngày 10 tháng 8 khi ông nhận được một lá thư từ tổng thống mới, Gerald Ford, cũng lại hứa rằng “những cam kết hiện tại mà quốc gia này đã đưa ra trong quá khứ vẫn còn hiệu lực và sẽ được tôn trọng hoàn toàn trong chính quyền của tôi”. Theo một trong những cố vấn thân cận nhất của tổng thống miền Nam, Thiệu đã nghĩ đến việc nghe theo lời khuyên của Tướng Murray, từng thúc giục ông suy nghĩ về việc rút ngắn các tuyến phòng thủ, tập trung quân đội và đạn dược còn lại, và tập trung vào việc phòng thủ các vùng đất đông dân hơn dọc các khu vực ven biển. Trớ trêu thay, lá thư của Ford đã thuyết phục Thiệu rằng sự giúp đỡ của Mỹ đang trên đường đến, và ông đã gác lại mọi kế hoạch thay đổi chiến lược.
Trong những tháng tiếp theo, Ford sẽ tiếp tục trấn an Thiệu, nhưng chẳng mấy chốc rõ ràng là tổng thống mới sẽ không thể thay đổi được quyết định của Quốc hội. Trong cuộc bầu cử mùa thu năm 1974, do hậu quả của vụ bê bối Watergate, Đảng Dân chủ đã giành thêm 43 ghế tại Hạ viện, khiến nắm được 291 ghế so với 144 ghế của Đảng Cộng hòa. Tại Thượng viện, Đảng Dân chủ giành được thêm ba ghế, tổng cộng 61 ghế cho Đảng Dân chủ và 39 ghế cho đảng Cộng hòa. Dân chủ chiếm đa số áp đảo trong cả hai viện sẽ trói tay Tổng thống Ford vào năm 1975 khi Bắc Việt phát động cuộc tấn công cuối cùng của họ.
Tóm lại việc Nixon từ chức và cắt giảm viện trợ là hai cú đấm liên tiếp mà miền Nam không bao giờ gượng lại được. Stuart Herrington đã viết: “Chỉ riêng hai thất bại này đã làm xói mòn tinh thần chiến đấu của người Việt Nam, nhưng chúng lại đi kèm với việc địch tăng cường giao chiến, tham nhũng leo thang và tình trạng trì trệ kinh tế ngày càng tồi tệ. Kết quả là một cuộc khủng hoảng tinh thần chưa từng có”.
Việc cắt giảm viện trợ và sự ra đi đột ngột của Nixon đã làm suy yếu thêm chính quyền Thiệu và dẫn đến thách thức chính trị nghiêm trọng nhất trong sự nghiệp của ông. Thiệu đã có thể kiềm chế phe bất đồng chính kiến chống lại chính quyền của mình chủ yếu dựa trên mối quan hệ của ông với Nixon và khả năng duy trì sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Khi những điều đó bốc hơi, tình hình chính trị ở Sài Gòn đã tan vỡ. Vào ngày 8 tháng 9, một nhóm giáo dân và lãnh đạo tôn giáo Công giáo do Cha Trần Hữu Thanh, một linh mục chống Cộng kiên quyết, đã ban hành “Bản cáo trạng số 1”, trong đó buộc tội Thiệu che giấu nạn tham nhũng tràn lan đã thấm nhuần vào mọi mặt của đời sống miền Nam. Hơn nữa, bản cáo trạng còn buộc tội Thiệu và các thành viên gia đình ông ta đầu cơ bất hợp pháp, biển thủ công quỹ và buôn bán heroin. Bản cáo trạng kết luận rằng “chế độ gia đình độc tài thối nát hiện tại… là một thảm họa quốc gia và là nỗi nhục quốc gia, một sự phản bội đối với tất cả những người đã hy sinh bản thân cho cuộc đấu tranh gian khổ, kéo dài của nhân dân và quân đội trong hơn một phần tư thế kỷ.”
Cuộc tấn công trực tiếp vào Thiệu và tuyên bố của ông ta về quyền lãnh đạo đất nước đã gây ra một phản ứng dây chuyền các cuộc biểu tình khác. Ba tờ nhật báo của Sài Gòn đã công bố bản cáo trạng, nhưng các ấn bản của họ đã bị quân đội chính phủ và cảnh sát quốc gia tịch thu, điều này chỉ làm bùng lên ngọn lửa phản đối. Một nhóm các nhà lãnh đạo Phật giáo và các nhà lãnh đạo chính trị đã thành lập “Lực lượng Hòa giải Quốc gia” và yêu cầu Thiệu thực hiện Hiệp định Paris. Ngay sau đó, liên tiếp một thời gian ngắn, một “Phong trào chống nạn đói”, một “Phong trào Phụ nữ vì Quyền Sống” và một chiến dịch đòi trả tự do cho các tù nhân chính trị đã xuất hiện và góp phần vào các cuộc biểu tình chống lại Thiệu và chế độ của ông ta.
Sự thất vọng của người dân miền Nam cuối cùng đã bùng nổ, tạo ra điều mà một trong những cố vấn của Thiệu mô tả là “một cuộc thập tự chinh chống chính phủ rộng lớn”.
Được Đại sứ Martin thúc giục xoa dịu tình hình, lúc đầu Thiệu đã cố gắng lý luận với những người bất đồng chính kiến. Ông thậm chí còn đi xa đến mức sa thải bốn thành viên nội các và sa thải hoặc giáng chức 400 sĩ quan cấp tá trong quân đội. Tuy nhiên, những người biểu tình coi hành động của ông là quá ít và quá muộn. Cha Thanh, thề rằng các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục, giải thích: “Những thay đổi về nhân sự không quan trọng. Chúng tôi muốn thay đổi lập trường và chính sách.” Thiệu, đã đưa ra những nhượng bộ đáng kể nhất trong nhiệm kỳ tổng thống kéo dài bảy năm của mình, đã cách chức ba trong số bốn chỉ huy quân khu. Ngay cả điều này cũng không làm hài lòng những người bất đồng chính kiến. Một đại biểu Quốc hội tuyên bố, “Việc sa thải một số nhà kỹ trị sẽ không thay đổi được mọi thứ. Người đứng đầu phải bị thay đổi.”
Hàng nghìn người biểu tình một lần nữa lại xuống đường ở Sài Gòn. Thiệu, hiện lực lượng đang bị gây sức ép mạnh trên chiến trường, nên sẵn sàng cho phép thành phần bất đồng chính kiến một chút tự do. Tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với miền miền Nam đang bị bao vây khi vào ngày 8 tháng 10 Chính quyền Cách mạng Lâm thời tuyên bố sẽ không đàm phán với chế độ của ông ta nữa. “Chừng nào Nguyễn Văn Thiệu và đồng bọn còn nắm quyền ở Sài Gòn,” tuyên bố của CQCMLT cho biết, “việc phá hoại hiệp định Paris sẽ còn tiếp diễn, và vẫn không thể đạt được hòa bình và hòa hợp dân tộc”. Do đó, Thiệu phải bị lật đổ và thay thế bằng “một chính quyền mong muốn hòa bình và hòa hợp dân tộc và sẵn sàng thực hiện hiệp định Paris về Việt Nam một cách nghiêm túc.”
Thiệu, thề rằng mình sẽ không cho phép đám người biểu tình giao đất nước cho Cộng sản, đã phản công. Khi ông chỉ huy cảnh sát quốc gia và quân đội chính phủ kiểm soát các cuộc biểu tình để bảo vệ trật tự công cộng, các cuộc đụng độ đẫm máu đã nổ ra trên đường phố. Mười một nhà lãnh đạo đối lập đã bị đánh đập và bắt giữ. Hai mươi tám phóng viên cũng bị bắt trong một cuộc đột kích vào Câu lạc bộ Báo chí Việt Nam. Trong bài phát biểu Ngày Quốc khánh 1 tháng 11, Thiệu tuyên bố rằng từ nay những người bất đồng chính kiến sẽ không được phép “tuyên truyền tin tức vô căn cứ, tạo ra sự chia rẽ tôn giáo… nói xấu chính phủ, vu khống các viên chức nhà nước, phá hoại nền kinh tế”.
Sau lời cảnh báo của ông và sự phô trương sức mạnh ngày càng tăng, các cuộc biểu tình đã lắng xuống. Tuy nhiên, thiệt hại đã xảy ra. Một cuộc khảo sát ý kiến công chúng do Chính quyền Sài Gòn tiến hành vào cuối năm 1974 cho thấy rằng lòng tin vào hiệu quả hoạt động của chính quyền và khả năng bảo vệ đất nước khỏi những người Cộng sản đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1968. Thiệu đã mất hết uy tín còn lại với chính người dân của mình.
BẮC VIỆT ĐÁNH GIÁ LẠI CHIẾN LƯỢC
Với sự sụp đổ của Nixon, hoàn cảnh thuận lợi đã hội tụ cho giới lãnh đạo Bắc Việt. Kẻ thù chính của họ ở Washington đã bị buộc từ chức, và lực lượng miền Nam hiện đã bị kéo căng đến điểm giới hạn. Các “cuộc đột kích chiến lược” vào đầu năm 1974 và cuộc tấn công mùa hè sau đó đã vượt xa mong đợi của miền Bắc. Ngoài ra, QLVNCH đã bộc lộ những dấu hiệu rõ ràng là họ đang bắt đầu tan rã như một lực lượng chiến đấu có sức thuyết phục; các điệp viên tình báo Bắc Việt đã ước tính chính xác rằng tình trạng thiếu hụt đạn dược đã làm giảm 60% hỏa lực của miền Nam và tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và phụ tùng thay thế đã làm giảm 50% khả năng cơ động của QĐVNCH. Với những ước tính này, Bắc Việt, theo Tướng Văn Tiến Dũng, “đặc biệt chú ý” đến trận chiến tại thị trấn Thượng Đức ở tỉnh Quảng Nam như một thước đo thực sự về tình trạng của quân địch. Thượng Đức là tiền đồn cực tây của QLVNCH trên vành đai phòng thủ bên ngoài bảo vệ thành phố quan trọng Đà Nẵng, chỉ cách đó 40 km. Bắc Việt đã tấn công vào ngày 29 tháng 7 năm 1974 và đến ngày 7 tháng 8, họ đã chiếm được thủ phủ của quận, giết chết và bắt giữ 1.600 quân đồn trú của miền Nam trong quá trình này. Sau này, Dũng đã viết về trận chiến: “Đây là một cuộc thử nghiệm sức mạnh với những gì được cho là quân đội được huấn luyện tốt nhất của kẻ thù. Khi chúng tôi đánh bật Thượng Đức, địch đã điều cả một sư đoàn lính dù trong nhiều ngày phản công liên tục để chiếm lại. Nhưng chúng tôi đã gây thương vong nặng nề cho chúng, giữ Thượng Đức và buộc địch phải đầu hàng.”
Sau khi quan sát diễn biến tại Thượng Đức và các mục tiêu dễ dàng giành được ở Tây Nguyên, Dũng và Bộ Tổng tham mưu đã báo cáo với Ban Quân ủy Trung ương rằng “khả năng chiến đấu của lực lượng chủ lực cơ động của chúng ta bây giờ hoàn toàn vượt trội so với lực lượng chính quy cơ động của địch. . . rằng cuộc chiến đã đi đến giai đoạn cuối. Cán cân lực lượng đã thay đổi. Chúng ta đã trở nên mạnh hơn, trong khi địch đang suy yếu.” Đánh giá của họ, cùng với việc Nixon từ chức, việc cắt giảm tài trợ và cuộc khủng hoảng chính trị gia tăng ở Sài Gòn, đã thuyết phục nhiều người trong giới lãnh đạo quân sự và dân sự Bắc Việt rằng cần thay đổi mộ chiến lược phù hợp. Vào tháng 10 năm 1974, Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị họp hội nghị tại Hà Nội để xem xét đánh giá và khuyến nghị của Bộ Tổng tham mưu. Theo Dũng, các thành viên hội nghị đã nhất trí về những điều sau:
Ngụy quân ngày càng suy yếu về quân sự, chính trị và kinh tế và lực lượng của chúng ta mạnh hơn nhiều so với kẻ thù ở miền Nam.
Hoa Kỳ đang phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng cả trong nước và trên thế giới, và khả năng hỗ trợ cho quân ngụy đang giảm dần.
Chúng ta đã tạo ra một chuỗi hỗ trợ lẫn nhau, đã tăng cường lực lượng dự bị và vật chất và đang không ngừng cải thiện hệ thống chiến lược và chính trị của chúng ta.
Phong trào đòi hòa bình, cải thiện đời sống nhân dân, dân chủ, độc lập dân tộc và lật đổ Thiệu ở nhiều thành phố đang phát triển mạnh mẽ.
Mặc dù những thành viên tham dự hội nghị đồng ý rằng khả năng Hoa Kỳ hỗ trợ chế độ Thiệu đang giảm dần, nhưng họ không tin rằng người Mỹ sẽ không phản ứng theo một cách nào đó. Do đó, câu hỏi chính, theo Dũng, là, “Liệu người Mỹ có khả năng đưa quân trở lại miền Nam khi các cuộc tấn công lớn của chúng ta dẫn đến nguy cơ sụp đổ của quân đội Sài Gòn hay không?” Ý kiến về vấn đề này không đồng thuận, nhưng Lê Duẩn lập luận: “Bây giờ Hoa Kỳ đã rút khỏi miền Nam, họ sẽ khó có thể quay trở lại. Và bất kể họ có thể can thiệp như thế nào, họ cũng không thể cứu được chính quyền Sài Gòn khỏi sự sụp đổ thảm khốc của nó.” Lập luận của ông đã thuyết phục được các đồng chí của ông, và đến cuối tháng 10, Bộ Chính trị đã quyết định về chiến lược cho năm 1975 và 1976. Quyết định của Bộ Chính trị, được gọi là “Nghị quyết năm 1975,” nêu rõ rằng chiến tranh đã đi đến “giai đoạn cuối cùng”. Bắc Việt sẽ tiến hành một cuộc tấn công gồm hai giai đoạn: năm 1975, họ sẽ củng cố các thành quả đã đạt được, bảo vệ chặt chẽ hơn “hành lang hậu cần” và tiếp tục tăng cường lực lượng ở miền Nam; năm 1976, họ sẽ bắt đầu cuộc tổng tấn công cuối cùng.
Quyết định trì hoãn cuộc tổng tấn công của họ có vẻ kỳ lạ khi xét đến quy mô tăng cường của Cộng sản vào năm 1973 và đầu năm 1974, nhưng trong các cuộc thảo luận của Bộ Chính trị, Lê Đức Thọ, người lúc này là nhân vật có quyền lực thứ hai ở miền Bắc Việt chỉ sau Lê Duẩn, đã nói: “Kho dự trữ vật chất của chúng ta vẫn còn rất thiếu thốn, đặc biệt là về vũ khí và đạn dược. . . . Do đó, chúng ta phải hạn chế giao tranh vào năm 1975 để dành sức cho năm 1976, khi đó chúng ta sẽ tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn. . . .” Chiến lược này chắc chắn là bảo thủ, nhưng Hà Nội có lý do để chơi nước cờ an toàn; trước đây họ đã thử hai lần phát động các cuộc tổng tấn công (năm 1968 và 1972), và cả hai lần đều chứng tỏ là quá sớm và cực kỳ tốn kém về thương vong. Ngoài ra, Bộ Tổng tham mưu Bắc Việt đã đánh giá quá cao năng lực của QLVNCH, vốn đã chiến đấu khá tốt trong suốt mùa hè và kéo dài đến mùa thu. Mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy lực lượng miền Nam đang gặp khó khăn, nhưng giới lãnh đạo Bắc Việt (vẫn không biết tinh thần của miền Nam đã suy giảm nghiêm trọng như thế nào trong năm trước) vẫn còn tin rằng QLVNCH, ít nhất là về mặt kỹ thuật, vẫn nắm giữ ưu thế về sức mạnh tổng thể. Do đó, họ không đủ tự tin để phát động chiến dịch “cuối cùng” mà không có sự chuẩn bị thêm.
Các chỉ huy chiến trường chính và các nhà lãnh đạo chính trị đã được triệu tập đến Hà Nội vào tháng 11 để thảo luận về cách thức triển khai chiến lược mới. Những cuộc tranh cãi nảy lửa đã nổ ra về việc tấn công ở đâu và như thế nào. Quân miền Nam được cho là quá mạnh ở khu vực Quân đoàn I, phía nam DMZ, và cũng được cho là không thua sút đối với Quân đoàn III (khu vực bao quanh Sài Gòn). Khu vực Quân đoàn IV ở Đồng bằng sông Cửu Long quá xa so với các tuyến tiếp tế của Cộng sản. Do đó, một số thành viên của ủy ban đã lập luận cho một cuộc tấn công ở Tây Nguyên (Quân đoàn II). Tuy nhiên, Trung Tướng Trần Văn Trà, chỉ huy Mặt trận B-2, đã đề xuất rằng lực lượng của ông sẽ tiến hành một cuộc tấn công thực tế sẽ là một cuộc tấn công “thử nghiệm” ở Tỉnh Phước Long, trên biên giới của Quân đoàn II và Quân đoàn III, để xem Quân đoàn VNCH sẽ chiến đấu tốt như thế nào và liệu Hoa Kỳ có phản ứng hay không. Ông lập luận rằng vì mục tiêu nằm rất gần Hành lang Trường Sơn, nên cuộc tấn công có thể được hỗ trợ dễ dàng. Ông đã trình bày các kế hoạch chi tiết mà ông đã mang theo. Sau nhiều cuộc thảo luận và sửa đổi kế hoạch, ủy ban đã chấp thuận cuộc tấn công vào Phước Long, sẽ bắt đầu vào giữa tháng 12. Một số người trong Bộ Chính trị không đồng tình với kế hoạch của Trà vì họ cảm thấy nó có khả năng làm cạn kiệt quân số, đạn dược và thiết bị có thể được sử dụng tốt hơn trong cuộc tổng tấn công năm 1976. Tuy nhiên, Lê Duẩn đã bị thuyết phục bởi lập luận của Trà và chấp thuận cuộc tấn công. Tuy nhiên, ông đã cảnh báo Trà rằng thất bại sẽ không được chấp nhận, nói với ông ta, “Tiến lên và tấn công. . . . Nhưng ông phải chắc chắn về thắng lợi.”
Theo quan điểm của Bắc Việt, quyết định tấn công Phước Long là đúng đắn. Một cuộc tấn công thành công sẽ bảo vệ được đoạn đường còn lại cuối cùng của Hành lang Trường Sơn và tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận các vị trí sẽ thống trị các lối tiếp cận Sài Gòn. Cuộc tấn công cũng sẽ trói buộc lực lượng miền Nam, không để lại bất kỳ lực lượng dự bị nào có thể tấn công vào nỗ lực tiếp tế và yểm trợ của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong khi đó, quá trình chuẩn bị cho một cuộc tổng tấn công năm 1976 có thể tiếp tục không bị gián đoạn. Ngoài ra, một cuộc tấn công mạnh mẽ gần Sài Gòn chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả về mặt tâm lý cho người dân thủ đô. Nếu lực lượng BV chiếm được Phước Bình (thủ phủ của tỉnh), lực lượng của Thiệu không thể duy trì chính sách giữ vững mọi miền lãnh thổ của mình nữa, điều này sẽ làm xói mòn thêm sự ủng hộ của người dân vốn đã suy yếu. Cuộc tấn công vào Phước Long mang lại tiềm năng đạt được lợi ích lớn với rủi ro tương đối thấp.
Vào ngày 13 tháng 12 năm 1974, Bắc Việt đã phát động cuộc tấn công của họ. Cuộc tấn công sẽ kéo dài đến năm mới, và mặc dù tình hình lúc đó chưa rõ ràng, trận chiến Phước Long đã đánh dấu sự khởi đầu cho sự cáo chung của Việt Nam Cộng hòa.
Last updated
Was this helpful?