Ca tài tử & hát cải lương | Tồn nghị giữa Võ hay Vỏ
Nguyên văn nội dung của anh Mathew NChuong. Mình lưu ý đây là tham khảo. Chờ hạ hồi phân giải của các nhà chuyên gia vào bình luận ...
Phần 01 : "CA TÀI TỬ" & "HÁT CẢI LƯƠNG"
Sự phân định rành rọt, tiếng Việt càng phong phú!
Tôi nhớ lại trong lần đi làm phim tài liệu về bộ môn đờn ca tài tử ở Trà Vinh, có một vị phát biểu: "nơi đây giàu truyền thống hát tài tử...". Chú Tư đờn kìm nhíu mày nói với tôi, "ổng không phải người Nam mình hả?". Kêu bằng là "vị" đó không biết về bộ môn này nhưng giả bộ đặng lấy lòng, nghe sượng trân!
Bởi, người Nam nói "CA tài tử", chớ không nói "hát tài tử". Trong khi đó, người miền Nam lại nói "đi coi HÁT cải lương”, chớ không nói ”đi coi ca cải lương”.
&1& "CA", vốn là âm Hán-Việt của 歌. Trong cách dùng chữ Hán-Việt, "CA" gồm hai thứ: (1a) Như “xướng ca” (唱歌), nghe ca ("thính ca" 聽 歌). ở đây không buộc có lớp lang, diễn xuất. (1b) có lớp lang, diễn xuất, như "ca kịch" (歌劇).
Trong khi đó, "HÁT" là Nam âm (thuần Việt). Lúc chưa có chữ Quốc ngữ, "HÁT" được ghi bằng chữ Nôm: 𠺴 (ký tự này không có trong Hán tự).
(Mở ngoặc: trong Hán tự, có vài ký tự đọc theo âm Hán-Việt cũng “hát”, mang nghĩa là "hét to", là "gào", là "uống" như "hát tửu" 喝酒 là uống rượu... Còn "HÁT, mang nghĩa ca hát, cách gọi này là thuần Việt, là Nam âm)
&2& Người Nam có cách dùng rành rọt giữa âm Hán-Việt và Nam âm, thú vị lắm đa!
Chỉ mượn âm Hán-Việt "CA", để dùng trong trường hợp (1a). Còn trong trường hợp (1b), dùng cách gọi là "HÁT" (Nam âm).
Ta nói, CA tài tử, CA vọng cổ, CA Lý con sáo Gò Công... Còn khi nào gọi "CA cải lương"? Tỉ như ngồi lai rai quanh bàn mà CA cải lương (chẳng hạn, ca 12 câu Phụng hoàng trong tuồng Nửa đời hương phấn), ca cho "đã", nghêu ngao. Hoặc nằm võng đong đưa nghe CA cải lương từ radio...
Còn "HÁT"? Gắn với việc coi HÁT, có diễn xuất, lớp lang, điệu bộ - như coi hát cải lương, coi hát bội. Trong HÁT, nhấn mạnh điệu bộ, động tác biểu diễn - thậm chí như "hát xiệc", dù từ đầu đến cuối toàn biểu diễn xiếc, ảo thuật, không phải chương trình "ca", thì vẫn gọi là HÁT ("hát xiệc").
&3& Lại có những vị chăm bẳm với cách gọi, "cải lương là một bộ môn ca kịch" (ca kịch cải lương). Gọi "ca kịch" không sai, nhưng họ quên mất trong tiếng Việt có cách gọi đồng nghĩa là "tuồng hát"! Cả "tuồng" lẫn "hát" đều Nam âm (thuần Việt) (hồi chưa có chữ Quốc ngữ, dùng chữ Nôm để viết: 㗰 𠺴, cả hai ký tự này đều không có trong chữ Hán).
Cái thời đất nước chúng ta chỉ có chữ Hán làm văn tự chánh thống, phải gọi "ca kịch" 歌劇, đành chịu, không thể khác được. Hai tiếng thuần Việt "tuồng hát" đâu có mặt trong Hán tự, buộc phải Hán hóa thành âm Hán-Việt là "ca kịch".
Đàng này, đã có chữ Quốc ngữ rồi, mắc gì không gọi không viết là "tuồng hát"!
(Có người nhắc đến "ca ra bộ", ủa, có điệu bộ mà sao vẫn gọi "ca" đó đa? "Ra bộ", ở đây, chỉ là bước sơ khai, minh họa chớ chưa thực sư trờ thành nghệ thuật diễn xuất, ca là chánh. Để rồi, từ "ca ra bộ" chuyển thành "hát cải lương". "CA" chuyển thành "HÁT" - đọc theo Nam âm - ngọt xớt, thú vị hết sức) .....
Phần 02 : TỒN NGHỊ GIỮA "VÕ" (dấu ngã) HAY "VỎ" (dấu hỏi)?
Cần lưu tâm, tìm hiểu nghi thức "XÂY CHẦU ĐẠI BỘI" chỉ có nơi thiết chế Đình ở miền Nam. &1& Nghi thức XÂY CHẦU, ĐẠI BỘI diễn ra tại gian nhà "Võ ca"/"Vỏ ca", nằm phía trước chánh điện, cầu mong sự hài hòa giữa Thiên, Địa, Nhơn: “tròn đạo Trời, vuông đạo Đất, sáng đạo Người”.
"XÂY CHẦU", bắt nguồn từ trong cung đình Nhà Nguyễn. Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, khi giữ chức Tổng trấn Gia Định Thành, đã truyền bá lễ này ở các đình miền Nam. Ở châu thổ sông Hồng ngoài Bắc không có lễ này; thành thử cũng không có gian nhà riêng dành cho nghi thức Xây chầu, đại bội.
XÂY CHẦU có nghĩa là dùng tiếng trống chầu đánh rõ từng tiếng, để "vang động Đất Trời". Trống phải được sơn màu đỏ, mặt trống vẽ hình tròn Âm Dương. Người đánh trống được gọi là Cổ quan (“cổ” là trống, “quan” là quan chức) hay Chấp sự viên, thay mặt cho dân làng thực hiện các thao tác đánh trống.
Sau khi dứt nghi thức "Xây chầu", trống chầu được đặt dưới sân khấu, và cử quan viên ra cầm chầu gọi là "cầm chầu đại bội".
Kế tiếp là lễ ĐẠI BỘI trình diễn nhiều tiết mục liên hoàn nhằm thể hiện uy lực và sức mạnh trong sự sinh thành vũ trụ và phát triển của vạn hữu. Có nhiều hoạt cảnh ngoạn mục, sinh động.
Dứt "Đại bội", đến lượt trình diễn của đoàn hát bội (mà ban quàn trị Đình mời đến, giao kèo về danh mục tuồng tích sẽ hát, cũng như mức hậu đãi). Người dân tha hồi coi hát miễn phí, thóa thích.
&2& Trong ngôn ngữ của người miền Nam, có sự phân định khi nào dùng "CA" (âm Hán-Việt, viết chữ Hán 歌), khi nào dùng "HÁT" (Nam âm, viết chữ Nôm: 𠺴).
&3& 3a) Biện giải cho cách gọi "VÕ CA" ("võ" dấu ngã): Đến đình, trong những dịp Kỳ Yên, bà con được coi hát bội. Gian nhà dùng trình diễn hát bội, theo cách nói quen thuộc, sẽ phải gọi là nơi để "HÁT", nhưng sao đây gọi "CA"?
Tức, dùng theo âm Hán-Việt "CA" (歌); Thành thử, cũng phải dùng âm Hán-Việt sánh đôi cho nhịp nhàng, là "VÕ" (chú ý: viết chữ Hán, âm Hán-Việt không có "vỏ" dấu hỏi, toàn "võ" dấu ngã thôi) => "VÕ CA".
3b) "VÕ", ở đây là 武 ("võ", trong "võ thuật", "võ bị"...), hay 舞 (vũ/võ, nghĩa là "múa")?
Chú ý: trong cấu trúc đình ở miền Nam, ngoài gian nhà "Võ ca", còn có gian "Võ qui" - nơi đây còn gọi là "nhà chầu" để các chức sắc hội họp, chầu lễ.
Nếu diễn giải "Võ" (trong "Võ ca") theo nghĩa là múa => vậy, "Võ qui" là nơi qui tụ để (các chức sắc) múa? Hẳn nhiên, là không phải vậy, hoàn toàn không có chuyện này!
3c) "VÕ" 武, không chỉ mang nghĩa võ thuật mà - nhấn mạnh - còn được dùng với nghĩa "uy quyền, sức mạnh". Ý nghĩa này tương thích với lễ ĐẠI BỘI diễn ra tại đây.
"CA" 歌 (đọc bài theo đường dẫn ghi ở &2&), theo âm Hán-Việt, được dùng để chỉ việc trình diễn, có điệu bộ, lớp lang.
Do vậy, "VÕ CA" viết là: 武 歌. Còn "Võ qui" 武 歸? "Qui" 歸, mang nghĩa "qui tụ", "qui phục". Đây là nơi các chức sắc họp lại, "chầu lễ", qui phục trước uy quyền, sức mạnh (nghĩa của "võ" 武 ) của bổn cảnh Thành hoàng.
&4& 4a) Biện giải cho cách gọi "VỎ CA" ("vỏ" dấu hỏi): Trên Wikipedia, mục "Đình làng ở Nam Bộ" ghi "Vỏ ca", "Vỏ qui" (toàn "vỏ" dấu hỏi) (*). Sao rứa?
"VỎ" là Nam âm, viết: 宇, mang nghĩa tòa nhà, gian nhà (cấu trúc của chữ Nôm "dị âm đồng nghĩa" với chữ Hán: viết y chang 宇, đọc âm Hán-Việt là "vũ" dấu ngã, còn Nam âm là "vỏ" dấu hỏi).
"CA" 歌 không chỉ mang nghĩa ca hát, ca khúc..., còn mang nghĩa là ca tụng (vinh danh). Ý nghĩa này tương thích với lễ ĐẠI BỘI.
=> "VỎ CA" 宇歌 là gian nhà để "Xây chầu", ca tụng Trời Đất ("Đại bội").
4b) "VỎ QUI" 宇歸, mang nghĩa đơn giản là gian nhà dùng qui tụ, hội họp.
THAY LỜI KẾT Vẫn chưa thể kết luận sau cùng về "Võ" (dấu ngã) hay "Vỏ" (dấu hỏi). Vậy, điều gì cần lưu ý ở đây?
Đó là có thể minh định: nếu 'VÕ" (dấu ngã) thi ký tự 武 tương thích hơn hẳn (so với vài ký tự Hán khác mà đồng âm "võ")! Nếu "VỎ" (dấu hỏi) thì ký tự 宇 tương thích hơn hẳn (so với vài ký tự khác, đồng âm "vỏ" được dùng theo cách của chữ Nôm)!
Qua đây, điều thú vị hơn hẳn, là nên hiểu thêm nét đặc trưng của đình ở miền Nam chúng ta là có "Xây chầu", "Đại bội"... ./.
Last updated
Was this helpful?