NGHĨA TRANG BỆNH VIỆN TÂM THẦN BIÊN HÒA | Tác giả : bác sĩ Lợi
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
NGHĨA TRANG BỆNH VIỆN TÂM THẦN BIÊN HÒA
Biên Hòa có một nghĩa trang đặc biệt mà ít người biết đến: nghĩa trang Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa. Gọi là đặc biệt vì ở đây chỉ chôn toàn người bệnh tâm thần và một số nhân viên làm việc trong bệnh viện. Do nằm khuất sau khuôn viên của bệnh viện nên ít người biết đến, ngoại trừ những người thân của bệnh nhân đã được chôn cất ở đó.
Điều gì đã thôi thúc tôi viết về một chủ đề nghe có vẻ kỳ kỳ. Hay là mình cũng bắt đầu man man, khùng khùng do làm việc quá lâu trong bệnh viện? Giữa thời buổi kinh tế thị trường, trong khi người ta cứ mải mê chạy theo đồng tiền, tìm đủ mọi cách để thu được lợi nhuận thật cao và sẵn sàng chà đạp lên mọi giá trị tinh thần khác; thì tôi cứ đắm chìm suy tư với những gì trong quá khứ. Sau lần đi chụp hình ở nghĩa trang về đầu óc tôi luôn ám ảnh về thân phận của những con người đã nằm xuống…
Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (mà người dân vẫn thường gọi là Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa) được chính quyền thuộc địa Pháp cho khởi công xây dựng ngày 17.3.1915 trên một khuôn viên rộng hơn 22 hecta nằm ở trung tâm thành phố Biên Hòa ngày nay. Nghe những người lớn tuổi kể lại, trước đây toàn là cao su và rừng cây xanh tốt. Bệnh viện còn có cả một con suối nước luôn xanh mát chảy qua mà những ngày cuối tuần các gia đình giàu có ở Sài Gòn vẫn thường về đây nghỉ mát. Trải qua gần một trăm năm, bệnh viện đã nhiều lần đổi tên và có chức năng nhiệm vụ khác nhau. Lúc mới thành lập bệnh viện có tên là Asile d’Aliénés de Bien Hoa (Trú xá người điên Biên Hòa, mà bà con vẫn thường gọi là Nhà thương điên Biên Hòa). Lúc đầu, ở đây giống như một trại tập trung người bệnh tâm thần của nhiều nơi để quản lý nhằm tránh việc họ gây rối cho xã hội. Mãi về sau, cơ sở này mới được chuyển dần sang hình thức tổ chức như một bệnh viện nhằm điều trị bệnh nhân tâm thần với nhiều tên gọi khác nhau qua các thời kỳ.
Do những khó khăn về chuyên môn kỹ thuật điều trị thời đó, bệnh viện thực chất là nơi giam giữ người bệnh tâm thần. Tất cả những người này đều có ngày vào viện nhưng chẳng bao giờ biết được ngày về. Lúc đầu họ cũng được người nhà lui tới viếng thăm nhưng dần dần bị bỏ quên trong bệnh viện. Tình cảnh đó giống như gần 300 bệnh nhân vô gia cư, vô thừa nhận mà bệnh viện tôi đang cưu mang nuôi dưỡng cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Trong số này có rất nhiều bệnh nhân đã từng nằm viện hơn 30 – 40 năm và với chồng hồ sơ cao chất ngất…
Gần 100 năm qua, chẳng ai biết được có bao nhiêu bệnh nhân tâm thần đã đến và đi về đâu. Chúng tôi chỉ biết rằng cái nghĩa địa nằm khuất sau bệnh viện ngày càng lớn dần ra và đến hôm nay đã không còn sức chứa nữa. Nghĩa trang bệnh viện có lẽ được hình thành cùng thời kỳ bệnh viện được xây dựng. Đến giai đoạn sau năm 1945, Giám đốc Dưỡng trí viện Biên Hòa lúc đó là bác sĩ Nguyễn Văn Hoài đã cho quy hoạch lại thành một trong 7 phần của bệnh viện là “ruộng rẫy, nhà xác và nghĩa địa”. Như vậy, có thể hiểu khu trồng trọt nằm sau lưng bệnh viện cũng là một phần ruộng rẫy của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 thời đó. Khu nghĩa trang trải dài, rộng gần bằng một phần năm diện tích bệnh viện. Trước đây, có lẽ nó còn rộng hơn thế nữa nhưng gần đây đã bị người dân chung quanh lấn chiếm một phần. Bởi vậy, thời kỳ Phó giáo sư Lý Anh Tuấn làm giám đốc bệnh viện, ông đã phải cho xây một bức tường rào dài hàng trăm mét mới ngăn nổi tình trạng lấn chiếm này.
Chẳng thể nào biết được có bao nhiêu người đã an nghỉ tại đây. Chúng tôi chỉ biết nhiều và rất nhiều. Số liệu bệnh nhân tử vong 10 năm trong bệnh viện từ 1975 đến 1994 đưa ra được con số cụ thể là 1652. Nhưng với gần 100 năm qua thì số bệnh nhân tâm thần được chôn cất tại đây chắc còn nhiều và rất nhiều nữa. Bệnh viện đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, thậm chí bị bỏ quên, mất liên lạc, không tiếp tế một thời gian; nhất là những giai đoạn chuyển tiếp giữa các chế độ chính trị. Xót thương người bệnh và cả nhân viên không có cơm ăn áo mặc, bác sĩ Nguyễn Quốc Hà (Giám đốc bệnh viện giai đoạn 1975 - 1987) đã phải lặn lội về tận Long An (quê ông) và các tỉnh miền tây để xin từng bao gạo để về cứu đói bệnh nhân. Chắc chắn trong những bối cảnh lịch sử như thế số lượng bệnh nhân chết và chôn tại nghĩa trang bệnh viện là rất nhiều.
Giống như thân phận của người bệnh tâm thần. Lúc sống họ bị xã hội xa lánh và gia đình ruồng bỏ như một thứ độc hại. Sống buồn tẻ trong bốn bức tường chật hẹp với cánh cửa sắt suốt ngày im ỉm khóa. May sao, họ còn có những người cùng cảnh ngộ và các thầy thuốc đầy tình thương và trách nhiệm biết chia sẻ yêu thương. Bệnh viện đã đùm bọc và nuôi dưỡng họ cả phần đời còn lại. Lúc chết, những nấm mồ của bệnh nhân tâm thần cũng nhỏ bé, lạnh lẻo và buồn tẻ như thế. Theo thời gian, những nấm mồ này bị mưa gió xói mòn, san phẳng, cỏ dại mọc um tùm như trả con người về cùng cát bụi. Ít người bước đến khu vực này vì lúc nào cũng cảm thấy âm u và ghê rợn trong người. Những nấm mồ không có hàng lối, nằm chồng lên nhau và không người hương khói… Mùa mưa cỏ dại mọc um tùm, không tìm được lối đi. Đến mùa khô cây cỏ úa vàng, nếu ai đó sơ ý đánh rơi tàn thuốc lá thì có thể gây ra một vụ hỏa hoạn cháy rừng mà đã có lần bệnh viện phải huy động hàng chục người mới dập tắt được.
Anh Nguyễn Hùng Hiệp, người quản lý nhà xác của bệnh viện suốt mấy chục năm qua kể lại rằng, mỗi lần chôn người chết lòng anh buồn lắm. Khác với tang lễ rình rang, bà con bạn bè đưa tiễn ở ngoài đời. Ở đây chỉ có một mình anh với xác chết. Sau 24 giờ ngồi canh xác, nếu không có thân nhân đến nhận thì một mình anh (hoặc nhờ thêm một người nào đó nữa) đưa xác bệnh nhân vào hòm, lặng lẽ đào huyệt rồi lặng lẽ khiêng ra nghĩa địa. Không một người đưa tiễn, không một nén nhang cho ấm lòng người chết…Nghĩ thật buồn cho thân phận một người điên! Nhưng rồi tôi nghĩ lại, thôi vậy cũng tốt rồi. Người điên mà! Sống, họ đã bị gia đình và xã hội ruồng bỏ; chết có được nấm mồ cũng là nhờ ơn bệnh viện…
Có một vài lần tôi vào sâu trong nghĩa địa. Đó là những lần tôi đi tìm bệnh nhân của mình trốn viện. Bất ngờ là tôi được biết ở đó còn có những ngôi mộ của các đời giám đốc và nhân viên trong bệnh viện: bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, Tô Dương Hiệp, Nguyễn Hữu Khánh, điều dưỡng Lê Thị Xứng, Nguyễn Thục Kim…Đọc từng tấm bia mộ mà lòng tôi bồi hồi xúc động. Không ngờ rằng những thầy thuốc tâm thần trước đây suốt cả cuộc đời đã gắn bó với bệnh nhân tâm thần thì lúc chết họ cũng quây quần bên cạnh người bệnh thân yêu của mình. Không có ranh giới nào phân cách giữa thầy thuốc và bệnh nhân tâm thần. Hóa ra bệnh nhân tâm thần của mình sướng thật! Lúc chết rồi họ vẫn có những người thầy thuốc tâm thần đầy tình thương yêu luôn gần gũi để sẵn sàng giúp đỡ họ. Thật vô cùng xúc động và ý nghĩa biết bao.
Đã bao năm qua rồi, nghĩa trang Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa gần như hoang phế và bị lãng quên vì thiếu bàn tay người chăm sóc. Một phần diện tích đã bị lấn chiếm và mới đây bệnh viện quyết định cắt một phần của nghĩa trang để giao cho Phân viện Giám định Pháp y tâm thần phía Nam xây dựng cơ sở làm việc. Không thể trách những người đi trước sao nỡ thờ ơ, vì vào cái thời buổi kinh tế khó khăn lo cho người sống đã khó thì còn tâm trí và sức lực đâu để lo cho người chết.
Những năm gần đây bệnh viện đã được đầu tư xây dựng mới và trở thành một cơ sở khang trang đẹp đẽ của thành phố Biên Hòa với những ngôi nhà xinh xắn và nhiều mãng cây xanh im mát. Trong sự phát triển của bệnh viện cũng cần chú ý bảo tồn những giá trị vật chất và tinh thần để xứng tầm với một bệnh viện có bề dày lịch sử gần 100 năm. Trong tất cả những cái cần được lưu giữ, tôi nghĩ nghĩa trang bệnh viện cũng cần được xem xét và đánh giá một cách nghiêm túc. Ở đó có hàng nghìn, hàng vạn bệnh nhân tâm thần và cả những thầy thuốc, danh nhân đất nước đang yên nghỉ. Nếu được cải tạo và quản lý tốt, đây có thể là một điểm nhấn trong nhiều cái đẹp của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 chúng tôi. Chỉ có làm được như vậy, chúng ta mới bày tỏ được lòng biết ơn những bậc tiền bối đã mất và cả bệnh nhân tâm thần. Chính nhờ có họ mà bệnh viện tôi mới có cơ hội hình thành và phát triển trong gần 100 năm qua./.
Biên Hòa, 02.11.2012