Nói về việc Đọc Sách từ anh Thái Tân, anh Thái Hạo và từ sưu tầm
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
A-Chia sẻ từ anh Phan Thái Tân
Hôm qua thấy ngoài khu chờ sân bay, có ông chú kia thay vì lướt điện thoại, lại bày đặt cầm sách đọc, hình như là cuốn Giải mã hormone dopamine (Dopamine Nation)…
Chắc đọc Cafe cùng Tony quá 180ph.
——
Đọc sách chưa chắc thành công.
Và thành công cũng không chắc cần đọc sách nhiều.
Đọc mà không nghiền ngẫm, không thực chiến, thì rất dễ sinh tâm lý trách móc, hoài nghi năng lực bản thân…
Ngày xưa khi năng lượng nội tại còn yếu, sách viết gì mình tin nấy, thần tượng tác giả…
Còn giờ, khi đã biết rõ mình muốn gì, mình cần tìm gì, học gì,… thì sách giống như một nơi gợi ý cho mình cách thức tìm ra đáp án cho vấn đề (Văn). Sau đó mình phải bỏ công nghiền ngẫm, biến ý tưởng đó thành của mình (Tư), rồi thực hành thực tế (Tu), lại nghiền ngẫm, …
Thầy mình nói: Sách cũng chỉ là một góc nhìn của một người nào đó, có thể phù hợp với tác giả, nhưng khi áp dụng vào thực tế, có thể trật lất với mình.
Khi ai nói với mình họ không đọc sách, mà thấy họ phát triển quá chừng, thì có thể họ học từ các nguồn khác, và hơn hết, họ thực chiến và tự học từ chính bản thân mình.
B-Chia sẻ từ anh Thái Hạo :
“ĐỌC SÁCH MÀ TIN CẢ VÀO SÁCH THÌ THÀ ĐỪNG CÓ SÁCH CÒN HƠN”…
Tôi là một người đọc sách, nhưng không phải “mọt sách”. Tôi đến với sách khá muộn, vì ở quê nghèo những năm 90 không có sách vở gì đáng kể, ngoài sách giáo khoa và văn mẫu ra chỉ có một số truyện tranh và truyện tiếu lâm. Hồi lớp 10, tôi cùng mấy đứa bạn rủ nhau đạp xe ra thành phố, cách nhà 30 cây số, đi tìm mua sách. Tôi mua được những cuốn thơ nhỏ bằng lòng bàn tay của các tác giả trung đại lẫn hiện đại, và một số sách khác - rất khó đọc so với trình độ lúc ấy của mình, như cuốn Dẫn giải ý tưởng văn chương của Henri Benac.
Vô đại học, lần đâu tiên thấy cái thư viện với hàng vạn cuốn sách, tôi choáng ngợp. Và bắt đầu đọc. Ban đầu thì mông lung, rồi dần định hình lại, thu gọn thành “một vệt”. Tôi không có thói quen “vớ được gì cũng đọc”. Tôi cũng hầu như không đọc sách để giải trí.
Sách với tôi chủ yếu là một công cụ.
Tôi đọc sách với 2 mục đích rất rõ ràng:
-Một : để giải quyết các vấn đề chuyên môn hoặc tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề mình đang giải quyết;
-Hai : để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Ý nghĩa của đời sống là gì”.
Chính cái ý thứ 2 này đã dẫn tôi tới con đường tư tưởng của nhân loại, tôi đọc họ để xem các đạo gia và triết gia nghĩ gì. Bởi, nếu không trả lời được câu hỏi này, tôi nghĩ mình không thể sống sót!
Mỗi người có “phong cách” đọc sách khác nhau :
-Vì thói quen
-Vì giải trí
-Vì công việc
-Vì yêu thích
-Vì đọc có mục đích
-Vì đọc không mục đích
-Vì đọc ......vì động cơ thực tế và đọc vì sự “lãng mạn”...
Tôi nghĩ, không có một khuôn mẫu chung cho tất cả.
Nhưng dù sao, nếu không đọc, sẽ rất khó để đào được sâu vào các tầng ý nghĩa của hiểu biết và tinh thần. Một cộng đồng không đọc sách là một cộng đồng hời hợt. Tất nhiên, khái niệm “sách” cũng cần được hiểu rộng rãi hơn xưa khi internet đã phát triển như vũ bão.
Đọc sách là quan trọng, thậm chí hệ trọng, đối với tương lai một cộng đồng. Nhưng tôi coi trọng thói quen suy nghĩ hơn. Một người luôn quan sát, luôn tư duy, luôn chất vấn, luôn đi tìm câu trả lời thì họ sẽ đọc được sách ở khắp nơi: đó là cuốn sách của thiên nhiên, cuốn sách nơi con người, nơi các sự kiện xã hội... Sách sẽ có mặt quanh ta, và mọi lúc. Và với tôi, cuốn sách dày nhất, sâu sắc nhất và có ý nghĩa nhất, chính là nội tâm mình. Một người luôn biết đào sâu vào tâm hồn mình, nhìn ngắm nó, đối thoại với nó, để hiểu nó và xác lập cho mình một hướng đi, tôi tin người đó sẽ và đang “đọc” một cách nghiêm túc và hiệu quả.
“Đọc sách mà tin cả vào sách thì thà đừng có sách còn hơn”, tôi nhớ câu ấy, không biết của ai. Nó có nghĩa là dù bất luận thế nào, tinh thần phản tư, sự chủ động truy vấn và đối thoại nơi một chủ thể mới là điều quan trọng nhất. Có làm chủ được mình, người ta mới làm chủ được sách, và làm chủ xã hội.
THÁI HẠO
C-Từ sưu tầm (không nhớ chép từ đâu)
ĐỌC SÁCH ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO TỚI VIỆC RÈN LUYỆN TƯ DUY PHẢN BIỆN?
“Xây dựng thói quen đọc là bạn đã xây dựng cho mình nơi trú ẩn khỏi mọi nỗi đau khổ của cuộc sống.” - W. Someret Mauham
Tại sao?
Việc đọc cung cấp cho bạn nhiều thông tin, gợi sự tò mò và khiến bạn nhìn nhận các sự việc xung quanh từ nhiều góc độ khác nhau. Nó cho phép bạn hiểu được nhiều tầng nghĩa của ngôn từ và cách diễn giải các ý tưởng. Việc đọc đưa bạn vào thế giới của người khác, cho bạn góc nhìn mới mẻ cùng khả năng thông cảm với những người mà bạn có thể không bao giờ gặp gỡ. Nó khơi dậy trí tò mò trong bạn, mở rộng tâm trí bạn tới những nơi mà bạn chưa bao giờ nghĩ đến, chỉ cho bạn thấy cách giao tiếp trong nhiều tình huống mà bạn có thể chưa từng trải qua.
Khả năng đọc viết đóng vai trò nền tảng trong việc cải thiện nhận thức và hỗ trợ nâng cao thành tích học tập. Khi đọc nhiều hơn, bạn sẽ thu thập được nhiều kiến thức hơn, cho phép bạn phân tích những vấn đề mới nhờ giảm bớt gánh nặng nhận thức. Bạn sẽ tự động mở rộng được vốn từ, biết nhiều từ mới hơn, hiểu được cả những lớp nghĩa sâu xa hơn của văn bản. Đây được gọi là “Hiệu ứng Matthew” từ Tin Mừng theo thánh Matthew 25:29 trong Kinh Thánh: “Phàm ai đã có thì sẽ nhận được thêm và trở nên dư dả; còn ai thiếu thốn thì ngay cái đang có cũng sẽ mất đi.”
Điều này đúng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống và đặc biệt xác đáng trên khía cạnh thu thập kiến thức. Các nhà giáo dục tập trung chú ý rất nhiều vào nó vì hiện nay vẫn tồn tại khoảng cách xã hội - kinh tế đáng kể trong kết quả học tập [của con trẻ] tương ứng với trình độ đọc viết của cha mẹ. Dù bạn xuất thân như thế nào, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu xây dựng thói quen đọc – một thói quen bao giờ cũng có ích.
Bằng cách nào?
Cách thức phụ thuộc vào điểm bắt đầu và mục tiêu của bạn. Bạn cần xác lập, khắc sâu hay mở rộng thói quen? Bạn có ý định đọc nhưng không bao giờ thực hiện? Bạn thỉnh thoảng mới đọc và muốn khắc sâu nó như một thói quen chứ không chỉ là sở thích? Bạn đọc rất nhiều và muốn mở rộng ra nhiều thể loại hơn? Bạn có đọc và muốn đi sâu hơn vào việc phân tích văn bản?
Nếu bạn hiếm đọc sách nhưng muốn bắt đầu đọc, hãy nhặt ra một chủ đề bạn muốn tìm hiểu thêm hoặc nhờ một người bạn có thị hiếu tương đồng giới thiệu sách cho mình. Bạn bắt đầu bằng thể loại hư cấu hay phi hư cấu đều được. Bạn có thể mua một cuốn sách, mới hoặc cũ, mượn từ bạn bè hoặc đến thư viện. Đọc sách có thể là một thói quen sẽ không mấy tốn kém! Nếu bạn vẫn chưa biết chắc nên bắt đầu từ cuốn sách nào, hãy xem từ danh sách bán chạy của New York Times hoặc các danh sách những cuốn sách nhiều người ưa thích trên mạng.
Nếu bạn ưa thích loại sách phi hư cấu ngắn gọn, hãy xem xét đặt mua báo hoặc tạp chí. Phần lớn các tờ báo hiện nay được phát hành cả dưới dạng báo điện tử và báo giấy. Việc sử dụng mạng xã hội có thể rất hấp dẫn. Tuy thế, chất lượng ngôn ngữ trên đó thường rất thấp. Ngoài ra, các thuật toán vận hành theo cách khiến bạn có thể rơi vào một hộp cộng hưởng, khó tiếp cận các quan điểm khác biệt.
Nếu bạn đã có nhiều tài liệu đế đọc nhưng lại không động đến chúng, hãy lựa chọn thứ đem lại sự thỏa mãn tức thì cho bạn. Cuốn Moby Dick có lẽ không phải là chọn tốt nhất.
Gia nhập một câu lạc bộ sách. Có rất nhiều các lựa chọn trên mạng Internet nếu bạn không biết câu lạc bộ nào. Ngoài ra, bạn có thể tự mở một nhóm đọc sách với bạn bè, gia đình hoặc đồng nghiệp. Câu lạc bộ sách rất hữu ích cho việc cải thiện thói quen đọc; bạn được khuyên nên đọc gì, vào lúc nào, và đã có sẵn những đối tác trách nhiệm - những người sẽ luôn biết rõ nếu bạn không hoàn thành cam kết. Nhiều khả năng bạn cũng sẽ đọc cả những cuốn sách mà ít khi bạn tự lựa chọn.
Đặt tài liệu ở nơi mà bạn sẽ đọc chúng. Đặt một cuốn sách trên gối khi bạn dậy mỗi buổi sáng hoặc đặt cạnh sofa trước khi đi làm. Nếu bạn sử dụng một thiết bị điện tử, hãy nhớ sạc pin đầy đủ mỗi ngày. Một thói quen đọc có ích rất dễ bị lung lay nếu thiết bị sách điện tử bạn dùng luôn hết pin.
Sách nói có thể là một lựa chọn tốt nếu bạn không có nhiều thời gian. Làm nhiều việc một lúc ít khi đem lại thành công, nhưng đây là một ngoại lệ; bạn có thể thu về nhiều lợi ích từ việc nghe sách nói trong khi làm công việc chân tay. Bạn có thể nghe khi làm việc nhà hoặc làm vườn, trên đường đi làm, hoặc khi tập chạy. Tuy thế, để nghe được tốt, bạn phải đảm bảo mình không cần vừa nghe vừa đọc hoặc nói. Bạn không thể ghi nhớ những điều mình nghe được từ sách nói nếu đồng thời bạn đang đọc hoặc đang nói. Mặc dù sách nói truyền đạt nội dung cuốn sách, nó vẫn không đem lại cho bạn khả năng nhận diện ngôn từ mà bạn có được từ việc đọc, vậy nên nếu mục tiêu của bạn là cải thiện khả năng sử dụng ngôn ngữ viết, tốt nhất là hãy ưu tiên sử dụng phương tiện thị giác. .............
Theo cuốn sách "Rèn thói quen tư duy phản biện"
....
D-Từ anh Nguyễn Tuấn Quỳnh :
Chia sẻ từ anh Tuấn Quỳnh : Anh ủng hộ em vì em đã trung thực khi trả lời như vậy. Mà sự trung thực là phẩm chất quan trọng trong xã hội hiện nay.
Đúng là, có nhiều cách để học hỏi và mở mang kiến thức chứ không chỉ thông qua việc đọc sách.
Anh tin việc chưa đọc hết 1 cuốn sách như em, không phải là cá biệt trong giới trẻ hiện nay.
Doanh số thị trường sách Việt Nam hiện khoảng 4.000 tỷ/năm cho 100 triệu dân thì mỗi người chỉ bỏ ra khoảng 40.000 đồng/năm để mua sách, tức chỉ khoảng 1/3 cuốn sách. Tính bình quân, 1 năm, 3 người Việt Nam mới chung tiền mua được 1 cuốn sách thôi.
Nếu em kết hợp nhiều hình thức: hình ảnh, âm thanh và đọc sách thì anh tin hiệu quả của việc học hỏi sẽ tốt hơn.
E-Chia sẻ từ anh Đinh Phong Nguyên
Không đọc sách cũng chẳng phải là chuyện gì xấu cả, vì có khi càng đọc nhiều, lại càng đau khổ suy tư, dẫn đến càng thấy chai sạn lạnh nhạt bất lực với thế gian vô thường
Đọc nhiều tiểu thuyết, bạn sẽ nhìn thấy : biết bao cuộc đời lên voi xuống chó, gặp bao mánh lới xâu xé bẩn thỉu, chứng kiến bao kiểu nhục dục đê hèn, cảm nhận được nỗi xót xa và không cam lòng, hiểu thế nào là bất lực, u ám. Bạn sẽ đọc được đủ loại chuyện trên thế gian này khiến bạn trầm luân trong chúng, và từ đây trở về sau dù bạn có đối diện chuyện gì đi chăng nữa, đều là những chuyện mà từ trong sâu thẳm trái tim tâm trí, bạn đã được trải nghiệm qua một lần
Đọc nhiều sách lịch sử, bạn sẽ đọc : được đủ loại quyền uy và biết bao cá thể nhỏ bé bị dòng nước lũ của số mệnh cuốn trôi. Bạn sẽ nhận ra con người nhỏ bé biết mấy còn cuộc đời thì luôn đầy những biến động. Và bạn cũng sẽ lạnh lùng nhận ra " Thua làm giặc - Thắng làm người viết sử " Lịch sử ( không tính khảo cổ học ) cùng với báo chí, xưa nay luôn là công cụ tuyên truyền hữu hiệu, ở mọi nơi mọi thời đại. Mà đã là công cụ tuyên truyền thì không có tính khách quan, mà không có tính khách quan thì không phải là chân lý hay khoa học
Đọc nhiều sách triết học, bạn được : chứng kiến sự hình thành của đủ kiểu giá trị quan, vô vàn những lời giải đáp cho những thắc mắc nhỏ nhặt nhất. Bạn sẽ phát hiện những gì mình luôn vững tin vào sự tồn tại của nó lại hóa ra chỉ là một tràng hư ảo, những điều bạn luôn chế nhạo là xuẩn ngốc lại ẩn chứa nhiều nội hàm cao siêu. Bạn không còn cố chấp với những gì đã từng luôn chấp nhất, dùng ánh mắt tư biện* để nhìn nhận thế giới nửa thực nửa giả này. (tư biện: chỉ đơn thuần suy nghĩ, không dựa vào kinh nghiệm thực tiễn). Đồng thời, bạn sẽ có được Kỹ năng phản tỉnh (Reflective Practice) là một quá trình quan trọng giúp cá nhân nhìn lại kinh nghiệm và rút ra những bài học từ đó, là khả năng tự quan sát và phân tích trải nghiệm, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân để hiểu rõ hơn về mình và cải thiện hành vi trong tương lai
Đọc nhiều sách về xã hội học, bạn lần nữa bắt gặp : những chuyện vốn quen quá hóa thường, hóa ra đều có nguồn gốc đáng tìm hiểu. Bạn sẽ nhận thấy xã hội loài người chẳng qua chỉ là một bản phác thảo trong tưởng tượng. Bạn cũng sẽ tìm hiểu ra đằng sau những câu chuyện ấm áp lại thường ẩn chứa bao tính toán lạnh lùng, bạn là một phần tử trong cả một hệ thống, là cánh bèo trôi dạt giữa dòng đời.
Đọc nhiều sách Khoa học tự nhiên, bạn sẽ nhận ra : Logic đưa con người từ điểm A đến điểm B, nhưng trí tưởng tượng sẽ đưa bạn đi khắp mọi nơi trong vũ trụ. Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Vì kiến thức có hạn, trong khi trí tưởng tượng bao trùm toàn bộ mọi thứ, kích thích sự tiến bộ vận động phát triển
Đọc nhiều sách về nhân học, bạn hiểu được : hóa ra con người cũng chỉ là một loài động vật cực kì đặc biệt, rằng con người chúng ta kỳ thực cũng đâu cao quý đến vậy đâu. Nếu không sở hữu nét đặc thù, thì chúng ta chẳng qua chỉ là một lớp thú khoác lên mình cái áo của văn minh hiện đại
Tôi từng đọc ở đâu đó câu " Biết một mà không biết hai thì thà đừng biết, cho đời nhẹ nhàng thanh thản "