SỨC SỐNG MIỀN NAM: KHÔNG GIAN ĐA VĂN HÓA, ĐA SẮC TỘC
[ Nguyên văn của anh Mathew NChuong ]
* Có những ý kiến nhằm "gây nhiễu", xuyên tạc ("dè bĩu chúa Nguyễn" trong việc định cõi miền Nam), làm lệch sử.
(1) Thế kỷ 17, 18, toàn vùng phương Nam CHƯA có một tên gọi chung, mà chỉ đặt định một số Trấn (鎮), Dinh (營), Đạo (道).v.v… Ở đây, xin được gọi chung theo địa lý là "vùng Châu thổ Đồng Nai - Cửu Long" (gốc gác là vùng Thủy Chân Lạp).
(mãi đến gần cuối thế kỷ 18, năm 1779 mới có tên gọi chung là "GIA ĐỊNH" thời Nguyễn vương, tức Nguyễn Phước Ánh => 1832, gọi chung là "NAM KỲ" thời Hoàng đế Minh Mạng => 1945, gọi "NAM BỘ"....).
Thời các chúa Nguyễn là thời kỳ ĐỊNH CÕI, xác lập chủ quyền của triều đình ĐÀNG TRONG (các chúa Nguyễn) đối với toàn bộ vùng châu thổ Đồng Nai - Cửu Long.
(2) Trong thời kỳ định cõi này, xuất hiện "người Minh hương".
Có thể kể đến tùy tùng, gia quyến của Dương Ngạn Địch - Trần Thượng Xuyên, và Mạc Cửu. Họ là người Hoa, theo phong trào "phản Thanh phục Minh" (chống đối nhà Thanh đương triều), tức họ là dân tỵ nạn chánh trị.
Vì sao họ không cập bến ở Đàng Ngoài (về địa lý, vượt biển từ Trung Hoa đến Đàng Ngoài sẽ gần hơn), để xin tỵ nạn chánh trị?
Rất dễ hiểu, chúa Trịnh - vua Lê ở Đàng Ngoài có mối bang giao với nhà Thanh lúc bấy giờ, vua Lê còn được nhà Thanh ban phát cho cái danh "An Nam quốc vương" rồi lấy đó làm vinh hạnh.
Triều đình Đàng Ngoài đâu thể đón nhận những người Hoa "phản Thanh", ăn nói làm sao trước triều đình nhà Thanh? Thành thử đoàn lưu dân người Hoa mà xin tỵ nạn ở Đàng Ngoài ắt gặp bất trắc.
(3) Còn chúa Nguyễn? Sẵn sàng, không e ngại!
Chẳng hạn, chúa Nguyễn - sau khi thông báo và được sự thuận tình từ phía vua Chân Lạp - đã cho phép Dương Ngạn Địch vào khai khẩn tại vùng đất "Mi Sor" (theo tiếng Khmer) mà người Việt gọi thành "Mỹ Tho".
Nên nhớ: đất Mi Sor (Mỹ Tho) vào năm 1679 về danh nghĩa vẫn thuộc chủ quyền của Chân Lạp, thành thử chúa Nguyễn cần được sự thuận tình từ Chân Lạp khi đưa người đến định cư.
Nửa thế kỷ sau, vào năm 1731, vùng đất Mi Sor, tức "Mỹ Tho", được vua Chân Lạp chính thức dâng cho chúa Nguyễn.
(trong sách VỌNG, có diễn giải, ghi chú vì sao vua Chân Lạp dễ dàng đồng thuận với chúa Nguyễn).
* Nói về Mạc Cửu.
Mạc Cửu xin tỵ nạn nơi Chân Lạp, được vua bên đó đồng ý, cho khai khẩn vùng "Mang Khảm", ban chức quan Oknha (ឧកញ៉ា).
Năm 1708, Mạc Cửu đem vùng Mang Khảm xin nội thuộc Đàng Trong (bù lại, Mạc Cửu được quân đội Đàng Trong bảo vệ trước những đợt xâm lấn từ Xiêm, tức Thái Lan).
Vùng "Mang Kh3m" được đặt tên là "Hà Tiên".
(4) Ý đồ gì, khi xuất hiện lối viết cho rằng "nguyên vùng đất Nam Bộ mang tiếng “thuộc” chúa Nguyễn – nhưng chúa chẳng có miếng nào" (?). Lối viết này nhằm phủ nhận công trạng của các chúa Nguyễn.
4a) Mỹ Tho ("Mỹ Tho đại phố", Dương Ngạn Địch) + Biên Hòa ("Cù lao Phố", Trần Thượng Xuyên) + vùng Hà Tiên (Mạc Cửu) - chỉ có ba nơi này, mà dám phán là "nguyên vùng đất Nam Bộ" (!).
4b) Không lẽ nhắm mắt để không thấy công trạng của lớp lớp lưu dân người Việt từ miền Trung vào Nam khẩn hoang, định cõi.
Lưu dân từ Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức - tức Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi) & xứ Nẫu (Bình Định, Phú Yên)... - tất cả đều thuộc ĐÀNG TRONG.
Tài năng của CÁC CHÚA NGUYỄN trong việc đưa hàng triệu lưu dân người Việt - bằng các chính sách khẩn hoang ưu đãi, tự do - ĐÃ làm nên một miền Nam thịnh vượng.
(5) Không lẽ ngờ nghệch về lịch sử ĐÀNG TRONG, nên không biết đến Nguyễn Hữu Cảnh, được chúa Nguyễn cử vào làm kinh lược, xác lập chủ quyền đầu tiên tại vùng Sài Gòn - Gia Định (1698)?
Không lẽ, cũng vì ngờ nghệch như rứa, nên không biết đến Nguyễn Cư Trinh, quan của triều đình chúa Nguyễn, là người hoàn tất việc xác lập chủ quyền toàn vùng miền Nam (1757)?
NGUYỄN HỮU CẢNH, NGUYỄN CƯ TRINH, rồi hàng loạt danh tướng nữa, ĐỀU LÀ NGƯỜI VIỆT. Hàng triệu lưu dân Ngũ Quảng, xứ Nẫu vô Nam khẩn hoang định cõi, ĐỀU LÀ NGƯỜI VIỆT.
* Mạc Cửu, Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên là "phản Thanh phục Minh". Người miền Nam biết rõ như vậy, biết họ mang thân phận "tỵ nạn chánh trị" lâm vào đường cùng, nên thương, không xua đuổi mà sẵn sàng giang tay đón nhận.
Điều hệ trọng là người Minh hương "phản Thanh phục Minh" có chọn miền Nam làm quê hương MỚI để gắn bó, để sống?
Trong thực tế, họ đồng lòng đồng sức với người Việt, cùng nhau dựng xây miền Nam thành nơi đáng sống.
Sự tiếp biến văn hóa, và bao dung nơi vùng châu thổ Đồng Nai - Cửu Long giúp cho lớp lớp hậu duệ người Minh hương, sau trăm năm, đều đã TRỞ THÀNH NGƯỜI VIỆT.
* "Dấu ấn định cõi", ghi chú trong tập sách VỌNG, tập sách DẤU : còn nhiều câu chuyện về không gian đa văn hóa, đa sắc tộc nơi Đàng Trong nói chung, châu thổ Đồng Nai - Cửu Long nói riêng...
----------------------------------------------
Hình ảnh (phải): "Tiến trình thay đổi tên gọi toàn vùng phương Nam", trích từ cuốn VỌNG (trang 137);
Hình ảnh (trái): "Người Minh hương, người Việt gốc Hoa, Hoa kiều", trích từ cuốn DẤU (trang 53).
Last updated
Was this helpful?