Phần 3
Giả Thuyết về Sông Ngòi Nam Điện Bàn
Nhưng điều quan trọng hơn mà chúng tôi muốn tìm hiểu thêm là trong quá trình lịch sử, sự thay đổi, chuyển hướng của những con sông chính trong miền nam Điện Bàn đã ảnh hưởng đến phân chia ranh giới của các xã trong hai huyện như Duy Xuyên và Diên Khánh. Thêm vào nữa, chúng tôi cũng muốn tìm hiểu sự lệ thuộc của hai sông hạ lưu Câu Lâu và Cầu Mống từ hai dòng sông thượng Chợ Củi và Dưỡng Chân. Vì thế, chúng tôi đặt ra một số giả thuyết mới bao gồm 4 điều kiện hay trường hợp sau đây:
Trong lịch sử nhà Nguyễn ở miền nam Điện Bàn, khi sông Chợ Củi trở thành sông lớn, sông Câu Lâu cũng biến thành sông lớn như vậy. Ngược lại, khi sông Chợ Củi biến thể thành sông nhỏ, sông Câu Lâu cũng như vậy.
Trong lịch sử nhà Nguyễn ở miền nam Điện Bàn, khi sông Dưỡng Chân trở thành sông lớn, sông Cầu Mống cũng biến thành sông lớn như vậy. Ngược lại, khi sông Dưỡng Chân biến thể thành sông nhỏ, sông Cầu Mống cũng như vậy.
Ghi chú: Diện mạo hai sông Chợ Củi và Dưỡng Chân thường trái ngược với nhau. Khi sông Chợ Củi lớn, sông Dưỡng Chân nhỏ lại. Đây là dữ kiện được quan sát dưới đời vua Minh Mạng và nhắc đến trong Đại Việt Nhất Thống Chí.[143]
Khi sông Câu Lâu trở thành sông nhỏ, trong khoảng thời gian sau đó, nó có thể khô cạn và trở thành một bãi bồi (tạm gọi là bãi bồi Câu Lâu – nên nhớ rằng khi hiện tượng này xảy ra, bãi bồi Câu Lâu thường rất rộng lớn vì khoảng cách giữa hai bờ sông bắc-nam rất rộng, khoảng 1 km[144]). Đồng thời về phương diện hành chánh, bãi bồi Câu Lâu vì nằm sát cạnh huyện Duy Xuyên nên nó sẽ được sát nhập vào huyện này. Tương tự như thế, xã Câu Lâu[145] vì là gò nổi nằm phía bắc bờ bãi bồi Câu Lâu, sẽ trở thành một phần địa phận của huyện Duy Xuyên. Suy diễn ngược lại, khi xã Câu Lâu lệ thuộc vào huyện Duy Xuyên, điều này có nghĩa là sông Câu Lâu đã khô cạn đi hay biến mất thành bãi bồi và nối liền với huyện Duy Xuyên.
Khi sông Cầu Mống trở thành sông nhỏ, lòng sông sẽ cạn dần. Lúc ấy, nó không còn quan trọng trong giao thương trên đường thủy nữa. Vì thế, sông Cầu Mống trở thành nông cạn và có thể thành một bãi bồi, xã Câu Lâu, trong thời gian nào đó, sẽ nằm sát bên lề hai xã Thanh Chiêm và Văn Đông hơn và vì thế, sẽ có khuynh hướng lệ thuộc vào huyện Diên Khánh (hay Diên Phước), hơn là huyện Duy Xuyên. Suy diễn ngược lại, khi xã Câu Lâu thuộc về huyện Diên Khánh, điều này có nghĩa là sông Cầu Mống đang cạn dần và có thể trở thành bãi bồi (giống như ngày nay).
Nhưng trước khi biện minh cho những giả thuyết trên, chúng tôi sẽ phân tích những sự thay đổi sông ngòi chung quanh vùng Điện Bàn trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cho rằng chúng thay đổi theo những quá trình nhất định. Nguyên do và tiến trình của những sự thay đổi này có thể xếp đặt theo ba trường hợp thứ tự như sau:
Chu Kỳ 1 – Sông Câu Lâu và Sông Cầu Mống Rộng Mở
Hãy xem Hình 9, tượng trưng cho hình ảnh sông ngòi Điện Bàn vào năm 1602 khi Chúa Nguyễn Hoàng ghé qua Cần Húc[146] lần đầu tiên và hai năm sau, quyết định đặt dinh trấn Quảng Nam tại nơi này. Tuy hình ảnh này được vẽ lại dựa vào công trình nghiên cứu của các nhà địa chất Vũ Văn Phái và Đặng Văn Bào, theo chúng tôi phải đặt giả sử rằng địa mạo của nam Điện Bàn trong hình phản ảnh quang cảnh địa thế vào thời ấy. Vào đầu thế kỷ 17, ngay ngã tư mà bốn con sông nhập làm một, hai dòng đi lên, đó là Sông Chợ Củi cùng với Sông Dưỡng Chân (Sông Bà Rén) nhập làm một dồn dập chảy về hướng đông bắc. Không bao lâu, dòng nước lũ này lại chia đôi khi tiến vào địa phận thuộc Cần Húc; Sông Cầu Mống[147] ở phía đông bắc tách rời xã Cần Húc ra hai miền nam và bắc (nằm phía bắc là xã Cần Húc và phía nam là xã Câu Lâu). Còn dòng Sông Câu Lâu chảy ở hướng nam bao bọc xã Câu Lâu và biến nó thành một gò nổi nằm chơi vơi giữa dòng Sông Câu Lâu và Cầu Mống.
Nếu chú ý hơn trên Hình 9, như chúng tôi đã trình bày trong các phần trước, có một nhánh sông cổ, nhỏ ngoằn ngoèo cắt đôi xã Cần Húc ra làm hai phần, tây và đông. Khi dùng hình vệ tinh từ Michelin map (Hình 10), chúng tôi nhận ra rằng nhánh sông nhỏ, ngoằn ngoèo này bắt ngưồn từ sông nhân tạo Vĩnh Điện; sau khi cung cấp một số lượng nước cho thành Điện Bàn, nó cuối cùng chảy xuôi về hướng nam, ra xã Cần Húc, chia đôi xã Cần Húc ra làm đôi. Phía tây xã Cần Húc là một châu thổ (delta). Thật đúng như lời diễn tả trong gia phả tộc Nguyễn Văn tại xã Câu Lâu.
Trong lịch sử, tương tự như vào đầu thế kỷ 17, Giáp Ngọ Bình Nam Đồ (Hình 18) trong tập bản đồ cổ Hồng Đức mà Bùi Thế Đạt đã vẽ và dâng lên Chúa Trịnh vào năm 1774 cho thấy địa lý sông ngòi trong vùng nam Điện Bàn vào thời khắc lịch sử này phản ảnh địa hình trong Hình 9 . Để bắt đầu trong công việc phân tích, chúng tôi tạm gọi đây là thời kỳ biến hóa của sông ngòi trong Chu Kỳ 1. Hãy xem Giáp Ngọ Bình Nam Đồ sau đây.
Nhìn trong Giáp Ngọ Bình Nam Đồ, về hướng đông nam của vùng Điện Bàn, chúng ta sẽ thấy môt gò nổi nho nhỏ nổi lềnh bềnh trên Sông Câu Lâu. Cái gò này chính là xã Câu Lâu – chính là Điện Phương Đông hiện nay. Ở phía bắc của nó có Sông Cầu Mống lượn quanh, còn ở phía nam, Sông Câu Lâu chảy từ tây sang đông, sát giữa gò nổi Câu Lâu và xã Mỹ Xuyên ở Huyện Duy Xuyên. Ở bên trái của gò nổi Điện Phương Đông là bãi nổi Chợ Củi mà sau này vào khoảng cuối thế kỷ 19 bị chìm dưới lòng sông Thu Bồn. Điều này chứng tỏ vào năm 1774, địa hình phía nam Điện Bàn cho thấy sông ngòi chảy hiền hòa từ tây sang đông để cuối cùng đổ ra biển Đông.
Tuy Giáp Ngọ Bình Nam Đồ là một bản đồ vẽ bằng tay, chúng ta có thể nhận thấy rằng tất cả các sông Chợ Củi, Câu Lâu, Cầu Móng, Dưỡng Chân đều rộng mở; tuy vậy, kích cở của hai sông Chợ Củi và Câu Lâu dường như rộng lớn hơn hai sông Cầu Mống và Dưỡng Chân. Dựa theo lời diễn tả của nhà thám hiểm người Pháp Camille Paris (1856-1908), vào năm 1889, chiều rộng của sông Câu Lâu nhìn từ bờ Mỹ Xuyên (nay thị trấn Nam Phước) qua bờ Chợ Củi rất rộng, khoảng 1 km.[148]
Kết Luận
Vì thế, chúng tôi có thể kết luận rằng, Hình 9 – Sông Thu Bồn ở Đầu Thế Kỷ 17 và Hình 18 – Giáp Ngọ Bình Nam Đồ phản ảnh địa thế sông ngòi miền nam Điện Bàn trong những năm 1602 và 1774; các sông như Chợ Củi, sông Dưỡng Chân, sông Câu Lâu và sông Cầu Mống đều mở rộng; nước sông chảy điều hòa. Đây là hình ảnh của êm đềm, lý tưởng mà sông ngòi ở miền nam Điện Bàn đưa lại. Chúng tôi gọi sông ngòi miền nam Điện Bàn trong những năm này đang nằm trong Chu Kỳ 1.
Trong Chu kỳ 1, sông Chợ Củi và Câu Lâu là sông lớn; còn hai sông Dưỡng Chân và Cầu Mống là hai sông nhỏ hơn. Những dữ kiện này cho thấy những điều kiện trong điều khoản 1 và điều khoản 2 trong giả thuyết về Sông Ngòi Nam Điện Bàn là đầy đủ và chính xác. Cũng vì là sông nhỏ, sông Cầu Mống cạn dần và vì thế, xã Câu Lâu nằm gần xã Cần Húc hơn và cuối cùng được sát nhập vào huyện Diên Khánh, như Lê Quí Đôn đã cho biết trong Phủ Biên Tạp Lục (1776). Do đó, điều kiện trong điều khoản 4 cũng được chứng minh là sự thật.
Chu Kỳ 2 – Sông Câu Lâu Bồi; Sông Cầu Mống Lở (1640)
Tranh Chaya diễn tả khung cảnh tấp nập của một thương thuyền Nhật Bản sắp cặp bến vào thương cảng Hội An vào năm 1640[149] – Hình 19 và 20. Sau khi tiến vào Cửa Đại, ba chiếc ghe nhỏ kéo thẳng nó vào bờ. Trong hình cũng cho thấy một căn nhà dài, mái nhà tươm tất lợp rơm. Lối kiến trúc của mái nhà và sàn nhà cho biết nó là một ngôi nhà Nhật Bản, được các thương nhân Nhật Bản dựng lên và hiến tặng cho Chúa Nguyễn[150]. Đây là lối trang bị của một căn nhà nông thôn nōka với một mái nhà rơm theo kiểu irimoya ở đầu thế kỷ 17 dưới chế độ Mạc Phủ Tokugawa. Đàng sau nhà có một cột gác cao, hướng về phía bờ sông. Toàn bộ khu nhà nằm sát bên bờ sông; cây cối xén gọn; trông rất tươm tất. Về hướng đông, không xa căn nhà khách cho lắm là một con đường đất, hai bên trồng cây thẳng lối, chạy về hướng tây. Đó là Hội An, nơi hội chợ để trao đổi thương vật giữa các thương nhân Đàng Trong, Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha hay Hà Lan. Căn nhà đồ sộ mà chúng tôi đặt tên một cách nôm na là Trạm Thương Khách nằm về hướng tây nam Điện Bàn là nơi Công Tử Nguyên (1602-1613), con trai trưởng của ngài Công Tử Kỳ (1613-1631), hay con trai út Công Tử Anh (1631-1635) tiếp cận các thương nhân ngoại quốc vào đầu thế kỷ 17.
Tiểu Sử Tranh Chaya
Tranh Chaya (Hình 19) miêu tả cuộc hải hành của một chiếc thuyền buôn thuộc gia đình Chaya Shirojiro đến Hội An. Gia đình này rất nổi tiếng ở Nhật Bản và là một trong số vài thương gia được Mạc Phủ Tokugawa ưu đãi và cấp giấy thông hành mỗi năm gọi là Châu Ấn Trạng[151] đến Hội An mua lụa và các sản phẩm khác.
Sự thật thì cái tên họ Chaya (có nghĩa là “quán nước trà” trong tiếng Nhật Bản) không phải là tên họ thật của dòng họ quí phái này – “Shirojiro” mới là thật. Câu chuyện kể lại trong thời vua Tenbun (1532-1554), một hiệp sĩ mang tên họ Nakajima, thuộc địa phận Lãnh Chúa Shirojiro trong tỉnh Yamashiro mở một quán trà ở Tokyo. Hàng ngày, vì quá yêu thích mùi vị trà của quán này, Mạc Phủ Ashikaga Yoshiteru thường không quên ngừng chân thưởng thức vị thơm của trà Nakajima. Bắt đầu từ đó, dòng họ này lấy tên là Chaya và cái họ Nakajima bị quên lãng đi. Sau này Lãnh Chúa Shirojiro của tỉnh Yamashiro phục tòng Mạc Phủ tướng quân Tokugawa Iyeyasu và trong cuộc nội chiến sau đó lập rất nhiều chiến công. Sau khi chiến thắng trong cuộc nội chiến, dòng họ Shirojiro được Iyeyasu ban ơn huệ buôn bán lụa nhập cảng tử Đàng Trong. Khi đến Đàng Trong trong nhiều năm, nhà buôn lụa này được gọi là Chaya Shirojiro[152].
Nhìn Hình 20 – Tranh Chaya Điện Bàn (1640) một cách tổng quát, chúng ta có cảm tưởng một cảnh vui nhộn, nhưng không kém êm đềm giữa người và nước non bao la. Một điều nên lưu ý là sông Thu Bồn khi đổ về hướng thành phố Hội An lúc ấy rộng bao la. Trong khi đó, cũng như trong Tranh Chaya, Huyện Duy Xuyên trông giống như một thoi nhọn chọc thẳng hướng về góc quẹo quanh của Sông Cầu Mống. Nằm trên cùng mũi thoi là xã Câu Lâu (Hiện nay là Điện Phương Đông). Tranh Chaya cho thấy xã Câu Lâu có một cái chợ rất lớn bao gồm ba dãy sập dài tiếp nối với nhau và xếp gọn thành chữ U. Để tránh mưa, che nắng ở phía trên là mái nhà lợp bằng rơm. Vùng bãi bồi Câu Lâu nằm giữa xã Câu Lâu và xã Mỹ Xuyên đông và tây.
Sau đây là sự suy nghĩ của chúng tôi hiện giờ chỉ dựa vào Tranh Chaya.
Càng quan sát tỉ mỉ cảnh vật trong Tranh Chaya khiến chúng tôi hình dùng cảnh thơ mộng của ngày nào, chúng tôi càng cảm thấy cảm khoái hơn. Non nước Việt Nam ngày xưa rất đẹp một cách thiên nhiên, hùng vĩ. Chỉ cần tưởng tượng chính mình đang đứng bên bờ nam Sông Chợ Củi nhìn về hướng bắc chỉ có thể cảm thấy con người quá nhỏ bé vì chúng tôi không nhìn rõ cảnh vật bên bờ kia. Có thể chúng tôi chỉ cảm nhận bằng trực giác mấy lá cờ bay trắng lẫn đỏ bay lất phất, xa xa trên chiếc thuyền buồm Nhật mới cập bến. Nằm bên cạnh nó là Trạm Thương Khách, đồ sộ, cất lên bằng thanh gỗ tròn, vĩ đại, dài thườn thượt dựng cao ngất trời. Chúng tôi cũng tưởng ra được nụ cười niềm nở trên mặt của Công Tử Kỳ, vị trai trưởng của Chúa Sãi độ tuổi 40 đang ngồi ghế trên bục cao, nhìn xuống và niềm nở đón tiếp đón một vài vị khách Nhật Bản quì dưới sàn đất vào đầu thế kỷ 17. Chúng tôi ước gì mình được trở về quá khứ để được hưởng thụ giây phút thần tiên này.
Những Thay Đổi từ Chu Kỳ 1 qua Chu Kỳ 2
Để dễ dàng hình dung ra hình thù sông ngòi chung quanh Điện Bàn và địa mạo đất đai vào năm 1640, cũng như sự thay đổi từ 1602 đến 1640, sau đây là hình ảnh của Tranh Chaya vẽ chồng lên địa phận và thủy phận của vùng Điện Bàn vào đầu thế kỷ 17 – Hãy xem Hình bên dưới.
Chúng tôi nghĩ, Hình 20 phản ảnh địa lý xác thực của miền nam Điện Bàn và đầm Hội An khi G.S. Pina dọn nhà về Dinh Chiêm từ Nước Mặn, Qui Nhơn vào khoảng hè năm 1620.
Khác với những năm trước kia, sông Câu Lâu mà trong Chu Kỳ 1 đã từng chảy cuồn cuộn thẳng ngang qua huyện Duy Xuyên tách rời xã Câu Lâu (hãy trở lại xem Hình 9) ra khỏi huyện Duy Xuyên, nay đã biến thành một bãi bồi rất rộng lớn (dựa theo tên của nhánh sông, chúng tôi tạm thời gọi nó là bãi bồi Câu Lâu). Nối liền với bãi bồi Câu Lâu, ở phía nam là hai xã Mỹ Xuyên Tây và Đông.[153] Ở phía bắc, nằm trên vòm vẫn là địa phận của xã Câu Lâu (gò nổi hình như chiếc lá). Cũng như trước đây, sông Cầu Mống mở rộng hơn trước nhiều; nó được cung cấp bởi hai sông Chợ Củi (sông Thu Bồn ở miền thượng du) và sông Dưỡng Chân và nay sát nhập thành một. Đây là sự thay đổi rõ rệt trong Chu Kỳ 2 mà vùng nam Điện Bàn đã trải qua. Tuy nhiên, vì tranh Chaya chỉ tượng trưng cho một đốm sáng trong lịch sử vào khoảng 1640, chúng tôi hoàn toàn không biết Chu kỳ 2 đã bắt đầu từ khi nào. Nhưng giống như tranh Chaya, qua các bản đồ cổ khác, hiện tượng này cũng đã xảy ra nhiều lần trong những năm 1859 (Hình 22), 1886 (Hình 23) và khoảng 1907-1916 (Hình 7). Vào những thời điểm này, địa thế của nam Điện Bàn đã thay đổi nhiều, có lẽ những năm trứớc có nhiều hạn hán liên tiếp. Vào năm ấy 1617, lịch sử Đàng Trong cho biết mùa màng và ruộng mương khô héo.[154] Có lẽ sau nhiều năm như thế, sông Câu Lâu, một phần bị bồi dưỡng quá nhiều bởi phù sa nay đã bị cạn nước và cuối cùng biến thành một bãi bồi to lớn. Đây là một lối suy nghĩ của chúng tôi để giải thích tại sao sông Câu Lâu lại biến đổi như thế. Còn lý do thật sự là gì, chúng ta phải cần thêm sự giúp đỡ của nhà địa lý học, địa chất học hay khảo cổ học sau này.
Ở phía nam của xã Câu Lâu, nay Sông Câu Lâu đã bị bít kín, vì thế, cả hai dòng nước từ Sông Chợ Củi và Sông Dưỡng Chân chảy đổ dồn về hướng Sông Cầu Mống khiến nó dâng cao và bành trướng rộng hơn; chỉ tưởng tượng chúng ta cũng có thể nhận thức rằng trong những mùa lụt lội, nước sông bỗng nhiên dâng cao rất nhanh chóng và cuốn đi nhà cửa hai bên bờ sông; đất đai hai bên bờ bắt đầu lở sập. Không những thế, các miền thượng lưu bắt đầu từ sông Chở Củi trở lên, vì số lượng nước quá lớn và bị ứ đọng, cũng bị ảnh hưởng trầm trọng trong mùa lụt lội. Chỉ cần tưởng tượng thôi cũng đủ thấy thiên tai lụt lội, sạt lở chắc chắn phải kinh hoàng vì rất nhiều nhà cửa, nhân mạng bị nước cuốn ra biển. Có lẽ bị sạt lở thường xuyên nên hai bên bờ con sông Cầu Mống trong Chu Kỳ 2 có vẻ mở rộng hơn trước rất nhiều. Chúng tôi nghĩ có thể lụt lội là một trong những lý do chính mà Chúa Nguyễn quyết định dời lỵ sở Cần Húc về hướng tây nam tiến về xã Thanh Chiêm và cũng vì vậy mà thành trì Dinh Chiêm được xây dựng trong địa phận nam Điện Bàn hướng về Sông Chợ Củi. Nơi đây dòng Sông Chợ Củi rộng lớn; mạch nước chảy hiền hòa, rất tiện lợi cho thủy, thương vận trên sông.
Trong Chu Kỳ 2 này, chúng tôi nghĩ lãnh thổ của huyện Duy Xuyên bành trướng rất rộng bao trùm luôn các xã đã từng lệ thuộc về huyện vào huyện Diên Khánh như Câu Lâu, Đông An, Phú Chiêm, Mỹ Xuyên đông, Mỹ Xuyên tây, v.v… vì các xã này nằm gần huyện Duy Xuyên hơn là Diên Khánh. Nếu đây là lý do xác thực thì địa lý sông ngòi và địa mạo vùng nam Điện Bàn trong chu kỳ này khác hẳn năm 1776, khi Lê Quí Đôn xuất bản sách Phủ Biên Tạp Lục.
Kết Luận
Từ tranh Chaya vào đầu thế kỷ 17, chúng ta có thể kết luận rằng tình trạng thay đổi của hai sông Câu Lâu và Cầu Mống tiếp diễn theo Chu Kỳ 2, đó là sông Cầu Mống trở thành sông lớn, còn lòng sông Câu Lâu bị khô cạn và trở thành bãi bồi khổng lồ. Chu kỳ này có thể thấy bắt đầu nhiều năm trước 1640 như trong Tranh Chaya đã vẽ, nhưng mãi đến hơn 200 năm sau (1859) – Hãy xem Hình 22, nó mới trở lại trong lịch sử sông ngòi tại nam Điện Bàn. Tiếp tục hiện tượng này, chúng ta sẽ thấy chu kỳ này tiếp tục trong đời vua Đồng Khánh (1886) – Hình 23, và nhất là qua tấm bản đồ thời Pháp thuộc (1907-1916) – Hình 7 cho thấy địa phận nam Điện bàn đã thay đổi rất nhiều và rất giống như trong tranh Chaya.
Trong Chu Kỳ 2, huyện Duy Xuyên có lẽ bành trướng lớn rộng ra bao gồm luôn cả xã Câu Lâu, vùng đất mầu mỡ bãi bồi Câu Lâu và một số xã nằm giữa biên giới hai huyện Duy Xuyên và Diên Khánh như Mỹ Xuyên Đông, Mỹ Xuyên Tây, Bình An Thượng, Thạch Bàn, v.v.. Dĩ nhiên, trong Chu Kỳ này, huyện Diên Khánh bị nhỏ đi vì mất đi các xã này.
Nhưng dưới đời vua Gia Long, địa bạ Quảng Nam (1812) cho thấy xã Câu Lâu lệ thuộc vào huyện Duy Xuyên.[155] Ngoài ra, sông Câu Lâu lúc đó cũng là sông nhỏ,[156] nên chúng ta có thể suy luận thêm là sông Chợ Củi lúc này cũng là sông nhỏ (vì hai nhánh sông chính này nối liền với nhau). Nhưng ngược lại sông Dưỡng Chân, dưới đời vua Gia Long, lại là sông lớn.[157] Quang cảnh này rất giống như được diễn tả trong tranh Chaya – sông Cầu Mống cũng là sông lớn. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng vào thời vua Gia Long (1762-1820) và chúa Sãi (1563-1635), sông ngòi vùng nam Điện Bàn đang nằm trong Chu Kỳ 2. Và cũng vì thế, những điều kiện trong điều khoản 3, cùng với điều khoản 2 trong Giả Thuyết về Sông Ngòi Nam Điện Bàn đều phản ảnh sự thật. Dựa vào tranh Chaya, xã Câu Lâu có thể lệ thuộc vào huyện Duy Xuyên vì nằm sát bên cạnh huyện này, cách nhau bởi bãi bồi Câu Lâu.
Riêng về xã Cần Húc, kể từ đầu thế kỷ 17, chúng tôi nghĩ nó lúc nào cũng lệ thuộc vào huyện Duy Xuyên vì Cần Húc biểu hiện cho thuộc đúc đồng Cần Húc mà thuộc này luôn luôn là sở hữu của huyện Duy Xuyên. Lịch sử nam tiến trong thời chúa Hiền (1620-1687) đã chứng minh rằng không những các thuộc Đúc Đồng đã tồn tại mà dự án đúc súng thần công cũng thành công trọn vẹn dưới đời vị chúa này. Vì thế, xã Cần Húc không thể bị đổi về huyện Diên Khánh được cho đến khi thuộc Cần Húc bị bãi bỏ. Dựa theo lịch sử, chúng tôi phỏng đoán rằng sau năm 1806, khi xã Cần Húc bị đổi tên thành Văn Đông thì thuộc Cần Húc không thể tồn tại được nữa. Chúng tôi tiện đây cũng muốn nhắc nhở rằng Lê Quí Đôn, vào năm 1776, còn cho biết rằng lúc ấy, xã Cần Húc vẫn lệ thuộc vào huyện Duy Xuyên.[158]
Chu Kỳ 3 – Dòng Sông Cầu Mống Khô Cạn; Sông Câu Lâu Khôi Phục
Mặc dù tấm bản đồ cũ kỹ này được vẽ thời chiến tranh Việt Nam (1972-1984) – Hình 24 biểu tượng cho địa hình và chiều hướng sông ngòi trong miền nam Điện Bàn hiện nay (2023), nó vẫn còn giá trị để học hỏi. Sông ngòi miền nam Điện Bàn hiện nay biểu hiện cho Chu Kỳ 3.
Những Thay Đổi từ Chu Kỳ 2 Sang Chu Kỳ 3
Để hiểu rõ những sự thay đổi trong địa hình miền nam Điện Bàn xảy ra từ Chu Kỳ 2 sang Chu Ky 3, chúng tôi có thể lấy Hình 24 và vẽ chồng lên Tranh Chaya (1640) thì sau đây là những điều bổ ích mà chúng tôi nhận thấy như sau:
Vào năm 1640, sông Cầu Mống rất rộng, nhưng hai bên bờ có hình dáng cong cong nói lên rằng con sông này tương đối hiền hòa vì cạnh bờ sông không có những cạnh sắc, nhọn. So với quá khứ, Sông Cầu Mống ngày nay (2023) đã ngoằn ngoèo hơn nhiều, ăn sâu vào nội địa hơn so với 400 trăm năm về trước, nhưng con sông này đã gần như khô cạn và bây giờ chỉ là một con suối nhỏ mà thôi. Điều này cho thấy rằng trong quá khứ, vào những năm lụt lội, áp suất nước trên sông Cầu Mống mạnh mẻ, tàn phá những vùng đất đai mềm nên chiều hướng sông Cầu Mống thay đổi và có khuynh hướng chảy thẳng về phía bắc, nhưng không thể lấn sâu hơn nên phải quành lại về hướng đông vì đất đai tại Cần Húc có vẻ vững chắc và có độ cao. Ngược lại, ở hướng nam, bãi bồi Câu Lâu xảy ra vào năm 1640 nối liền với xã Mỹ Xuyên, thuộc Huyện Duy Xuyên nay đã biến mất vì bị sông Thu Bồn nuốt trọn. Ở trong đầm Hội An, gò nổi mới, cũ bắt đầu hình thành, thí dụ như gò nổi Kim Bồng, Cẩm Bồng, hay Trà Nhiễu,v.v… được phù sa bồi đắp rất nhiều. Còn con sông Cầu Mống cũ (1640) hình cong cong ngày nào cũng đã biến mất và phần lớn trở thành bãi đất bồi màu mở thuận tiện cho trồng trọt. Huyện Duy Xuyên xưa kia trong Chu Kỳ 2, không những mất đi bãi bồi Câu Lâu rộng lớn mà nay cũng mất đi một phần đất ở phía bắc vì xã Câu Lâu không còn thuộc vào nó nữa. Hãy xem Hình 25.
Trong bài tường trình với nhan đề “Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc – Bà Chúa Tàm Tang Trong Sự Nghiệp Phát Triển Nghề Tơ Tằm Xứ Quảng”, tác giả Nguyễn Phước Tương cho biết trong quá khứ, vào năm 1680[159] đã có một trận đại hồng thủy cuốn đi nhà thờ phượng Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu[160] ở Làng Đông Yên, Huyện Duy Xuyên. Chúng tôi nghĩ trong mùa lụt năm ấy, nước lũ đã cuốn đi đất đai, sụp đổ không biết bao nhiêu nhà cửa dân chúng và cũng có thể thay đổi chiều hướng sông ngòi một lần nữa. Có lẽ vì thế mà Sông Câu Lâu và Sông Cầu Mống đã trao đổi địa mạo cho nhau. Trong trường hợp này, cũng có thể con sông Cầu Mống sẽ hẹp lại trong khi Sông Câu Lâu sẽ khôi phục lại sự hùng vĩ của nó. Nếu muốn biết sự thật, chúng tôi sẽ dùng Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư của Đỗ Bá vẽ vào năm 1686 (Hình 12) để khảo nghiệm vì tấm bản đồ này được vẽ ra chỉ 6 năm sau cơn lụt này.
Trái ngược với những thập niên trước 1686, Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư cho thấy Sông Câu Lâu và Sông Cầu Mống có sự thay đổi trầm trọng. Sông Cầu Mống hầu như bị cạn hết nước (nên không được vẽ lên bản đồ) và dần dần trở thành bãi bồi. Ngược lại Sông Câu Lâu bành trướng lớn hơn trước rất nhiều và trở nên đường giao thông bằng đường thủy chính yếu giữa Chợ Củi và Hội An. Có lẽ bắt đầu từ đây, Chu Kỳ 2 được xem là chấm dứt và nhường chỗ cho Chu Kỳ 3.
Đặc biệt hơn nữa là điạ hình phương bắc Huyện Duy Xuyên nay đã thay đổi mà trước đây nó giống như một thỏi dùi nhìn về hướng xã Cần Húc, nay biến ra một mặt nhẵn, phẳng phiu. Điều này nói lên rằng xã Câu Lâu và bãi bồi Câu Lâu không thuộc về nó nữa. Khi so sánh Hình 12 với Hình 24 – Sông Ngòi Chung Quanh Điện Bàn (1972-1984), chúng tôi nghĩ, địa hình của miền nam Điện Bàn trong những giai đoạn này phản ảnh tình trạng sông ngòi hiện nay (2023) ở nam Điện Bàn.
Gần một trăm năm sau, khi hai sĩ quan người Anh Captain Arthur Gore và Philip Bromfield ghé ngang thành phố Hội An vào năm 1764, địa hình hai con sông Cầu Mống và Câu Lâu cũng chưa thay đổi từ Chu Kỳ 3. Hãy xem Hình 26 sau đây:
Kết Luận
Nói tóm lại, Chu Kỳ 3 phản ảnh sự trái ngược về địa thế và địa hình của hai con sông Câu Lâu và Cầu Mống trong Chu Kỳ 2. Trái với Chu Kỳ 2, sông Câu Lâu nay đã khôi phục vẻ hùng vĩ của nó như trong Chu Ky 1, trong khi sông Cầu Mống trở nên khô cạn thành một bãi bồi hay chỉ còn là một con suối nhỏ. Chỉ trong Chu Kỳ 3, xã Câu Lâu được thống nhất với xã Văn Đông để lệ thuộc huyện Diên Khánh một cách trọn vẹn – cũng giống như hiện nay, cả hai vùng đất xưa góp lại với nhau thành phường Điện Phương trong thị xã Điện Bàn. Tương tự như thế, chúng tôi nghĩ các xã nằm gần biên giới giữa hai như Văn Đông, Câu Lâu, Đông An, Mỹ Xuyên đông, và Mỹ Xuyên Tây đều được sát nhập vào huyện Diên Khánh. Mất đi các xã này, cùng với bãi bồi Câu Lâu, huyện Duy Xuyên trở nên nhỏ hẹp đi rất nhiều. Dựa vào một số bản đồ cổ được thu thập gần đây, Chu Kỳ 3 xảy ra trong những năm 1668, 1764, 1930 và hiện nay (2023).
Tóm Tắt Hệ Thống Sông Ngòi miền Nam Điện Bàn
Trong vùng Hội An, những dòng nước lũ từ dãy núi Trường Sơn tràn ngập đầm hầu như xảy ra mỗi năm trong mùa mưa. Vì thế, mỗi lần thời tiết nổi cơn mưa gió bắt đầu tháng 9, địa hình sông ngòi ở Hội An, nói chung, hay Điện Bàn, nói riêng, hay thưòng thay đổi. Chung quanh thành Dinh Chiêm, phía nam Địa Bàn, được bao bọc bởi bốn con sông chính; sông Chợ Củi nối liền với sông Câu Lâu; sông Dưỡng Chân chảy thẳng lên hướng bắc cung cấp một phần năng lượng cho sông Cầu Mống; sông Câu Lâu nối với sông Thu Bồn ở hướng đông chảy ra cửa Đại. Còn sông Cầu Mống chảy xuyên qua Cần Húc (nay là phường Điện Phương Tây) và xã Câu Lâu (nay là phường Điện Phương Đông) về hướng đông bắc. Sau khi khám nghiệm các bản đồ xa xưa bắt đầu từ đời Chúa Nguyễn Hoàng chúng tôi mới khám phá ra rằng địa hình Dinh Quảng Nam từ năm 1602 cho đến nay 2023 thay đổi tùy thuộc vào cá chất của bốn con sông này mà sự thay đổi của chúng dựa theo định luật chu kỳ – mỗi sông, có lúc khô cạn, có khi thành sông nhỏ, nhưng có khi trở thành con sông cái đầy rẩy nước non. Mỗi khi xảy ra có nơi chúng bồi đắp, nhưng có nơi lại khiến đất lở gây thiên tai cho dân chúng trong vùng. Sau đây là những dữ kiện lịch sử bắt đầu từ 1600 cho đến nay mà chúng tôi lượm nhặt được trong các bản đồ cổ:
Năm
Chu Kỳ
S. Chợ Củi
S. Câu Lâu
S. Dưỡng Chân
S. Cầu Mống
Xã Câu Lâu lệ thuộc huyện (phỏng đoán)
Chú thích
1600
1
lớn
lớn
Tương đối lớn
Tương đối lớn
Hình 9 – Tranh phác họa do các nhà địa chất vẽ.
1640
2
nhỏ
Bãi bồi
lớn
lớn
Duy Xuyên
Hình 19 – Chi tiết từ Tranh Chaya. Vào năm 1640, xã Câu Lâu có thể lệ thuộc huyện Duy Xuyên vì địa phận của nó nối liền với bãi bồi Câu Lâu và xã Mỹ Xuyên thuộc huyện Duy Xuyên ở phía nam.
1686
3
lớn
lớn
nhỏ
con suối
Diên Khánh
Hình 12 – Đỗ Bá: Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư;. Địa hình giống như ngày nay (2023).
1764
3
lớn
lớn
nhỏ
con suối
Diên Khánh
Hình 26 – Arthur Gore, Philip Bromfield –. Địa hình giống như ngày nay (2023) – Hình 11, 14, 16, 23 và 26 .
1774
1
lớn
lớn
Tương đối lớn
Tương đối lớn
Diên Khánh
Hình 18 – Bùi Thế Đạt – Giáp Ngọ Bình Nam Đồ –. Dữ kiện từ Lê Quí Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục cho biết xã Câu Lâu trực lệ huyên Diên Khánh (Phủ Biên Tạp Lục, trang 107-108).
1802-1820
2
nhỏ
Bãi bồi
lớn
lớn
Duy Xuyên
Đây là những chi tiết trích ra từ Đại Nam Nhất Thống Chí dưới đời vua Gia Long (1802-1820) – Chữ viết bằng mực đỏ là lối suy diễn của chúng tôi. Dữ kiện từ Nguyễn Đình Đầu trong Địa Bạ Quảng Nam (1812) cho biết xã Câu Lâu lệ thuộc huyện Duy Xuyên (Tập 1, trang 44).
1822-1826
3
lớn
lớn
nhỏ
con suối
Diên Khánh
Đây là những chi tiết trích ra từ Đại Nam Nhất Thống Chí dưới đời vua Minh Mạng (1820-1841) – Chữ viết bằng mực đỏ là lối suy diễn của chúng tôi.
1859
2
nhỏ
Bãi bồi
lớn
lớn
Duy Xuyên
Hình 22 – Nam Điện Bàn 1859.
1886
2
nhỏ
Bãi bồi
lớn
lớn
Duy Xuyên
Hình 23 – Nam Điện Bàn dưới Thời vua Đồng Khánh.
1907-1916
2
nhỏ
Bãi bồi
lớn
lớn
Duy Xuyên
Hình 7. Giống như địa thế trong tranh Chaya.
1930
3
lớn
lớn
nhỏ
con suối
Diên Khánh
Hình 27. Nam Điện Bàn Dưới Thời Pháp Thuộc (1930); Địa hình giống như ngày nay (2023).
1972-1984
3
lớn
lớn
nhỏ
con suối
T.X. Điện Bàn
Hình 24 – Quân lực Bộ binh Hoa Kỳ. Nguồn University of Texas. Địa hình giống như ngày nay (2023).
Ngày nay 2023
3
lớn
lớn
nhỏ
con suối
T.X. Điện Bàn
Hình 17 – Google Map hay Google Earth. Đây là địa hình ngày nay (2023).
Bảng 3 – Sự Thay Đổi của Sông Ngòi Chung Quanh Điện Bàn trong Quá Trình Lịch Sử
Giả sử sông ngòi vùng Điện Bàn bắt đầu thay đổi từ thế kỷ 17, nhìn vào Bảng 3 chúng ta sẽ nhận thấy sự thay trong nhiều thế kỷ. Trong Chu Kỷ 1, hai con sông Cầu Mống và Câu Lâu đều hiền hòa rộng mở cho tàu bè qua lại từ Sông Chợ Củi đến Sông Thu Bồn ở Hội An. Nhưng chẳng bao lâu sau, khi người Nhật Bản và người Minh Hoa tụ tập buôn bán ở Hội An (đầu thế kỷ 17), qua Tranh Chaya (1640), chúng ta có thể quan sát sự thay đổi rõ rệt khi Sông Câu Lâu dần dần khô cạn và biến thành một bãi bồi khổng lồ – sự thay đổi không thể xảy ra một sớm, một chiều mà trong một khoảng thời gian dài, nhất là trong những năm hạn hán, thí dụ dựa theo lịch sử Dòng Tên ở Đàng Trong vào mùa hè 1617, G.S. Buzomi bị giam lỏng tại bãi biển Đà Nẳng. Dựa theo giáo sử của Dòng Tên, trong năm ấy, hạn hán rất lâu. Sông Cầu Mống bành trướng thành một sông lớn, nhưng hai bên bờ có dấu hiệu sạt lở so với Chu Kỳ 1. Đó là dấu hiệu thuyên chuyển qua Chu Kỳ 2. Còn Chu Kỳ 3 có lẽ khởi xướng khi trận đại hồng thủy ập xuống Điện Bàn vào năm 1680. Trong vòng 6 năm sau, Đỗ Bá, qua Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư, cho biết hai con sông Câu Lâu và Cầu Mống lại đổi vị trí cho nhau. Lần này, Sông Câu Lâu lại tràn ngập nước. Đổi lại, Sông Cầu Mống nhỏ dần từ một dòng sông lớn ra một dòng sông nhỏ bé hay chỉ còn là một rạch nước nhỏ. Vào năm 1774, thông qua Giáp Ngọ Bình Nam Đồ, chúng ta có thể nhận thấy trạng thái sông ngòi ở Điện Bàn quay trở lại Chu Kỳ 1. Tiếp sau đó, chúng ta có thể thấy được rằng Chu Kỳ 2 trở lại, giống như trong tranh Chaya, vào những năm từ 1859 cho đến 1907-1916. Trong vòng 14 năm sau, tại cột mốc thời gian 1930, chúng ta nhận thấy Chu Kỳ 3 lại bắt đầu cho đến ngày nay 2023. Điều thích thú, chúng tôi nghĩ, nên chú ý là địa mạo của bốn sông Chợ Củi, Câu Lâu, Dưỡng Chân và Cầu Mống, sau đến khoảng 175 năm (bắt đầu từ 1600) có nhiều thay đổi, và cuối cùng trở về chu kỳ đầu tiên. Nhưng sự thay đổi của bốn dòng sông này đều đi theo một luật tuần hoàn nhất định, đó là theo chu kỳ 1, 2, 3 rồi trở lại chu kỳ 1.
Trong Chu Kỳ 1 và Chu Kỳ 3, trong cùng hệ thống sông Thu Bồn, cả hai sông Chợ Củi và Câu Lâu là hai sông lớn nối liền với nhau, trong khi Dưỡng Chân và Cầu Mống nhỏ đi rất nhiều, nhất là trong Chu Kỳ 3. Khi dòng nước Cầu Mống gần như khô cạn, xã Câu Lâu nằm gần hai xã Thanh Chiêm và xã Cần Húc hơn và cách xa huyện Duy Xuyên. Có thể vì thế có thể mà nó sẽ trực thuộc vào huyện Diên Khánh. Ngược lại, trong Chu Kỳ 2, xã Câu Lâu nẳm trên đỉnh đầu mảnh đất hình mũi dùi tượng trưng cho huyện Duy Xuyên mới được bành trướng – hãy xem Hình 19. Vì thế, xã Câu Lâu sẽ lệ thuộc vào Huyện Duy Xuyên.
Kiểm nghiệm lại sách vở lịch sử, Lê Quí Đôn cho biết, vào năm 1776, xã Câu Lâu lệ thuộc huyện Diên Khánh. Bản đồ cổ Giáp Ngọ Bình Nam Đồ (1774) cũng cho thấy cả hai sông Chợ Củi và Câu Lâu là hai sông lớn nối liền với nhau, trong khi Dưỡng Chân và Cầu Mống nhỏ đi rất nhiều, nhưng vẫn mở rộng cho tàu bè qua lại, đó là chu kỳ 1. Trong khoảng thời gian này, xã Câu Lâu nằm trong địa phận huyện Diên Khánh và cách xa huyện Duy Xuyên một khoảng cách khoảng 1 km, đó là chiều rộng của lòng sông Câu Lâu trong mùa nước lũ.
Phần 4
Cuộc Tìm Kiếm Thành Dinh Chiêm Dưới Thời Các Chúa Nguyễn
Tiêu Chuẩn Trong việc Tìm Kiếm Thành Dinh Chiêm
Trong cuộc tìm kiếm thành Dinh Chiêm trên các bản đồ và tài liệu xưa, chúng tôi sẽ dựa vào hai chi tiết quan trọng được cung cấp từ Đại Nam Nhất Thống Chí 2006 do Sử Quán nhà Nguyễn viết rằng thành Quảng Nam cũ có chu vi 300 trượng (1410 m) và Kiến Văn Tiểu Lục Toàn Tập do Lê Quí Đôn cho biết rằng để xây cất lỵ sở của một trấn, chiếu theo luật lệ đương thời, diện tích của nó không quá 5 mẫu (25 ha).
Thêm vào đó, vào đầu thế kỷ 17, địa hình của miền nam Điền Bàn được biều hiện trong Hình 9 mà trong đó, cả hai con sông Cầu Mống và Câu Lâu đều rộng mở để nước cuồn cuộn chảy ngang qua từ sông Chợ Củi và sông Dưỡng Chân. Ở phía đông nam, nằm giữa hai sông Cầu Mống và Câu Lâu là gò nổi Câu Lâu. Lúc này, dựa theo gia phả tộc Nguyễn Văn cả hai xã Câu Lâu và Cần Húc trực lệ thuộc Cần Húc. Thêm vào đó, Cần Húc đã từng là một châu thổ (delta) cắt ngang bởi một nhánh sông nhỏ. Riêng Địa Bạ Quảng Nam (1812) (và có thể William Dampier) cho biết xã Câu Lâu có địa phận cả hai bên bờ sông nam-bắc Câu Lâu.
Sau đây là những dữ kiện mà chúng tôi mới khám phá về Dinh Quảng Nam hay còn gọi là Dinh Chiêm:
Lúc Ban Đầu
Vào năm 1602, vào lúc ban đầu dựng quốc ở Đàng Trong, Chúa Nguyễn Hoàng chọn xã Cần Húc (sau này là Văn Đông (1806)), thuộc Huyện Duy Xuyên làm lỵ sở của Dinh Quảng Nam mà nó có tên tục là Dinh Chiêm.
Những Sự Thay Đổi
Trong cuộc nghiên cứu, chúng tôi tìm thấy một bản đồ trong thời Pháp thuộc cho biết không những cho biết vị trí mà còn hình dáng tổng quát của tường thành Dinh Chiêm ngày xưa nữa. Ngoài ra, vị trí của xã Văn Đông ( Cần Húc) được in trên bản đồ này rất rõ nét. Hãy xem Hình 7.
Trước nhất, khi quan sát kỹ lưỡng tấm bản đồ này, chúng tôi nhận thấy, giống như trong đầu thế kỷ 17 trên tranh Chaya, địa lý miền nam Điện Bàn vào lúc đó khác với hiện nay. Con sông Câu Lâu chảy ngang qua huyện Duy Xuyên bỗng nhiên biến mất. Thay thế vào đó là một bãi bồi rộng mênh mông nối liền gò nổi Câu Dẫn – Chúng tôi nghĩ đây là lỗi chính tả hay cái tên “Câu Lâu” bị đổi tên thành “Câu Dẫn”? Nay là một phần của phường Điện Phương – ở phía bắc và huyện Duy Xuyên nằm ở hướng nam. Điều thứ hai mà chúng tôi chú ý là, mất đi sông Câu Lâu, sông Cầu Mống nay là con sông chính còn lại chuyên chở khối lượng nước rất lớn hàng năm đến cửa Đại. Nhưng nhìn kỹ chiều rộng của sông Cầu Mống mặc dù đã mở rộng, nhưng cũng chỉ bằng khoảng nửa của sông Chợ Củi hay sông Câu Lâu trước đây mà thôi. Điều này nói lên hầu như chắc chắn rằng trong mùa mưa hay lụt, dung tích của sông Cầu Mống, một mình, không thể nào chất chứa được số lượng nước lớn như thế. Vì thế, chỉ cần tưởng tượng trong đầu nghĩ về quá khứ, chúng ta cũng có thể cảm nhận được cảnh lụt lội và đất lở đã xảy ra khắp nơi dưới thời Pháp thuộc trong khoảng thời gian 1907-1916 cũng như những thập niên 1600. Có lẽ đây là lý do chính mà dòng sông nhân tạo Vĩnh Điện được nới rộng để dẫn làn nước lũ chảy bớt ra cửa Hàn, thay vì để nước lũ dồn dập tràn ngập vào sông Cầu Mống gây ra lụt lội khắp nơi. Nhiều địa danh trước đây như Chợ Củi, Đông An và Phú Chiêm là những vùng được phù sa bồi bổ và cũng là những nơi dễ bị bị nuốt trọn bởi sông Thu Bồn trong những mùa lụt. Để nhìn thấy rõ hơn những hình ảnh này, hãy chú ý đến những nơi trước đây là đất đai mà bây giờ bị sập lở xuống sông Thu Bồn và ngược lại, những nơi được bồi bổ như chính dòng sông Cầu Mống, vùng Kim Bồng, An Phước hay Cẩm Phô trong Hình 28.
Hình 28 – Những Thay Đổi trong Địa Hình vùng Nam Điện Bàn Kể Từ 1907-1916 Cho Đến Nay (2023). Nguồn: Bản Đồ Pháp thuộc 1907-1916 và bản đồ Nam Điện Bàn từ Google Map (2023).
Theo chúng tôi nhận xét thì lụt lội là một trong những lý do chính mà Chúa Nguyễn Hoàng quyết định dời trụ sở Dinh Chiêm về hướng tây nam, về hướng sông Chợ Củi từ thuộc Cần Húc. Là một nhà lãnh đạo Đàng Trong, ngài rất cần ngoại tệ từ các quốc gia khác để canh tân đất nước. Nhưng ngài không thể làm ngơ trước cảnh ngập nước, nhà trôi, người nổi trên sông Cầu Mống, nhất là khi có các thương nhân từ các quốc gia quan trọng trong nền kinh tế Đàng Trong như Nhật Bản, Bồ Đào Nha hay Trung Quốc ghé thăm Công Tử Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) ở Dinh Chiêm. Trong những năm khi cả hai con sông Câu Lâu và sông Cầu Mống đều mở rộng để nước lụt thông ra cửa Đại (chu kỳ 1), lúc ấy, sự cần thiết của sông Vĩnh Điện không còn nữa.
Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Giáo Sư Huỳnh Công Bá là có lẽ sự bành trướng của Dinh Quảng Nam về hướng Chợ Củi xảy ra trước năm 1604. Cùng với tranh Chaya, bản đồ Pháp thuộc 1907-1916 (Hình 7) cũng cho thấy như thế. Trong bản đồ, theo ý chúng tôi trong những năm đầu thế kỷ 17, các cơ sở hành chánh đã được dựng lên một cách hoàn hảo nằm sát bờ sông Chợ Củi. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, chúng tôi cho rằng chỉ có nội thành là được xây dựng trước khi cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh bắt đầu (1627). Lúc sau đó, ngoại thành mới được xây dựng thêm vào để bảo vệ cho nội thành và các vùng phụ cận chung quanh kể cả các xã Thanh Hiểm (nay là Phước Kiều), Đông An và Thanh Chiêm. Tuy chỉ thiếu Trạm Thương Khách, nơi các công tử họ Nguyễn đón tiếp cách thương gia ngoại quốc, bản đồ này vẽ đầy đủ chi tiết về ngoại hình và hào sâu bao chung quanh thành trì của nội thành, cùng với các đường giao thông giữa nó và các thị trấn quan trọng như Cần Húc (Văn Đông), Phú Chiêm và Hội An.
Kể từ 1602, cả Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) và con trai trưởng của ngài, Công Tử Nguyễn Phúc Kỳ (1582-1631) đều lần lượt trấn thủ tại nội thành. Chúng tôi cho rằng thành Quảng Nam (cũ) vẫn tọa ngự nơi đây gần 200 năm, cho đến khi Chúa Trịnh mang quân vào chiếm kinh thành Phú Xuân vào năm 1774. Sau khi quân Đàng Ngoài vì bệnh tật rút về Phú Xuân, Tây Sơn chiếm đóng thành Dinh Chiêm.
Toàn thể cung điện xứng đáng với cái tên gọi tòa lâu đài với các phòng thấp. Toàn bộ cung điện chia ra làm nhiều phòng ở và phòng khách thoáng khí rộng rãi. Tại một trong những phòng khách, tôi gặp ông Trấn Thủ Quan; khi vào phòng, tôi thấy ông ta đang nằm đong đưa trên chiếc võng mà hai đầu của nó treo lên một cái cột nhà và bức tường gỗ thấp…”
Có lẽ lúc giao tranh giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn trong vòng 24 năm sau đó, bức tường ngoại thành mà ông Chapman diễn tả trong bài tường trình về Bengal (Bangladesh ngày nay) đã bị phá hủy. Các chân móng tường, vì đắp bằng đất nay cũng không còn. Quan sát kĩ trong bản đồ Pháp thuộc 1907-1916 (Hình 7), chúng tôi không còn thấy những gì ông Chapman kể lại, ngay cả một nét vẽ của tường thành chữ nhật cũng chẳng còn chút di tích nào. Nhưng những bức tường của nội thành cũ, hình lưỡi liềm, từ thế kỷ 17, vẫn còn ghi rất rõ nét. Rất tiếc, mười bốn năm sau (1930), trong bản đồ Pháp thuộc khác, nội thành Dinh Chiêm dường như cũng bị phai nhòa, chỉ còn phảng phất nét vẽ của bờ tường thành ngày xưa mà thôi. Hãy xem thêm Hình 27.
Đến đời vua Minh Mạng, ngài cho xây xong Thành Điện Bàn bằng gạch (1833) tại xã La Qua. Lúc ấy, ngài dời Dinh Quảng Nam về đó. Trong tấm bản đồ Pháp thuộc 1907-1916, dinh trấn cũ kể cả nội thành và thành trì mới Điện Bàn đều được biểu hiện rất rõ nằm bên cạnh tuyến đường Thiên Lý. Sau năm 1833, thành Dinh Chiêm cũ đã hoàn toàn bị bỏ hoang. Theo thời gian, chúng tôi suy đoán, vào thời Pháp thuộc, khoảng năm 1925, chính quyền thuộc địa xây cất Quốc Lộ (QL)-1 cũ, hiện nay là QL-1A ở nam Điện Bàn. Trong chương trình xây cất, tất cả nội thành Dinh Chiêm cũ đã bị san bằng nhường đất đai cho QL-1 chạy xuyên qua nó. Hãy xem vào Hình 27 – Nam Điện Bàn Dưới Thời Pháp Thuộc (1930) thì sẽ rõ.
Ngay trong thời Pháp thuộc, trong vòng 14 năm kể từ 1916, sự thay đổi về địa lý cũng rất rõ ràng. Hãy xem hai Hình 29 sau đây gom gọn hai Hình 7 (bên phải) và Hình 27 (bên trái) và xếp chúng gần bên nhau. Mục đích chính là để dễ bề quan sát sự thay đổi trong địa hình của vùng nam Điện Bàn, nhất là khi hai con sông Câu Lâu và Cầu Mống đổi dạng trong vòng 14 năm trời.
Hình 29 – Dinh Chiêm dưới thời Pháp Thuộc 1930 so với (1907-1916). Nguồn: Thi Bao Chau Huynh. Patrimoine Architectural, Urbain, Aménagement et Tourisme: Ville HôiAn, – ViêtNam. Géographie, Université Toulouse le Mirail- ToulouseII, 2011. Français. NNT: 2011TOU20062. Tel-00717654, trang 57 và Alamy.com.
Miêu Tả Thành Dinh Chiêm
Đối với chúng tôi, thành Dinh Chiêm bắt đầu từ thế kỷ 17 cho đến 1778 bao gồm hai phần: nội thành và ngoại thành. Chúng tôi cũng giả sử nội thành được xây dựng bởi Chúa Nguyễn Hoàng trước năm 1602 – năm ấy, sau khi xây xong thành Quảng Nam, ngài gửi Công Tử Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) làm Trấn Thủ Quan. Còn bức tường thành hình chữ nhật như ông Chapman diễn tả trong bài tường trình của ông sau chuyến thăm viếng Đàng Trong vào năm 1778, chúng tôi nghĩ, là ngoại thành bao bọc nội thành, nhưng được xây sau, có lẽ trong thời gian Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627-1772).
Nội Thành Dinh Chiêm
Một nơi cũng rất đáng chú ý là ở phía tây bắc thành có một khu đất lõm vào. Dường như khi xây thành trì, nơi đây đã là đầm lầy hay hồ nước nên khi xây tường nội thành họ phải vòng theo bờ hồ. Có một hào thiên nhiên như thế rất tốt trong việc phòng thủ.
Sau đây là vóc dáng của nội thành Dinh Chiêm trích ra từ Hình 7 và được đặt vào Google Map (Hình 30). Khi vẽ vóc dáng thành Dinh Chiêm dựa theo bản đồ Pháp thuộc 1907-1916, chúng tôi rất lưu ý về hai tiêu chuẩn quy định trong Đại Nam Nhất Thống Chí, 2006 và Kiến Văn Tiểu Lục Toàn Tập do Lê Quí Đôn viết, đó là thành có chu vi 1,41 km và diện tích không quá 25ha.
Hình 30 – Vị Trí và Kích Thước Nội Thành Dinh Chiêm vào Đầu Thế Kỷ 17. Nguồn: Google Map Vẽ theo bản đồ thời Pháp thuộc 1907-1916
Kết Luận
Cuối cùng, rất may mắn, chúng tôi đã tìm ra tấm bản đồ dưới thời Pháp thuộc (1907-1916) vẽ một cách tổng quát hình ảnh của nội thành Dinh Chiêm mà chúng tôi nghĩ đã được xây cất vào đầu thế kỷ 17 (kích thước ước lượng 40 m x 140 m x 220 m x 340 m x 40 m x 420m x 220 m). Theo đó chúng tôi vẽ lại diện mạo của nội thành Dinh Chiêm trên Google Map. Tuy không tìm được kích thước chính xác của thành quách xưa, dựa theo những tiêu chuẩn mà chúng tôi đã nêu lên, nhất là nội thành đã có chu vi chính xác 1.41 km. Dùng tính năng đo diện tich trên bản đồ Google map cho biết thành nội thành Dinh Chiêm xưa có diện tích khoảng 22 ha, vẫn dưới 25 ha cần thiết tối đa khi xây cất một thành trì cho tỉnh lỵ. Điều quan trọng nữa là mặt thành tây nam chạy dọc theo tuyến đường Thiên Lý. Qua đường là tiếp giáp với sông Chợ Củi. Sau bao nhiêu năm vắng bóng, hiện nay chúng tôi có thế hình dung ra thành trì Dinh Chiêm, hình thù của một lưỡi liềm hay chiếc võng, nằm ngay bờ sông Chợ Củi, nơi buôn bán rất phồn thịnh trước thời nội chiến giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn (1773).
Ngoại Thành Dinh Chiêm
Dựa theo bài tường trình của ông Chapman, ngoại thành trông giống như một ô hình chữ nhật. Chiều dài khoảng ½ mile (800 m) với chiều rộng chỉ bằng 2/3 chiều dài (khoảng 500 m). Tường thành tương đối rất thấp từ 10 feet đến 11 feet (3 m – 3,3 m). Vào năm 1778, lỗ chỗ có nhiều nơi tường thành bị sụp nên phải trồng hay cắm tre vào chỗ trống. Bên ngoài vòng theo tường thành là hào sâu, rộng khoảng 8 feet (2,4 m) – không được rộng cho lắm. Nói chung thì tình trạng ngoại thành rất thảm thương và suy đồi sau nhiều trận đánh giữa nhà Nguyễn với nhà Trịnh từ phương bắc và quân Tây Sơn. Tuy nhiên, ông Chapman không cho biết vị trí của tường thành này mà cũng không nhắc đến nội thành Dinh Chiêm. Vì thế, chúng tôi suy diễn ra rằng lúc ông diện kiến Trấn Thủ Quan do Đàng Ngoài phái đến, ông không được đón tiếp một cách long trọng như một đại sứ của một cường quốc vậy – vì ông không được mời vào chính điện mà chính điện mới có khả năng ở trong nội thành.
Để hội đủ các điều kiện trên, chiều rộng ngoại thành rất có khả năng khoảng 500 m – đó là chiều dài trên khúc quẹo tuyến đường Thiên Lý để bao phủ luôn cả nội thành. Sau khi cho vào tỉ số mà ông Chapman đưa ra, đó là chiều rộng bằng 2/3 chiều dài. Vì thế, chiều dài có thể lên đến 750 m. Dùng Google Map, ngoại thành Dinh Chiêm có thể giống như sau – hãy xem Hình 31.
Bây giờ, muốn biết diện tích và chu vi của ngoại thành Dinh Chiêm mà Google Map mới vẽ như trên có hợp lý hay không, chúng ta nên so sánh vài dữ kiện của nó với thành Điện Bàn được xây cất do vua Minh Mạng vào năm 1833.
Phân Bố
Ngoại Thành Dinh Chiêm (DC)
Thành Điện Bàn (ĐB)
Ghi Chú
Dài (m) x Rộng (m)
750 x 500
598 x 564
Dữ kiện của ngoại thành D.C. từ ông Chapman (1778), đó là chiều rộng bằng khoảng 2/3 chiều dài; dữ kiện của thành ĐB được đo từ Google Map.
Chu vi (km)
2,4
2,3
Chu vi thành ĐB được trích ra từ Đại Nam Nhất Thống Chí, Q7, 2006, trang 396. Chu vi ngoại thành DC đo bởi Google Map. Hai dữ kiện rất tương ứng.
Diện Tích (ha)
37,5
33,7
Diện tích = Dài x Rộng; Hai dữ kiện rất tương ứng.
Tường cao (m)
3-3,3
5,64
Tường cao thành ĐB được trích ra từ Đại Nam Nhất Thống Chí, Q7, 2006, trang 396. Tường ngoại thành DC rất thấp so với một tòa thành. Nguồn: Chapman, 1778.
Hào rộng (m)
2
21
Hào thành ĐB được trích từ Đại Nam Nhất Thống Chí, Q7, 2006, trang 396. Hào ngoại thành DC rất hẹp; vì thế sẽ dễ bị tấn công. Nguồn: Chapman, 1778.
Bảng 4 – So Sánh Vài Dữ Kiện về Thành Dinh Chiêm (1778) và Thành Điện Bàn (1833)
Kết quả từ Bảng 4 cho thấy ngoại thành Dinh Chiêm, tuy xây bằng đất, rất tương xứng với thành Điện Bàn được xây sau này vào năm 1833 – thí dụ, chu vi của ngoại thành Dinh Chiêm là 2,4 km so với 2,3 km của thành Điện Bàn.
Ngoài ra, khi chúng tôi đặt vị trí của trạm nghỉ Thanh Chiêm tìm ra trong Phần 2, “Cần Húc ở Đâu?” trong Hình 8 vào Hình 31, chúng tôi nhận thấy rằng trạm nghỉ Thanh Chiêm nằm sát bên ngoài bờ tường đông bắc của ngoại thành Dinh Chiêm. Điều này cho thấy vị trí của tường thành và trạm nghỉ Thanh Chiêm rất tương đồng và hợp lý vì trạm nghỉ là nơi các quan lại và nhà ngoại giao ngoại quốc tạm nghỉ chân trước khi vào yết kiến Trấn Quan Quảng Nam. Trạm nghỉ này, vì thế, tuy gần tường thành, nhưng vẫn phải nằm ngoài phạm vi ngoại thành.
Kết Luận
So sánh với những phân bố từ thành Điện Bàn, kích thước của ngoại thành Dinh Chiêm vào năm 1778 mà chúng tôi dùng Google Map vẽ có vẻ thích hợp với lời tường trình của Charles Chapman. Ngoại thành Dinh Chiêm là một hình chữ nhật mà chiều rộng giáp với bức tường của nội thành chạy song song bên cạnh đường Thiên Lý với khoàng cách 500 m từ hướng tây bắc xuống đông nam; chiều dài ngoại thành chạy song song với đường Nguyễn Du hướng lên phía đông bắc – mặt ngoại thành đông bắc cắt ngang đường Nguyễn Du tại tọa độ khoảng 15,870625 độ Vĩ, 108,66489 độ Kinh. Từ mặt tây nam thành, nhìn ra khoảng 100 m là nhà thờ Phước Kiều. Còn làng Đúc Đồng Phước Kiều nằm gọn trong ngoại thành gần nhà thờ Phước Kiều, cách nhau bởi bức tường đất cao khoảng 3 m – hãy xem lại Hình 31.
Mặc dầu ông Chapman cho biết một số ô vuông xây bằng gạch. Hiện nay chúng tôi không rõ chợ, kho gạo, trại lính, chuồng ngựa, hay chuồng voi mà ông nhắc đến nằm ở góc cạnh nào trên bản đồ. Những điều này sẽ cần nghiên cứu thêm để được sáng tỏ.
Tuy nhiên, sau cuộc chiến mà nhà Nguyễn thất bại trong việc bảo vệ Phú Xuân và Dinh Chiêm, chúng tôi không khỏi ngẩm nghĩ và ngao ngán về việc để việc phòng thủ ngoại thành Dinh Chiêm xuống mức quá tệ hại, đó là vì tường thành quá thấp; hào rộng và sâu không đủ. Nhà Nguyễn vào đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), nghĩ cho cùng, quá thật lơ là trong việc quốc phòng lại phóng túng quá độ triều cương để rồi Trương Phúc Loan lộng quyền.
Hiện nay, chúng tôi không rõ lý do gì mà vua Gia Long, sau chiến tranh, khi sửa chữa thành Dinh Chiêm lại không bao gồm ngoại thành mà chỉ có nội thành mà thôi. Có lẽ là vì cuộc nội chiến nam-bắc đã chấm dứt. Điều này được phản ảnh trong bản đồ Pháp thuộc (1907-1916) – Hình 7 dưới đời vua Duy Tân. Nhưng rất tiếc, trong những năm sau đó (khoảng 1925), chính quyển Pháp thuộc cũng đã phá hủy di tích của nội thành luôn để xây đường QL-1– hãy xem hình 27.
Cuộc Tìm Kiếm Vị Trí của Trạm Thương Khách trên Bờ Sông Chợ Củi
Công cuộc kế tiếp của chúng tôi là đi tìm kiếm vị trí của Trạm Thương Khách bên bờ Sông Chợ Củi mà vào năm 1640, các thương nhân Nhật Bản ghé thăm Trấn Quan Quảng Nam. Nhìn vào Tranh Chaya, chúng ta sẽ thấy căn nhà ngang rộng lớn này nằm sát bên bờ sông tiếp giáp với Đường Thiên Lý. Trong nhiều thế kỷ trước, ở phía tây nam Sông Chợ Củi, con đường đất Thiên Lý chạy dọc sát theo bờ sông phía tây nam. Nằm trên bờ sông, con thuyền Châu Ấn Nhật Bản thả neo gần Trạm Thương Khách. Tuy nhiên, qua nhiều năm tháng dài, Tranh Chaya không được hoàn toàn vì bị mất hai nơi. Nói chung, bức tranh bị rách giữa Khúc Lũy và cửa sông Điện Bình nên chúng tôi phải tìm cách bổ khuyết vào chỗ trống cho hợp lý (Hãy xem Hình 36).
Phương Pháp Tìm Kiếm
Vào khoảng năm 2015, chúng tôi đã đọc một bài báo nói rằng các nhà khoa học dùng vệ tinh nhân tạo chụp hình, vừa khám phá ra một hệ thống sông ngòi cổ nằm dưới lớp cát vàng trong sa mạc Sahara ở Phi Châu. Hệ thống sông ngòi này đã hiện hữu khoảng 2.000 đến 5.000 năm về trước. Nếu chụp hình bình thường, các nhà bác học không thể tìm ra điều nhiều kinh ngạc và thú vị như thế này. Cũng vì thế, chúng tôi nảy ra một ý nghĩ, đó là dùng hình satellite từ Google hay Google Earth, chụp trong vùng nam Điện Bàn với hy vọng rằng chúng tôi có thể nhận dạng ra bờ sông nơi con tàu buôn Nhật Bản thả neo bên cạnh tòa nhà Trại Thương Khách trước năm 1640. Tuy không chắc chắn, chúng tôi tin tưởng rằng mình có thể khám phá ra nhiều điều mới mẻ và bổ ích vì hình chụp từ vệ tinh có thể xuyên thấu qua nước và bùn lầy; các địa phận cao sẽ có màu nâu hay xam xám, còn các địa phận thấp như đồng ruộng, đất trũng sẽ có màu xanh lá cây. Riêng các vùng thật thấp sẽ có màu nâu hay đen đậm. Từ đó, chúng tôi có thể nhận dạng ra các sông ngòi cổ, đầm, hồ, cồn, gò, bãi bồi do đất phù sa tạo ra. Sau khi loại bỏ các địa điểm thấp bồi bổ từ phù sa trong quá khứ, chúng tôi hy vọng sẽ có một khái niệm tổng quát về địa hình của nam Điện Bàn trong nhiều thế kỷ trước. Thường thường sau nhiều thế kỷ, phù sa bồi đắp bờ sông theo thứ tự thời gian và qua nhiều lớp trầm tích chồng chất lên khác nhau. Chúng tôi hy vọng sẽ thấy rõ những đường lớp phù sa rõ rệt nằm bên bờ sông Chợ Củi, nơi Trạm Thương Khách được xây lên. Sau đó, chúng tôi sẽ dùng những chi tiết trong Tranh Chaya và so sánh với hình ảnh vệ tinh của Google để mong nhận diện ra bờ sông Chợ Củi.
Nhìn vào Hình 17 chúng tôi nhận thấy rằng địa hình Nam Điện Bàn và sông ngòi hiện nay (2023) đang trong Chu Kỳ 3 – Hãy xem Bảng 3. Trong chu kỳ này, Sông Cầu Mống gần như khô cạn. Số lượng nước chảy từ Sông Câu Lâu và Dưỡng Chân chảy vào nó rất it ỏi. Hình 17 cũng cho thấy hai con đường Quốc Lộ (QL) xưa và nay. Đường đất Thiên Lý (còn gọi là đường Cái Quan) là tuyến đường cũ kĩ nhất nằm cuối cùng gần bờ sông Chợ Củi nhất; tuyến đường thứ hai là đường Nguyễn Hoàng trước đây là QL-1 được xây cất từ thời Pháp thuộc vào khoảng 1925; còn con đường QL-1A được xây cất trong khoảng thời gian gần đây (sau 2000). Trong công cuộc tìm kiếm Trạm Thương Khách, chúng tôi chỉ muốn để ý đến con đường cổ Thiên Lý mà thôi vì hai tuyến đường Quốc Lộ được xây dựng và chỉ tồn tại về sau này.
Kế tiếp, vẫn dùng website này, chúng tôi tăng mực nước lên đến 12 m với mục đích là để xem đâu là điểm cao nhất trên tuyến đường Thiên Lý. Kết quả là hầu hết nam Điện Bàn đều nằm dưới mặt nước, ngoại trừ một vài nơi. Riêng trên tuyến đường Thiên Lý, có hai địa điểm cao đáng kể mà có thể là nơi lập Trạm Thương Khách được. Hãy xem địa điểm 1 và 2 trên Hình 33 sau đây:
Bắt tay vào công việc chính, chúng tôi tìm kiếm một bản đồ chụp từ vệ tinh trong Google Map cho miền nam Điện Bàn (Hãy xem Hình 34) và bắt đầu công việc tìm ra những đầm, hồ và sông. Điều ngạc nhiên là hình dáng các sông ngòi xưa và nay hiện ra rất rõ, kể cả các đầm lầy và hồ ao. Từ hình vệ tinh, chúng tôi có thể thấy phường Điện Phương bị chia ra hai phần đông và tây bởi con sông Cầu Mống. Cũng giống như những gì vẽ trong Tranh Chaya (1640), sông ngòi ngày xưa rất rộng kể cả sông Cầu Mống, sông Câu Lâu và sông Chợ Củi. Chúng tôi cũng nhận thấy hình chụp vệ tinh rất ăn khớp với hình ảnh lấy ra từ floodmap.net. Nói chung là miền nam Điện Bàn ngày xưa loang lổ đầm lầy với gò bồi khắp nơi. Muốn tìm kiếm một nơi cao ráo để dựng một dinh thự lại gần bờ sông và đường bộ cho thuận tiện lưu thông thật khó khăn. Nghĩ về Chúa Nguyễn Hoàng (1525-1613) khi đi ngang qua Cần Húc có lẽ rất hài lòng về địa thế vùng này vì nó nằm trên một vùng đất cao, lại gần sông Cầu Mống, cách Hội An không xa (khoảng 5, 6 cây số) nên cuối cùng quyết định đặt lỵ sở dinh trấn Quảng Nam tại đây. Nơi đây chính là xã Cần Húc. Có lẽ điều ngài không thể ngờ là nạn lụt lội ở miền nam Điện Bàn xảy ra rất thường xuyên. Có khi nước lủ kéo đến phá bờ sông, chọc thủng đất đai, thay đổi đường hướng trước kia của sông Cầu Mống. Và chính vì lý do này, theo chúng tôi nghĩ, ngài mới di dần Dinh Chiêm về phía tây nam đi theo con đường đất chạy đến bờ sông Chợ Củi.
Hình 34 – Sông Ngòi Nam Điện Bàn (2023) Chụp từ Vệ Tinh Lọc Bỏ Phù Sa từ 400 Năm Qua. Nguồn: Google Map
Công việc kế tiếp là tìm kiếm bờ sông Chợ Củi nằm phía tây nam Điện Bàn, gần tuyến đường Thiên Lý chạy song song theo bờ sông. Xem xét kỹ lưỡng các cồn bồi nằm phía bên trái tuyến đường Thiên Lý, chúng tôi nhận thấy một đường ranh giới mờ nhạt do phù sa bù đắp. Theo đó, chúng tôi dùng mực xanh lá cây vẽ theo và tẩy sạch các gò bồi ngoài con đường ranh giới này. Chúng tôi tin tưởng rằng mình đã tìm ra bờ sông Chợ Củi đầu thế kỷ 17. Hãy xem Hình 35.
Hình 35 – Bờ Sông Chợ Củi lọc ra từ Hình Vệ Tinh Google Map
Bây giờ hãy ghi nhận Chi Tiết B, C, D và E trong Tranh Chaya rồi so so sánh từng vị trí một với hình vệ tinh Google Map:
Hình 36 – So Sánh Các Chi Tiết trong Tranh Chaya và Hình Vệ Tinh Google Map của Nam Điện Bàn
Để định rõ vị trí của Trạm Thương Khách, chúng tôi sẽ dùng những chi tiết của Hình 34, 35 và kết nối với Hình 36. Sau khi quan sát kỹ lưỡng và tỉ mỉ cả ba hình, chúng tôi cho rằng trạm đón khách có thể nằm trên mảnh đất cao (mảnh đất số 1 trên Hình 33) với chiều dài khoảng 40-50 m, và chiều rộng khoảng 20-25 m, sát bên bờ sông Chợ Củi, bên trái tuyến đường Thiên Lý – nó nằm sát cạnh Khu Thể Thao Đông Phương 1 hiện nay ở phía nam.
Trạm Thương Khách là một tòa nhà ngang làm bằng gỗ tương đối rất đồ sộ. Quan sát kỹ cho thấy rằng có hai sàn nhà cao, thấp được thiết kế theo lối nhà người Nhật Bản. Sàn nhà cao là nơi chủ nhà ngồi tiếp khách. Trước khi vào nhà, quan khách đi qua một sân rộng; trước là cửa chính. Nằm hai bên bên cửa, dọc theo hàng rào tre là 4 khẩu thần công đúc bằng đồng chổng đầu lên không trung như trông chờ đón khách vậy. Bên bờ sông hiền hòa có con tàu buôn shuinsen Nhật Bản đang thả neo; cờ đỏ bay phất phới theo chiều gió. Căn nhà này đối diện với góc tường thành bắc-tây bắc của nội thành. Chúng tôi nghĩ, để vào thành, phái đoàn thương nhân phải ra tuyến đường Thiên Lý đi về phía đông nam, chạy võng hay ngựa theo con đường trước cửa thành chính nằm ở góc tây nam – Các thành trì ở Trung Quốc hay Đại Việt đều có cửa chính đặt ở phía nam thành. Chúng tôi nghĩ đặt Trạm Thương Khách trước mặt thành, ngay bờ sông Chợ Củi là đúng cách. Mảnh đất số 2 trên Hình 33, nằm ngay ngã ba tuyến đường Thiên Lý và Nguyễn Du nay, không thích hợp vì quá chật hẹp. Nếu chú ý một chút, chúng ta sẽ thấy chòi canh cao nhìn về hướng sông nằm đàng sau trạm khách. Để bảo vệ sự an toàn cho các thương nhân và Công Tử Kỳ, căn nhà đều bao kín bởi ba mặt sông ngòi và thành trì. Đó là không kể lính canh gác cầm kiếm dài đứng khắp nơi. Hãy xem Hình 37.
Hình 37 – Vị Trí Nội Thành Dinh Chiêm và Trạm Thương Khách ở Đầu Thế Kỷ 17
Nếu chú ý thêm một chút, chúng ta sẽ nhận thấy cơ sở Đúc Đồng Phước Kiều nằm bên cửa tây bắc của nội thành Dinh Chiêm cách cửa thành khoảng 100 m mà vị trí nó nằm giữa hai con sông chắn ngang mặt thành bắc của Dinh Chiêm. Ngoài ra, nhà thờ Công Giáo Phước Kiều (Andre Phú Yên) mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó chính là ngôi nhà thờ mà G.S. Francisco de Pina đã xây dựng vào năm 1623 nằm cách mặt thành không xa, khoảng 300 m về hướng tây bắc. Còn Chợ Tổng nổi danh ở Thanh Chiêm cũng hiện diện trong hình, nhưng đối với nội thành Dinh Chiêm, nó quá mới mẻ vì được xây dựng vào khoảng 1945. Dựa theo bản đồ thời Pháp Thuộc (1907-1916) – hình 7, khu chợ này có thể nằm dọc theo mặt nam của nội thành Dinh Chiêm hoặc nằm hẳn trong nội thành. Nếu nhìn về góc đông bắc trên mặt thành, nếu đứng từ vị trí này chúng ta có thể nhìn qua đường Nguyễn Du xưa và thấy được trường THCS Nguyễn Du hiện nay.
Last updated
Was this helpful?