Phần 2: Viết Về Tôn Giáo Bà Ni
Phần 2: Viết Về Tôn Giáo Bà Ni
Chúng tôi những người con của TÔN GIÁO BÀ NI không đòi hỏi đặc quyền.
Chúng tôi chỉ xin được gọi đúng tên mình, được nhìn thấy tôn giáo của mình hiện diện một cách đàng hoàng trong các giấy tờ, thống kê, nghị định không như một chiếc bóng mờ nhòe, không như một điều gì “khó gọi tên”.
Có ai hiểu được cảm giác đau lòng khi một đứa trẻ Chăm lớn lên, đến tuổi làm căn cước, hỏi ba mẹ:
“Sao tôn giáo của mình không có tên trên thẻ?”
Và người lớn phải cúi đầu, nghẹn lại, tìm cách trả lời cho một điều mà chính mình cũng không hiểu nổi.
“Vì người ta không công nhận mình nữa con ơi…”
Từ bao giờ mà sự tồn tại của một cộng đồng tôn giáo lâu đời lại phụ thuộc vào việc có ai “chấp nhận” hay không?

Từ bao giờ mà lòng tin thiêng liêng của hàng chục ngàn người lại bị gạt ra bên lề chỉ vì nó không giống số đông?
TÔN GIÁO BÀ NI không phải thứ mới sinh ra ngày một ngày hai.
Nó là kết tinh của hàng trăm năm văn hóa, là máu thịt của bao thế hệ.
Mỗi lễ Ramưwan không chỉ là nghi lễ mà là dịp để cả làng trở về, để người sống gọi hồn người đã khuất, để con cháu quỳ lạy nơi mồ cha mẹ mà khóc mà cầu an.
Mỗi khi Acar đọc kinh là lúc lòng người Chăm yên lại, thấy mình còn gắn với cội nguồn.
Vậy mà, khi bước ra khỏi cổng làng, ra khỏi thôn xóm Chăm, chúng tôi lại trở nên “vô danh”.
Tôn giáo không còn tên.
Sự thật không còn lời.
Và lòng người bắt đầu rạn vỡ.
Nếu một ngày nào đó, cả thế hệ trẻ người Chăm không còn biết mình thờ ai, tin vào đâu, gọi tổ tiên bằng ngôn ngữ nào thì sự mất mát ấy không chỉ là của người Chăm.
Nó là sự nghèo đi của cả một nền văn hóa, một đất nước từng tự hào là nơi đa dạng tín ngưỡng, đa sắc tộc, đa bản sắc.
Chúng tôi không cần được ưu tiên.
Chúng tôi chỉ cần được hiện diện một cách công bằng, được ghi nhận, được tôn trọng.
Hãy trả lại tên TÔN GIÁO BÀ NI cho chúng tôi như một sự công nhận nhỏ nhoi nhưng vô cùng thiêng liêng.
Bởi một dân tộc có thể nghèo của, nhưng không thể nghèo bản sắc.
Một người có thể mất mát đủ điều, nhưng không thể sống khi mất cả niềm tin.
Cr: Thông Minh Chánh
Last updated
Was this helpful?