Phần 02-Chủ đề "Có nên đi học từ Cao Đẳng,Đại Học hoặc bỏ học?!!"

[Lưu ý : các nội dung trong đây mình tổng hợp từ rất nhiều nguồn từ báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Facebook, Youtube v.v....]

......

Có cần học đại học không?

"Có cần phải học đại học khi nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp?" - câu hỏi của một học sinh trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Gia Lai cuối tuần qua thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Từ câu hỏi này, báo Tuổi Trẻ mở Diễn đàn "Có cần học đại học không?" để ghi nhận thêm ý kiến từ người trong cuộc và chuyên gia. Bài viết gửi về giaoduc@tuoitre.com.vn

* Ông Dương Anh Đức (phó chủ tịch UBND TP.HCM):

Đại học giúp phát triển cá nhân nhiều lĩnh vực

Học đại học có thể giúp cho bạn nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình trong một lĩnh vực cụ thể, và cung cấp cho bạn những cơ hội nghề nghiệp tốt hơn.

Việc học đại học cũng có thể giúp cho bạn phát triển những kỹ năng như tư duy phản biện, giao tiếp và làm việc nhóm. Nếu bạn muốn theo một nghề nghiệp cụ thể, học đại học có thể giúp cho bạn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Ví dụ, nếu bạn muốn trở thành kỹ sư, bạn cần phải học một chuyên ngành liên quan đến kỹ thuật. Nếu bạn muốn trở thành nhà kinh doanh, bạn có thể học một chuyên ngành kinh tế hoặc quản trị kinh doanh.

Bên cạnh đó, học đại học không chỉ giúp cho việc tìm kiếm việc làm mà còn giúp cho sự phát triển cá nhân của bạn trong các lĩnh vực khác nhau, từ nghệ thuật đến xã hội, từ khoa học đến nhân văn.

* TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo):

Tùy thuộc vào mỗi người

Câu hỏi có nên học đại học hay không tùy thuộc vào sự quan tâm, ham muốn phát triển bản thân và sự nghiệp tương lai do lợi ích của học vấn đại học mang lại. Học đại học giúp nâng cao cơ hội việc làm, thu nhập cao hơn, trí tuệ phát triển, mở rộng các mối quan hệ xã hội khác...

Rồi một số bạn trẻ tốt nghiệp đại học kỳ vọng sẽ có được hôn nhân như ý muốn để thế hệ sau sinh ra thông minh và dễ hơn cho chăm sóc gia đình, sức khỏe, tinh thần...

Hiện nay, lao động Việt Nam có trình độ đại học còn rất thấp so với một số quốc gia khác ở Đông Nam Á, vì thế Việt Nam cần phải phát triển giáo dục đại học nếu không muốn tụt hậu.

Tuy nhiên, việc chọn học đại học luôn là thách thức với mọi người cần vượt qua cả về học tập, thời gian và tiền bạc. Nếu học lực trung bình thì bạn trẻ cần cố gắng, chọn chương trình phù hợp, quản lý thời gian, thay đổi cách học cho phù hợp với môi trường đại học.

* Bà Ngô Phương Thảo (sáng lập Anbooks):

Học đại học không chỉ để làm việc

Nhìn về nguồn gốc đại học, có thể thấy rằng bản chất đại học là một "hiệp hội sinh viên", nơi những người có năng lực tư duy, khao khát tự do và phát triển gặp gỡ nhau để cùng tạo ra những định chế, những nguồn lực, những kết nối mà ở đó tri thức khoa học là chủ thể, là trọng tâm để dẫn dắt hoạt động.

Vì vậy giá trị của đại học chân chính không phải chỉ là đào tạo ra con người công cụ, được trang bị đủ kỹ năng để tham gia thị trường lao động mà còn là tạo ra môi trường học thuật - nơi trang bị tư duy học thuật, nơi tổ chức và khuyến khích các sân chơi học thuật, nơi người học được phát triển hệ thống tư duy toàn diện.

Học đại học giúp ta có được phương thức tiếp cận, góc nhìn tổng quát và có hệ thống khi vận hành cuộc đời mình, không chỉ là làm việc. Vậy nên, theo tôi, câu hỏi không chỉ là có nên học đại học không, mà có thể cân nhắc đến câu khác: Học đại học thế nào? Chuyển đổi đại học thế nào để phù hợp với bối cảnh mới?

* Nguyễn Thị Quỳnh Anh (sinh viên khoa giáo dục nghệ thuật, Trường đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng):

Không phải con đường duy nhất

Tôi là sinh viên năm cuối. Với những trải nghiệm của mình, tôi nhận thấy đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công nhưng là con đường ngắn nhất và ổn định nhất mà bạn nên chọn.

Thời học phổ thông, tôi yêu thích âm nhạc, cụ thể là piano, nên muốn theo học bộ môn nghệ thuật này để thỏa đam mê. Lúc đó, nhiều người bảo tôi thích đàn thì cần chi phải học đại học. Nhờ sự định hướng của mẹ tôi - một giáo viên dạy văn - và qua tìm hiểu, tôi chọn ngành sư phạm âm nhạc.

Qua quá trình học, tôi nhận thấy học đại học là để tạo nền móng, để xác định được đối với ngành nghề của mình bạn cần những gì và phải đi như thế nào.

Trên giảng đường, tôi không những được học đàn mà còn được học nhiều kiến thức và kỹ năng khác, học nghiệp vụ sư phạm... Những nền tảng kiến thức đó giúp tôi tự tin hơn rất nhiều khi bước vào đời. Tôi đã có một quãng thanh xuân thực sự đáng nhớ ở môi trường đại học.

* Bà Bùi Thị Đức Hạnh (Quảng Nam):

Đại học không chỉ dạy kiến thức

Nhiều người cho rằng công việc của họ không cần sử dụng đến kiến thức được học ở đại học, nhưng thật ra nhờ tấm bằng đại học họ mới có được công việc đó. Nhiều người cho rằng sinh viên sau khi ra trường làm trái nghề nên thời gian học đại học là lãng phí.

Nhưng tôi nghĩ như vậy là không đúng, bởi trường đại học không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy cách tư duy. Bản thân tôi sau khi tốt nghiệp đại học, tôi không đi xin việc mà tự kinh doanh.

Thực sự tôi nhận thấy nếu không học đại học sẽ không làm tốt công việc hiện tại. Những mối quan hệ có được trong thời gian học đại học cũng đã giúp tôi có nhiều thuận lợi trong công việc kinh doanh của mình. Người có học vẫn xử lý mọi việc tốt hơn người ít học. Do vậy, hầu hết cha mẹ đều muốn con mình được học đến nơi đến chốn, phải học đại học.

Tôi cho con học trung cấp

Tôi không cho con trai tôi học đại học sau khi phân tích học đại học quá tốn kém tiền của và thời gian.

Tôi hướng dẫn cháu học kỹ thuật điện ô tô ở trung tâm dạy nghề. Sau khi học xong trung cấp nghề, tôi cho cháu vào làm ở một gara tại Thủ Đức (TP.HCM) và cho học bằng lái xe B2. Hiện tại cháu vừa làm điện ô tô vừa làm dạy lái xe...

(Bạn đọc Trần Nam)

Phải nâng cao chất lượng đào tạo đại học

Nhiều học sinh ở phổ thông năng lực kém nhưng vẫn vào đại học. Để thu hút được sinh viên, các trường đại học tìm cách cho các em ra trường.

Cuối cùng các em không có năng lực để làm việc theo trình độ đại học, dẫn tới thất nghiệp. Phụ huynh cứ nghĩ con mình học đại học là giỏi, chạy vay ngân hàng cho con ăn học nhưng cuối cùng lại thất nghiệp.

(Một bạn đọc)

............

6 lí do bạn nên học đại học

Học đại học không phải là con đường duy nhất dẫn bạn đến với thành công, nhưng nó có thể là con đường ngắn nhất, vững chắc nhất. Không nên vì những khó khăn hay lợi ích trước mắt mà giới hạn tương lai của mình. Hãy mở rộng tầm nhìn, suy nghĩ, cân nhắc thật kĩ trước khi quyết định.

Sau 12 năm học phổ thông, học sinh sẽ phải lựa chọn một hướng đi cho tương lai của mình. Có những bạn băn khoăn, không biết nên đi làm luôn hay đi học. Trong bài viết này, chúng tôi xin đưa ra một số lợi ích của việc học đại học để các bạn tham khảo.

1. Có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực

Mục tiêu giáo dục ở phổ thông trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản. Còn mục tiêu đào tạo ở đại học là trang bị cho sinh viên kiến thức, kĩ năng chuyên sâu về một lĩnh vực để đi làm. Vì vậy, những người học đại học sẽ có được kiến thức chuyên sâu để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định.

2. Học được phương pháp tư duy, cách giải quyết vấn đề

Khác biệt giữa học học phổ thông với học đại học là: ở phổ thông cung cấp kiến thức cho người học, còn ở đại học dạy phương pháp tư duy giải quyết vấn đề. Ở đại học, giảng viên là người đưa ra vấn đề, còn sinh viên là giải quyết vấn đề. Sau đó giảng viên sẽ đưa ra nhận xét, đánh giá, tổng kết vấn đề. Qua những bài tập đó, sinh viên sẽ học được cách tư duy giải quyết vấn đề. Phương pháp tư duy sẽ theo bạn suốt cuộc đời và giúp bạn giải quyết công việc một cách khách quan, toàn diện hơn.

3. Rèn luyện được nhiều kỹ năng

Trong quá trình học đại học, nhà trường sẽ trang bị cho bạn những kỹ năng mềm hoặc các bạn sẽ được rèn luyện những kỹ năng này qua quá trình làm việc nhóm hay tham gia các câu lạc bộ.

Những kỹ năng này sẽ giúp bạn cả trong quá trình học tập, công việc và cuộc sống. Trong quá trình học tập, kỹ năng mềm sẽ giúp bạn hòa nhập với bạn bè, thầy cô, biết cách học đại học, biết cách xác định mục tiêu và lập kế hoạch, biết cách quản lí thời gian,… giúp bạn có kết quả học tập tốt. Sau khi tốt nghiệp, kỹ năng mềm sẽ giúp bạn biết cách tìm được công việc phù hợp và thăng tiến nghề nghiệp. Trong cuộc sống, kỹ năng mềm sẽ mang lại cho bạn cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.

4. Có thêm nhiều mối quan hệ

Ngày nay, hầu hết các trường đại học đề đào tạo theo hình thức tín chỉ, không có lớp học cố định, vì vậy mỗi sinh viên có cơ hội được quen biết nhiều bạn khác nhau.

Ngoài ra, những hoạt động ngoài giờ học: các câu lạc bộ, các tổ chức tình nguyện, các cơ sở thực tập, các bạn ở trường khác… cũng giúp bạn có cơ hội tiếp xúc với nhiều người bạn khác, ở những nơi khác, ở những trường khác; bạn có thể học hỏi được thêm nhiều điều; và các mối quan hệ đó cũng sẽ giúp ích cho công việc, nghề nghiệp của bạn sau này.

5. Tăng cơ hội nghề nghiệp

Trong thực tế, đôi lúc người ta cần năng lực hơn là cần bằng cấp, nhưng nếu không có bằng cấp bạn phải nỗ lực rất nhiều, rất lâu thì người khác mới có thể thấy được năng lực của bạn, tin tưởng giao việc cho bạn. Ngược lại, tấm bằng đại học giống một bằng chứng đảm bảo rằng bạn có nền tảng kiến ​​thức và kỹ năng cần thiết đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Xã hội ngày nay, tuy có những công việc không cần bằng cấp vẫn có thể làm được, nhưng có những công việc chỉ có bằng cấp thì mới được xét tuyển. Như vậy, rõ ràng là những người có bằng cấp, được đào tạo bài bản thì sẽ có cơ hội công việc cao hơn.

6. Có thể có được thu nhập cao hơn

Một trong những lí do quan trọng và rõ ràng nhất của việc học đại học là tăng tiềm năng thu nhập của bạn. Điều này không có gì khó giải thích: khi bạn có bằng đại học, bạn sẽ có nhiều cơ hội để có được một việc làm tốt để có thu nhập cao hơn.

Tóm lại, học đại học không phải là con đường duy nhất dẫn bạn đến thành công, nhưng nó có thể là con đường ngắn nhất, vững chắc nhất. Không nên vì những khó khăn hay lợi ích trước mắt mà giới hạn tương lai của mình. Hãy mở rộng tầm nhìn, suy nghĩ, cân nhắc thật kĩ trước khi quyết định. Chúc các bạn thành công!

Huy Vĩ

Last updated

Was this helpful?