Chợ Nổi Miền Tây
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Chợ Nổi Miền Tây và chợ nổi Thái Lan
Các bạn hãy phân biệt cho rõ chợ nổi Miền Tây và chợ nổi Thái Lan
Phim Đất Rừng Phương Nam (ĐRPN) dựng phim trường chợ nổi, nhưng lại là chợ nổi kiểu Thái Lan, không phải kiểu chợ nổi Miền Tây
Cái xứ Miền Tây chúng ta có vô số chợ nổi thành một nét riêng giữa sông nước minh mộng, bán buôn là bán buôn thiệt, tức là cái chợ bán sỉ họp trên sông mang tính bao la, rộng rãi, tả được cái tánh của người Miền Nam hào sảng, gắn bó với sông nước
Thái Lan làm chợ nổi kiểu du lịch, chèo qua chèo lại, nhà cửa sát kinh, nhưng nhìn ọp ẹp không thể nào bằng đồ thiệt kiểu VN
Cái chợ nổi của ĐRPN là kiểu chợ nổi Đâm Nơn Sà Đuộc (Damnoen Saduak) của Xiêm La khi treo biển hiệu rần rần hai bên
Chợ nổi Đâm Nơn Sà Đuộc tọa lạc trên kinh đào nhỏ ở huyện Damnoen Saduak, tỉnh Ratchaburi, cách đô thành Bangkok 105 cây số về phía Tây Nam. Chợ nổi Đâm Nơn Sà do vua Rama V Chulakongkorn ra lịnh xây dựng năm 1866
Không biết xưa có sung túc trên con kinh hẹp này không, nhưng nhìn nay thì cũng như một show du lịch, dân chèo ghe nhỏ xíu lòng vòng bán trái cây, hàng bông, hàng thủ công nghệ, hàng lưu niệm, quần áo may sẵn,đồ ăn kiểu Thái như som tam, pad thai, thịt gà nướng, nước suối, kem
Chợ nổi Thái Lan sao bằng chợ nổi Miền Tây của chúng ta
Chợ nổi Thái Lan khác chợ nổi Nam Kỳ rất nhiều, người Thái không xài cây sào (bẹo) treo hàng lên cao quảng cảo, họ xài bảng hiệu như trên chợ đất liền. Ghe chợ nổi Thái thì chút xíu, trong khi ghe Nam Kỳ thì chà bá lửa
Nói chung văn minh sông nước,văn minh hàng hóa của chợ nổi là thuộc về Nam Kỳ Lục Tỉnh của chúng ta. Người Miền Nam làm rất quy mô và không khí chợ nổi Miền Tây luôn sung túc, đông đảo, tất bật, phồn hoa và sôi động
Ghé chợ nổi Miền Tây chúng ta còn có thể nghe hát lý, đờn ca tài tử, nghe hò đối đáp, nghe cải lương, nghe tình tự quê nhà của những người sóng bằng nghề thương hồ sông nước, của những cô gái bán vàm
"Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm,công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu.Chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp, hò ơ ...... tôi gối đầu mỗi đêm."
Chợ nổi Cái Bè,Phụng Hiệp,Cái Răng,Long Xuyên,Trà Ôn...
Chợ nổi là gì? là cái chợ nổi trên mặt nước. Ta nhớ những địa danh Cái Bè, Nhà Bè
Gia Định thành thông chí ghi từ đầu thế kỷ XIX đã xuất hiện chợ nổi Cái Bè và rất sung túc
Ngay bờ vàm Cái Bè, bè tre đậu kín vàm rạch, chở lúa gạo,cá khô, mắm muối, cau khô và các loại vỏ cây già, cây đước bán tận Cam Bốt
Đến cuối thế kỷ XX, chợ nổi Cái Bè đã trở thành một trong những khu chợ đầu mối lớn nhứt hoạt động suốt ngày đêm theo con nước lớn. Chợ họp từ 3 - 5 giờ sáng cho đến tận xế chiều, trên bờ có gì dưới sông có cái đó
Trời chưa sáng, cả khúc sông sáng chói ánh đèn, tiếng chèo ghe bì bỡm, tiếng cười nói í ới hòa cùng tiếng gà gáy eo óc gần đó
Chợ nổi Miền Tây là cái chợ phân phối trái cây lớn nhứt Nam Kỳ
Nếu gọi Nam Kỳ là nền văn minh ruộng vườn sông nước thì chợ nổi là biểu hiện của văn minh sông nước. Đó là tính cách hào sảng, phóng khoáng trên sông nước
"Sông Ngã Bảy chảy về bảy ngã
Thuyền đến đây về ngã nào đây
Buồm không theo kịp chim bay
Xa nhau biết hẹn ngày nào gặp nhau"
Chợ nổi Ngã Bảy được thành lập năm 1915 hình thành từ những con sông , kinh đào, kinh xáng múc, xáng thổi
Người Pháp đã đào kinh Xáng để hình thành bảy ngã sông đi khắp mọi hướng để nó trở thành đầu mối giao thông thủy lớn nhứt Nam Kỳ thời ấy
Người Pháp thường gọi Ngã Bảy là “Ngôi sao Phụng Hiệp”. Ngã bảy đi ra 7 hướng, đó là các sông: Xẻo Môn, Xẻo Đông, Bún Tàu, Lái Hiếu, Cái Côn, Mang Cá và kinh Xáng
Chợ nổi Ngã Bảy càng vang danh tên tuổi hơn hơn khi bản vọng cổ “Tình anh bán chiếu” của soạn giả tài hoa Viễn Châu (1961) qua giọng ca của ông Út Trà Ôn vang dội, trở thành câu ca thất tình ngâm nga của dân Lục Tỉnh
“Hỡi ôi....! con sông Phụng Hiệp chảy ra bảy ngã thì lệ của tôi nó cũng lai láng muôn dòng...”
Người Khmer Nam Kỳ kêu Ngã Bảy là Tonlé Prambil Muk có nghĩa là sông bảy mặt
Chợ nổi Ngã Bảy huy hoàng dập dìu ghe hàng từ sáng sớm,mùa nào thứ đó, từ trái cây tới những hàng thủ công của miệt Miền Tây, bảy nhánh sông là bảy làng nghề
Mỹ Tho xưa cũng có cái chợ ngay vàm Bảo Định, ngay cầu tàu Lục Tỉnh. Tại cầu tàu lục tỉnh, ngoài tàu khách còn có ghe thương hồ chất hàng lên chợ Mỹ Tho, lòng vòng đó có nhiều chiếc ghe nhỏ chèo bán đồ ăn,phần đông là những cô còn trẻ, dân Mỹ Tho kêu là “gái bán vàm” rất bạo dạn
"Đèn cầu tàu ngọn lu ngọn tỏ
Anh trông không rõ, anh ngỡ đèn màu
Rút gươm đ-âm họng máu trào
Để em ở lại, em kiếm thằng nào hơn anh.”
Những người lấy ghe làm nhà, bán buôn quanh năm ở chợ nổi, chạy tứ tung Lục Tỉnh ông bà mình kêu là "khách thương hồ"
“Hò ơ..!
Đạo nào vui cho bằng đạo đi buôn
Xuống bể lên nguồn, gạo chợ nước sông
Bớ ghe sau chèo mau tôi đợi
Khúc sông này bờ bụi khó qua"
Thương hồ là thương nhân “rày đây mai đó”, "lang bạt kỳ hồ" hoặc “phiêu bạt kỳ hồ”, cuộc đời ví như bông lục bình
Nam Kỳ mình đặt "khách thương hồ" nghe hay quá xá, họ giỏi đi, giỏi bán buôn và thường có võ mới rày đây mơi đó,thương hồ là bán buôn mà đi như giang hồ
"Ta giang hồ nửa giấc lơ mơ
Sóc Trăng Cà Mau An Giang Đồng Tháp
Ghe thương hồ ta không vẽ mắt
Tới đây cắm sào ta ngủ qua đêm "
Có nhiều truyền thuyết về các ông bà, trai gái thương hồ giỏi võ nhảy từ ghe lên bờ, bay từ ghe này qua ghe khác hay hơn truyện Kim Dung, họ từng đánh ăn cướp núp bờ, núp bụi chặn ghe thương hồ xấc bấc xang bang
"Hò… ơ !
Lên bờ dạ lại nhớ sông
Thương hồ một mái chèo rong bến đời
Đêm nay trăng nước lên khơi
Có người thương khách bời bời nhớ quê"
Dân Nam Kỳ quen đi ghe xuồng, lúc đó đò dọc,đò chuyến cũng hiếm nên muốn đi đâu đó trong xứ chỉ còn cách đi nhờ những chiếc ghe xuồng thương hồ đang lưu thông,ngoắc cái xin đi nhờ ,đó là “quá giang”
Nhà giàu, nhà nghèo xưa đều có thể quá giang, lên ghe có khi tới mấy ngày,chủ ghe sắp chổ cho ngủ, nấu cơm cho ăn chung, rồi người đi “quá giang” cũng xăn tay phụ chủ ghe chèo chống với tinh thần hòa hợp. Sau khi tới bến thì người quá giang có hậu tạ, trả tiền song chủ ghe nhứt quyết từ chối không nhận vì cho là không bao nhiêu, tương trợ cho bà con cùng xứ
Dần dà có đường lộ cái, có xe đò, xe lô, xe tải, xe lam, xe hơi…thì người ta lỡ đường cũng xin “quá giang” xe cộ , đã là quá giang thì không ai lấy tiền hết, giúp người lỡ đường
Có nhiều câu của dân Nam Kỳ nói thường ngày cũng có xuất xứ từ sông nước, ví như câu “tới bến”, ”chơi tới bến” tức là làm tới cùng, làm cho sướng luôn
Rồi câu “được nước lấn tới ” tức là làm quá đáng, rồi câu “lặn hụp“ trong câu "cuộc đời chị cứ lặn hụp hoài không khá nổi"
Nhớ câu thơ của Bình-nguyên Lôc tả bến thương hồ chợ Cầu Ông Lãnh :
“Bến Ông Lãnh màn mưa bao phủ
Ghe thương hồ ủ rũ dưới kia
Ghe ơi, vài bữa ghe về
Nhắn người dưới ruộng, cô Quì còn không?”
Nhớ cô gái tê tái vì lỡ yêu anh thương hồ,ảnh đi khắp nơi khó mà gặp lại
"Sài Gòn mũi đỏ
Gia Định xúp lê
Giã hiền thê ở lại lấy chồng
Thuyền anh ra cửa như rồng lên mây"
Ghe tàu nào ghé hay rời bến Sài Gòn thường mừng vui lắm,bóp còi te te, xúp lê là bóp còi, các cô em gái lỡ yêu anh thương hồ nghe hồi còi thì khóc, vì ảnh đã ...đi xa rồi, biết ngày nào gặp lại
Người Nam Kỳ yêu sông nước, yêu luôn con người sông nước hồi nào không hay,yêu một người Vĩnh Long, Sa Đéc, nhớ một người Cần Thơ, nhớ một người Mỹ Tho, Phụng Hiệp, Cà Mau...
"Còn chi nữa, biển dâu đã bao đổi dời
Về Phương Nam ngắm sông ngậm ngùi
Thương những đời như lục bình trôi"
Thương một mảnh đất hào hùng mà nay đã không còn như xưa!
[ ]