Cảm ơn các bạn đã cho phép Lộc đẹp trai làm hướng dẫn viên du lịch (Local Guide) 29.12.24
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Cảm ơn các bạn đã cho phép Lộc đẹp trai làm hướng dẫn viên du lịch (Local Guide) cho ngày hôm nay (29.12.2024) tại Biên Hoà & Tân Triều
-Tham quan quần thể mộ ông bà Trịnh Hoài Đức & gia tộc của ông Trịnh
-Văn miếu Trấn Biên
-"Mộ gió" công chúa Ngọc Vạn tại chùa Kim Cang
-Tham quan chùa Bửu Phước & nhìn cầu Bạch Đằng 2
-Ăn bưởi ngay tại vườn bưởi anh Tèo tại Tân Triều + thưởng thức mít vườn
-Nhà thờ Tân Triều
Đặc biệt: nhà của ông đốc phủ sứ Võ Hà Thanh.
‘Nhà lầu ông Phủ’, ẩn mình trong hoang phế
..................
Văn miếu Trấn Biên
Văn miếu Trấn Biên là "Văn miếu" đầu tiên được xây dựng (xây năm 1715) tại xứ Đàng Trong, để tôn vinh Khổng Tử, các danh nhân văn hóa nước Việt và là nơi đào tạo nhân tài phục vụ cho chế độ. Năm 1861, nơi thờ phụng trên đã bị thực dân Pháp phá bỏ. Mãi đến năm 1998, Văn miếu Trấn Biên mới được khởi công khôi phục lại nơi vị trí cũ, và hoàn thành vào năm 2002. Hiện nay toàn thể khu vực uy nghi đẹp đẽ này tọa lạc tại khu đất rộng thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Xây dựng
Năm 1698, khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào đến xứ Đồng Nai, thì vùng đất ấy đã khá trù phú với một thương cảng sầm uất, đó là Cù lao Phố.
Để có nơi bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa giáo dục xưa và nay của dân tộc Việt ở vùng đất mới, 17 năm sau, tức năm Ất Mùi (1715), chúa Nguyễn Phúc Chu sai trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn miếu Trấn Biên. Đây là "Văn miếu" đầu tiên được xây dựng tại xứ Đàng Trong, có trước cả văn miếu ở Vĩnh Long, Gia Định và Huế.
Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức
Văn miếu Trấn Biên được xây dựng tại thôn Tân Lai, tổng Phước Dinh, huyện Phước Chánh (nay thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa).
Và theo mô tả của Đại Nam nhất thống chí, thì Văn miếu Trấn Biên được xây dựng trên thế đất đẹp: Phía nam trông ra sông Phước Giang, phía bắc dựa vào núi Long Sơn, là một nơi cảnh đẹp thanh tú, cỏ cây tươi tốt...Bên trong rường cột chạm trổ, tinh xảo... Trong thành trăm hoa tươi tốt, có những cây tòng, cam quýt, bưởi, hoa sứ, mít, xoài, chuối và quả hồng xiêm đầy rẫy, sum sê, quả sai lại lớn....
Trước năm 1802, hằng năm, đích thân chúa Nguyễn Phúc Ánh đến Văn miếu Trấn Biên để hành lễ hai lần vào mùa xuân và mùa thu. Nhưng từ khi chúa Nguyễn lên ngôi ở Huế, thì quan tổng trấn thành Gia Định, thay mặt vua, cùng với trấn quan Biên Hòa và quan đốc học đến hành lễ...
Tương tự Văn miếu Huế, bên cạnh có Quốc tử giám để giảng dạy học trò. ở Biên Hòa, bên cạnh Văn miếu Trấn Biên là Tỉnh học (trường học tỉnh Biên Hòa). Trường học lớn của cả tỉnh này mãi đến đời vua Minh Mạng mới dời về thôn Tân Lại (nay thuộc phường Hòa Bình, Biên Hòa). Như vậy, ngoài vai trò thờ phụng, Văn miếu Trấn Biên còn đóng vai trò như một trung tâm văn hóa, giáo dục của thành phố Biên Hòa xưa và của cả Nam Bộ trước khi Văn miếu Gia Định ra đời.
Trùng tu
Khuê Văn Các.
Văn miếu Trấn Biên có hai lần được trùng tu lớn: Lần trùng tu thứ nhất vào năm Giáp Dần (1794). Khi ấy, chúa Nguyễn Phúc Ánh sai Lễ bộ Nguyễn Hồng Đô lo việc trùng tu, "giữa làm Đại Thành điện và Đại Thành môn, phía Đông làm Thần miếu, phía Tây làm Dục Thánh từ, trước xây tường ngang, phía tả có cửa Kim Thanh, phía hữu có cửa Ngọc Chấn, chính giữa sân trước dựng Khuê Văn các treo trống chuông trên đấy, phía tả có Sùng Văn đường, phía hữu có Duy Lễ đường. Chu vi bốn mặt ngoài xây thành vuông, mặt tiền làm cửa Văn miếu, phía tả phía hữu có cửa Nghi môn, rường cột chạm trổ, quy chế tinh xảo, đồ thờ có những thần bái, khám vàng, ve chén và đồ phủ quỹ biên đậu đều chỉnh nhã tinh khiết" (theo Trịnh Hoài Đức - Gia Định thành thông chí).
Lần trùng tu thứ hai vào năm Tự Đức thứ 5 (Nhâm Tý, 1852). Sau khi hoàn thành văn miếu có quy mô lớn hơn trước: "Văn miếu chính đường và tiền đường đều 5 gian, lại dựng thêm 2 dãy tả vu và hữu vu, mỗi dãy 5 gian, đền Khải Thánh, chính đường và tiền đường đều 3 gian, một tòa cửa giữa 3 gian, một tòa cửa trước 1 gian, một tòa kho đồ thờ 3 gian, một tòa Khuê Văn các 2 tầng, ba gian hai chái; phía trước, biển "Đại Thành điện" đổi làm "Văn miếu điện" và "Khải Thánh điện" đổi làm "Khải Thánh từ"
Được khôi phục
Ngày 9 tháng 12 năm 1998, một công trình mới mang tên Văn miếu Trấn Biên được khởi công khôi phục lại trên nền văn miếu cũ tại phường Bửu Long, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; cách trung tâm thành phố khoảng 3 km, và gần Trung tâm Văn hóa Du lịch Bửu Long trong phạm vi khoảng 2 ha, với số tiền đầu tư gần 20 tỷ đồng.
Công trình được khánh thành vào ngày mùng 3 Tết Nhâm Ngọ (nhằm ngày 14 tháng 2 năm 2002) với tổng diện tích gần 5 héc ta, trong đó khu trung tâm rộng khoảng 2 héc ta
Ngày 18 tháng 8 năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định về việc xếp hạng cấp Quốc gia di tích lịch sử Văn miếu Trấn Biên.[1]
Kiến trúc, thờ phụng
Từ trên gác Khuê Văn Các nhìn được một phần Văn miếu Trấn Biên.
Đây là công trình được xây dựng theo kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội, gồm các hạng mục: nhà thờ chính, tả vu hữu vu, sân hành lễ... thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài.
Nổi bật giữa vùng không gian thoáng đãng, nhiều cây xanh, là những vòm mái cong, lợp ngói lưu ly màu xanh ngọc (gốm tráng men). Từ Văn miếu môn lần lượt là nhà bia truyền thống Trấn Biên - Đồng Nai, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, cổng tam quan, nhà bia thứ hai thờ Khổng Tử và sau cùng là nhà thờ chính rộng lớn. Ở đây có tấm bia lớn có khắc dòng chữ to: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia".
thờ phụng
Nhà thờ chính xây dựng kiểu nhà ba gian hai chái, theo kiến trúc cổ, sơn son thếp vàng, nền lát gạch tàu, trên các cột nhà treo đôi liễn đối, như:
Nguyễn Hữu Cảnh định nghiệp Trấn Biên,
Lớp lớp anh tài giang lục tỉnh.
Võ Trường Toản mở trường Gia Định,
Đời đời sĩ khí nối tam gia.
Ở gian giữa có bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên tường có biểu tượng trống đồng tượng trưng cho nền văn hóa Việt Nam và Quốc Tổ Hùng Vương.
Bên trái nhà là nơi thờ các danh nhân văn hóa Việt Nam như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn,... bên phải thờ danh nhân đất Nam Bộ như Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông...
Trong gian thờ này, đặc biệt có trưng bày 18 kg đất và 18 lít nước mang về từ đền Hùng, biểu trưng cho 18 đời vua Hùng, cội nguồn của dân tộc Việt.
Phía trước hai bên nhà thờ chính còn có hai ngôi miếu, miếu bên trái thờ Tiên sư, miếu bên phải thờ Tiền hiền-Hậu hiền. Phía trước hai bên nhà thờ chính: Là Văn Vật Khố (nơi trưng bày 4 làng nghề truyền thống của Biên Hòa – Đồng Nai: nghề đồng, nghề mộc, nghề đá, nghề gốm). Cân xứng hài hòa với Văn Vật khố là Thư khố - nơi trưng bày các thư tịch cổ, các tài liệu, sách báo... viết về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay.
Ngoài ra, nơi Văn miếu Trấn Biên còn có khu sinh hoạt truyền thống gồm có nhà truyền thống, bia truyền thống, và các công trình phụ cận. Bia truyền thống Trấn Biên–Đồng Nai khắc bài văn khái quát về truyền thống văn hóa, giáo dục của Biên Hòa xưa và nay. Nhà truyền thống chủ yếu dùng để trưng bày và ghi danh những đơn vị, cá nhân đạt được các danh hiệu cấp nhà nước.
Du lịch
Hiện nay, du khách đến thăm Văn Miếu Trấn Biên ngày càng đông do phong cảnh rộng thoáng, với vẻ đẹp vừa cổ kính vừa trang nhã. Văn Miếu là nơi bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa-giáo dục xưa và nay của dân tộc và của đất Đồng Nai. Nơi đây còn rất gần với Khu du lịch văn hóa Bửu Long.
Tại Văn Miếu Trấn Biên thường tổ chức các lễ viếng các bậc tiền nhân, các lễ báo công, tuyên dương tài năng trên các lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa-giáo dục, các hoạt động mang tính văn hóa dân gian như lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, thả thuyền trên hồ... Văn Miếu Trấn Biên là nơi đón nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế khi đến thăm Đồng Nai.
(Nguồn từ Wikipedia / Clip : Lộc)
..................
Tham quan quần thể mộ ông bà Trịnh Hoài Đức & gia tộc của ông Trịnh
Đã từ lâu, danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức là một trong những niềm tự hào của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Ông là người con của xứ Trấn Biên, làm quan trải qua 2 triều Minh Mạng, Tự Đức, giữ nhiều chức vụ quan trọng nhưng sống thanh liêm giản dị, quên mình vì nước vì dân. Khi qua đời (năm 1825), ông được vua truy phong Thiếu bảo cần chánh điện đại học sĩ và đưa về an táng ở quê nhà tại làng Bình Trước, tỉnh Biên Hòa.
Khu mộ Trịnh Hoài Đức ngày nay nằm ở KP.3, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa. Căn cứ vào nội dung bia đá trong khu mộ cho thấy mộ của ông được xây dựng cùng với năm mất. Đặc biệt, lăng mộ Trịnh Hoài Đức là một quần thể rộng, gồm mộ của ông cùng với thê thiếp, các con cháu trong dòng tộc. Từ những năm 80 của thế kỷ 20 trở đi, có một giai đoạn quần thể mộ Trịnh Hoài Đức bị người dân địa phương lấn chiếm, thậm chí đập phá những ngôi mộ ở phía ngoài để xây dựng nhà cửa. Từ khi lăng mộ Trịnh Hoài Đức được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990, chính quyền địa phương có các biện pháp bảo vệ nên di tích không còn bị lấn chiếm, xâm phạm, nhưng cũng đã bị thu hẹp rất nhiều so với nguyên trạng. Hiện nay phần chính của khu mộ được giữ gìn, bảo vệ chỉ còn có mộ song táng của Trịnh Hoài Đức (gọi là mộ Ông) và phu nhân Lê Thị (mộ Bà).
* Kiến trúc độc đáo
Mộ Ông và mộ Bà có lối kiến trúc rất độc đáo, đạt đến trình độ mỹ thuật cao. Mộ được xây bằng đá ong tô vôi trộn với hợp chất, có thiết kế hình voi phục trên nền mộ hình chữ nhật, đầu voi hướng về phía bia đá. Theo các nhà nghiên cứu về lăng mộ ở Việt Nam, mộ kiến trúc hình voi phục hoặc ngưu miên (trâu nằm ngủ) có nguồn gốc từ văn hóa Hoa. Ở Cù lao Phố, Chợ Lớn, Thủ Đức, Hà Tiên - nơi có nhiều người Hoa sinh sống trong các đợt di dân lớn vào giữa cuối thế kỷ 17 đều có xuất hiện các mộ kiến trúc theo kiểu này. Tuy nhiên, ở mộ Trịnh Hoài Đức bố cục mặt bằng của mộ với hệ thống tường bao, trụ biểu, bình phong, bia đá và hoa văn trang trí lại theo nghi cách của các quan đại thần triều Nguyễn. Có thể nói, văn hóa Hoa - Việt hòa quyện một cách rất tự nhiên, hài hòa ở khu mộ này.
Một điều kỳ thú khác, đó là vào tháng 10-2003 trong khi san ủi mặt đường để thi công công trình đường ven Công viên Biên Hùng (nay là khu vực chợ đêm Biên Hùng, thuộc phường Trung Dũng), đơn vị thi công phát hiện một ngôi mộ trong khu vực thi công, nghi vấn là mộ cổ.
Thông tin này được báo về UBND tỉnh và Sở Văn hóa - thông tin (nay là Sở Văn hóa - thể thao và du lịch). Chính quyền địa phương đã cho ngưng thi công công trình để xem xét. Các chuyên viên khảo cổ của Bảo tàng Đồng Nai được cử ngay đến hiện trường, bước đầu xác định ngôi mộ nói trên là mộ hợp chất (một trong những đặc trưng của mộ cổ ở Đồng Nai), có vị trí nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia mộ Trịnh Hoài Đức. Ngày 3-12-2003, Bảo tàng Đồng Nai phối hợp với Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội TP.Hồ Chí Minh tiến hành đào thám sát, khai quật và xử lý.
Kết quả thám sát cho thấy, ngôi mộ này nằm theo hướng Bắc - Nam, cách di tích mộ Trịnh Hoài Đức khoảng 50m về hướng Bắc. Lúc phát hiện, phần trên của mộ (phần dương, tức phần nổi trên đất theo quy cách chôn ngày xưa) và bia mộ đã bị hư hại nên rất khó xác định nguồn gốc, niên đại cũng như chủ nhân ngôi mộ. Sau khi chụp ảnh, đo vẽ hiện trạng di chỉ, các nhà chuyên môn đã cho bóc hết lớp đất bề mặt với diện rộng 6x5m, sau đó đào sâu xuống từng lớp đất một, đến độ sâu khoảng 0,5m thì gặp phần âm của mộ với các dấu vết hợp chất.
Lớp hợp chất này có độ dày 0,6m, cấu tạo bằng vôi, cát, mật mía và một ít than hoạt tính. Đặc biệt, trong phạm vi huyệt mộ ở phía tây phát hiện được một ít than tro, một ít tóc cùng 2 miếng kim loại (thiết khí) tròn có đường kính 2,5cm, đồng tiền đồng có hình bàn tay và dòng chữ “Đại Gia Bảo”. Tuy nhiên, ngoài những hiện vật nói trên, trong mộ không tìm thấy quan tài hay di cốt như dự đoán ban đầu. Đào sâu xuống thêm gần 2m, các nhà khảo cổ vẫn không tìm thấy gì khác.
Từ những hiện vật thu được tại di chỉ, ông Đỗ Đình Truật (đã mất năm 2013) lúc ấy là chuyên viên của Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học TP.Hồ Chí Minh - một trong những nhà khảo cổ kỳ cựu hàng đầu của Việt Nam và là người trực tiếp tham gia thám sát và khai quật, kết luận đây chính là ngôi mộ yểm, được xây dựng để bảo vệ lăng mộ Trịnh Hoài Đức.
* Kỳ bí mộ yểm
Ông Đỗ Đình Truật giải thích, ngày xưa các vị vua chúa, quý tộc, công hầu khi xây dựng mồ mả rất chú trọng đến việc chọn thế phong thủy, quá trình chôn cất cũng phải theo đúng quy cách. Không nằm ngoài tập quán này, lăng mộ Trịnh Hoài Đức đã được xây cất đúng phong thủy cùng với tập quán tâm linh thời đó - điều mà ngày nay các nhà nghiên cứu gọi là “văn hóa mộ táng”, nhưng ở lăng mộ Trịnh Hoài Đức mang ý nghĩa là cầu an, cầu tài (là sự giỏi giang, không phải tiền tài), cầu hiền chứ không mang ý nghĩa mê tín dị đoan.
Theo phép phong thủy, mộ Trịnh Hoài Đức được chọn ở địa cuộc “tàng phong ẩn khí” (nghĩa là nơi gió quần mây tụ), đầu gối thiên sơn (đầu quay về núi, gò cao), chân đạp vạn thủy (chân hướng về hồ nước, đầm hoặc sông, biển). Địa thế này là nơi kết nối khí âm và khí dương tương ngộ, tương hòa. “Con sông Đồng Nai đã tạo ra một địa cuộc phong thủy tuyệt vời cho vùng đất này, không những thu được thiên khí qua các núi non trong vùng (núi Bửu Phong, núi Châu Thới) mà còn chuyển giao thủy khí cho hồ Linh Thủy (hồ trong khu vực Công viên Biên Hùng). Sông Đồng Nai trước khi từ giã vùng này còn lượn một vòng quanh Cù lao Phố rồi mới đổ về Gia Định (TP.Hồ Chí Minh). Địa cuộc như vậy sẽ là một vùng đất giàu có, an lành và phát triển lâu dài” - ông Đỗ Đình Truật nhận xét.
Về mặt tâm linh, các bậc vua chúa, quan lại, quý tộc ngày xưa trong cuộc sống có thể có gây thù oán nên khi xây mồ mả thường dụng phép trù yểm để ngăn việc phá phách, đào bới, xâm phạm. Ở ngôi mộ yểm này, phần trên được ngụy tạo như một ngôi mộ thật, đắp theo kiến trúc hình trái xoài nhô cao hơn đế mộ khoảng 30cm, nhưng bên trong chỉ có những vật dùng trong trù yểm. Đáng chú ý là 2 vật thiết khí được tìm thấy trong mộ. Ông Đỗ Đình Truật phỏng đoán, rất có thể đây là tiền đúc của một nhà giàu có nào đó trong vùng Biên Hoà xưa, đã tự đúc tiền để lưu hành ở trong vùng - một tập quán của các nhà giàu xưa ở khu vực Nam bộ. Còn miếng kim loại tròn màu trắng có thể là bạc trắng, đặc biệt là có đến 5 lỗ nhỏ đục xuyên thủng và kết nối các lỗ này với nhau bằng sợi chỉ trắng luồn qua luồn lại nhiều lần trong các lỗ. Ông Truật cho biết, thời xưa giới pháp sư, phù thủy thường dùng những thiết khí này để thu khí, thu hồn của người dám động đến mồ mả của người chết, thu được rồi hồn khí này sẽ buộc vào các dây chỉ để đời đời kiếp kiếp không thoát được, bởi các lưới chỉ đó tượng trưng cho lưới trời theo câu yểm “bồ chiếc bất năng thoát dã”. Những sợi tóc yểm trong mộ cùng với 2 thiết khí sẽ tạo thành thế yểm “đồng nhục dã” trấn áp những kẻ đến phá mộ. Những hiện vật này được đánh giá là có giá trị nghiên cứu về mặt lịch sử và văn hóa, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Đồng Nai.
Đáng chú ý, trước đó vào năm 1986 trong khu vực này cũng có một ngôi mộ yểm tương tự nằm ở vị trí Đông - Bắc của mộ Trịnh Hoài Đức bị người dân phá hủy để xây dựng nhà cửa. Ông Truật phỏng đoán, trong khu vực quần thể mộ Trịnh Hoài Đức có khả năng còn 2 ngôi mộ yểm nữa theo phép tự yểm 4 góc của người xưa, đồng thời khẳng định hồ Linh Thủy nằm trong tổng thể của khu mộ Trịnh Hoài Đức chứ không tách rời như hiện nay.
(Bài : Thanh Thúy / Clip : Lộc PT)
..................
‘Nhà lầu ông Phủ’, ẩn mình trong hoang phế - Nơi lưu dấu của một dòng họ nức tiếng
Tòa nhà khởi công xây dựng năm 1922, hoàn thành năm 1924, có cấu trúc tương tự tòa bố hành chính Biên Hòa (cơ quan làm việc của chế độ thuộc địa Pháp). Tòa nhà xây theo kiểu kiến trúc phương Tây, nhưng lại nằm vị trí đắc địa theo thuyết phong thủy phương Đông: mặt tiền nhìn ra sông Đồng Nai, mặt hậu dựa lưng vào dãy núi Bình Điện (núi Bửu Long). Toàn bộ trang trí nội thất đặt mua từ Pháp chở về bằng tàu biển. Nhưng vật liệu xây dựng lại được tận dụng từ nguồn có sẳn ở địa phương như: nền và tường ốp trang trí hoa văn bằng đá Bửu Long, lợp ngói và lát gạch của làng gốm Tân Vạn, lò gốm Hóa An.
Theo tư liệu thì ông Võ Hà Thanh nguyên quán tỉnh Quãng Ngãi, xuất thân từ một gia đình nghèo theo gia đình di cư vào Đồng Nai. Sinh thời, ông làm đủ mọi nghề để mưu sinh: mở hầm khai thác đá, lập đồn điền cao su… và dần dần tích cóp của cải, đất đai, trở thành một chủ đồn điền giàu nức tiếng của miền Đông Nam Bộ. Sau đó, chính quyền thuộc địa ban chức đốc phủ sứ, cai quản toàn tỉnh Biên Hòa. Qúa trình cống hiến của ông được chính phủ Pháp ghi nhận bằng tặng thưởng tấm huân chương Bắc đẩu bội tinh đệ ngũ đẳng danh giá.
Theo lời kể một cụ lớn tuổi sống ở Bửu Long hiện giờ thì vào năm 1952, Biên Hòa bị ngập nặng bởi trận "lụt Nhâm Thìn", gần 100 người dân sống quanh chợ Bửu Long phải chạy lên tầng 2 của tòa nhà sống tạm vài ngày, chờ nước lụt rút bớt. Qua câu chuyện mở rộng cửa ngôi biệt thự của nhà quan cho dân nghèo tạm lánh nạn, mới thấy tấm lòng độ lượng, thương người của ông Võ Hà Thuật (1901- 1969), một trong những người con của cụ đốc phủ Võ Hà Thanh, thế hệ thứ hai thừa hưởng ngôi biệt phủ.
Sau năm 1975, phần lớn con cháu dòng họ Võ Hà đi định cư nước ngoài. “Nhà lầu ông Phủ” được chính quyền cách mạng tận dụng làm....nhà trẻ rồi vài năm sau mới bàn giao quyền quản lý và sử dụng lại cho một người cháu ruột của cụ Võ đốc phủ đi tập kết ra miền Bắc từ năm 1954 trở về.
Tòa biệt thự cổ nổi tiếng nhờ...phim ảnh
Năm 1996, đạo diễn Lê Cung Bắc đã "mượn" tòa biệt thự để làm bối cảnh cho bộ phim truyền hình "Người đẹp Tây Đô" (cảnh nhà bá hộ bên chồng của nhân vật Bạch Cúc). Năm 2011, đạo diễn Lê Bảo Trung cũng quay vài phân cảnh ở tòa nhà này cho bộ phim hài kinh dị chiếu rạp "Bóng ma học đường”.
Hiện tại, cụ Tư Bưởi (tên Võ Minh Cảnh, 90 tuổi) là cháu nội của cố đốc phủ Võ Hà Thanh, đang quản lý và sử dụng trực tiếp biệt thự cổ. Trải qua biến cố của thời cuộc và dưới tác động của tự nhiên, xã hội nên "nhà lầu ông Phủ" hiện đang dần trở nên hoang tàn và có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Bên ngoài, từng mảng tường bị bong tróc, xuống màu. Bên trong thì một số cánh cửa gỗ đã bị mót mọt đục rệu rã. Ngoài tầng 2 làm nơi thờ phụng tổ tiên dòng họ Võ Hà thì toàn bộ diện tích tầng trệt “biến” thành cái "kho" bề bộn chứa hàng điện lạnh cũ.
Khách tham quan ghé thăm biệt thự khi nhìn khung cảnh hoang vắng của tòa nhà ẩn mình trong khu vườn cây cối rậm rạp, chép miệng tiếc rẻ cho một công trình kiến trúc độc đáo của tiền nhân. Cũng bởi hậu duệ Võ Hà vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan không có kế hoạch trùng tu, gìn giữ và phát huy di sản ông cha để lại...
(Bài viết bởi : Trường Trí / Clip bởi : Lộc PT )
.....
Mỗi chuyến đi,mỗi trải nghiệm tuyệt vời.
29/12/2024