Đình Bình Trước & Nhà hội Bình Trước - từ công sở đến di tích
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Tên gọi Bình Trước
TP.Biên Hòa với nhiều tên gọi cấp phường, đặc biệt là khu trung tâm với Quyết Thắng, Quang Vinh, Thống Nhất, Thanh Bình, Hòa Bình, Trung Dũng… đã thay thế cho một tên gọi khá quen thuộc trước đó - Bình Trước.
Giới trẻ hiện nay ít người biết đến tên gọi Bình Trước bởi những thay đổi về hành chính. Những người sống gắn bó với vùng đất Biên Hòa, vắt qua những thời đoạn thay đổi mới biết, mới nhớ tên gọi này bởi Bình Trước là địa danh thân thuộc, đơn vị hành chánh trong những giấy tờ liên quan cá nhân.
Bình Trước - địa danh thân thuộc
Tra cứu những tư liệu về Biên Hòa - Đồng Nai, ta thấy trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, từ thế kỷ XIX đã xuất hiện Bình Trước là một trong 46 thôn của tổng Phước Vinh, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long. Đến năm 1836, tổng Phước Vinh chia thành 3 tổng: Phước Vinh Thượng, Phước Vinh Trung, Phước Vinh Hạ. Bình Trước là phường duy nhất trong 22 thôn của tổng Phước Vinh Thượng. Từ thôn lên phường có thể nói là tính chất đô thị hóa ban đầu khá rõ nét của địa bàn Bình Trước.
Theo nhà nghiên cứu Lương Văn Lựu trong bộ sách Biên Hòa sử lược, xuất bản năm 1960, từ nửa cuối thế kỷ XIX, tỉnh Biên Hòa có 17 tổng thì Bình Trước có 8 ấp gồm: Tân Lân, Lân Thành, Lân Thị, Phước Lư, Vinh Thạnh, Bàu Hang, Đồng Lách, Sông Mây. Thuộc tổng Phước Vinh Thượng.
Thời Pháp thuộc, từ năm 1881 cho đến 1939, tổng Phước Vinh đổi thành Phước Vĩnh và Bình Trước thuộc tổng Phước Vĩnh Thượng. Từ năm 1939, Bình Trước là đơn vị xã thuộc quận Châu Thành, sau này thuộc quận Đức Tu vào năm 1963.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, từ năm 1948, chính quyền cách mạng chia địa bàn quận Châu Thành thành hai đơn vị: thị xã Biên Hòa là khu vực Bình Trước (với 5 khu, 8 ấp) và phần còn lại thuộc huyện Vĩnh Cửu. Sự sáp nhập, chia tách các đơn vị hành chánh cấp tỉnh và tên gọi sau này để phù hợp với tình hình đấu tranh của chính quyền đã diễn ra nhiều lần, nhưng xã Bình Trước vẫn được giữ với tính chất nội ô của đô thị Biên Hòa. Từ năm 1954 cho đến 1975, xã Bình Trước vẫn là đơn vị hành chính cấp xã đến năm 1976.
Dẫu có những thay đổi, chúng ta dễ nhận ra rằng, tên gọi đã hình thành khá sớm và tồn tại lâu dài trong lịch sử từ thời lập làng đến phố thị qua bao thăng trầm của Biên Hòa. Sự mất đi hay được thay thế như một quy luật của xã hội gắn với những biến chuyển của thời cuộc hay nhiều yếu tố tác động nhưng chắc hẳn vẫn lưu dấu trong dòng chảy văn hóa. Ngày nay, trong lòng đô thị Biên Hòa hiện đại, vẫn còn dấu ấn của tên gọi Bình Trước một thời.
Nhà hội Bình Trước - từ công sở đến di tích
Trên trục đường chính 30-4 của Biên Hòa, một kiến trúc khiêm tốn giữa bộn bề nhà cửa theo lối hiện đại nhưng khá độc đáo. Đó là di tích lịch sử nhà hội Bình Trước (đối diện Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũ) với lối kiến trúc kiểu nhà vuông.
Nhà võ/ nhà vuông/ nhà hội là thiết chế công của chính quyền từ thời nhà Nguyễn trên vùng đất Nam bộ và thực thi chức năng cho đến trước năm 1945. Tại Biên Hòa, nhà hội Bình Trước có tính chất công sở của đô thị nên được đầu tư xây dựng lớn so với các nơi khác trong tỉnh Biên Hòa. Hồ sơ về di tích cho thấy, chủ trương xây dựng của nhà hội từ tỉnh trưởng Bolen người Pháp từ năm 1936.
Nhà hội Bình Trước qua bao lần trùng tu, tôn tạo vẫn giữ được nét cổ kính đặc sắc với kiểu thức nhà vuông, mái bốn bên. Trong nhà hội trước đây có bàn thờ Tiên sư, truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt và cũng là sự nhắc nhở cho những người làm công chức thời xưa giữ mình, chú trọng đạo đức. Những mảng kiến trúc gỗ thể hiện sự tinh tế, không chỉ hiệu quả công năng sử dụng mà còn làm tăng vẻ đẹp kiến trúc bởi nghệ thuật điêu khắc. Các phù điêu, tranh, hoa văn bằng gốm sứ ở các cấu kiện kiến trúc được tạo tác tinh vi, sắc sảo với các đề tài truyền thống. Kiến trúc của nhà hội là sự sáng tạo tài hoa của những nghệ nhân xứ Biên Hòa xưa.
Di tích nhà hội ghi dấu một sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng Biên Hòa. Ngày 23-9-1945, hội nghị cán bộ tỉnh Biên Hòa quyết định thành lập Tỉnh ủy đầu tiên sau khi giành được chính quyền vào tháng Tám. Với giá trị nghệ thuật, lịch sử, nhà hội Bình Trước đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1991. Một không gian đô thị hiện đại của Biên Hòa vẫn còn lưu giữ dấn ấn kiến trúc công sở của làng xưa Bình Trước thật quý biết bao. Nơi đây, đã từng được sử dụng vào một số chức năng khác sau này nhưng có lẽ, để hiệu quả hơn cần xây dựng di tích này trở thành một điểm đến văn hóa, gắn với văn hóa đọc bên cạnh không gian của đô thị hiện đại, trước trường quốc tế sắp đi vào hoạt động.
Đình Bình Trước trong tâm thức làng giữa phố
Nội ô Biên Hòa có nhiều đình gắn với sự hình thành các đời sống cư dân thời đầu khai khẩn lập làng, dựng ấp như: Phước Lư, Lân Thị, Tân Mai, Bình Thiền, Tân Lân…
Trục đường chính với bùng binh Sông Phố ở Tòa bố Biên Hòa trước đây lên hướng Vườn Mít, có ngôi đình mang tên Bình Trước hiện tọa lạc tại KP.5, P.Trung Dũng, đối diện Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũ. Tên gọi của đình là dấu ấn đặc biệt của làng xưa, của địa danh tưởng chừng như vắng bóng sau biến động của thời cuộc. Xưa, tên của đình gắn với tên làng như quy luật bất thành văn có làng có đình để thờ thần Thành hoàng. Người dân tôn kính vị thần Thành hoàng với ước mong về “quốc thái dân an”, “phong điều vũ thuận”… cho nước, cho làng, cho nhà, cho bản thân… Hằng năm, tại đình làng diễn ra nhiều lễ với tập thành nghi thức trong đó lễ kỳ yên trở thành ngày hội của dân làng.
Những hoạt động văn hóa nghệ thuật trong lễ kỳ yên đã thu hút đông đảo người dân tham dự. Đình làng Bình Trước không chỉ là thiết chế tín ngưỡng mà còn là nơi gắn kết cư dân địa phương, truyền lưu những truyền thống tốt đẹp của cộng đồng.
Cùng với hệ thống đình làng ở Biên Hòa, đình Bình Trước góp phần trong bảo tồn những vốn di sản của thế hệ cư dân, được định danh cho một hệ thống tên làng, tên xã xưa đã hòa trong môi trường của đô thị.
Phan Đình Dũng
...........
Làng Bình Trước tôi yêu
Tôi may mắn sinh ra và lớn lên ở làng Bình Trước, tỉnh Biên Hòa (trước đây là khu 4, xã Bình Trước, quận Đức Tu; nay thuộc phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) một vùng đất linh thiêng, nơi an nghỉ của người con xứ Trấn Biên, là một trong những niềm tự hào của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai: danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức.
Có phải chăng vì là nơi “địa linh - nhân kiệt” nên trên địa bàn phường Trung Dũng ngày nay quy tụ khá nhiều di tích lịch sử, những cơ sở văn hóa, giáo dục. Đó cũng là những nơi mà tôi đã từng có thời gian gắn bó, có nhiều kỷ niệm và có may mắn được gặp gỡ, quen biết với khá nhiều nhân vật trong suốt thời gian 60 năm sinh sống ở nơi này.
Trước hết xin được nói về Trường THPT Ngô Quyền, ngôi trường đã có truyền thống hơn 60 năm, là ngôi trường trung học công lập đầu tiên của Biên Hòa - Đồng Nai vào thời điểm thành lập năm 1956. Nơi đây đã từng xuất hiện những nhân vật mà rất nhiều người ở Biên Hòa sinh ra vào thập kỷ 50 của thế kỷ trước đều biết đến như: thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên (Nguyễn Hoàng Hải) đã nổi tiếng từ những năm còn học ở bậc trung học đệ nhị cấp với những bài thơ tình được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và khá phổ biến ở miền Nam thời bấy giờ; cựu học sinh Võ Văn Sen, sau này trở thành Phó giáo sư, Tiến sĩ - Hiệu trưởng Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh. Nhiều cựu học sinh của ngôi trường này hiện đang là những cán bộ chủ chốt ở thành phố và tỉnh. Tôi còn nhớ những ngày tháng 5-1975 khi tham gia sinh hoạt ở Hội Liên hiệp thanh niên TP.Biên Hòa (trụ sở lúc đó đặt tạm tại Trường Ngô Quyền) đã cùng với các anh chị sinh viên, học sinh lúc bấy giờ hát vang những bài ca cách mạng.
Cách đó không xa, Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai (trước năm 1975 là Trường Kỹ thuật Biên Hòa), nơi đã đào tạo rất nhiều tài năng: đó là những điêu khắc gia, họa sĩ, những nhà thiết kế đồ họa, những nghệ nhân ngành gốm… đã và đang thành danh ở trong và ngoài tỉnh.
Liền kề với ngôi trường này là Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức - ngôi trường được vinh dự mang tên danh nhân văn hóa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai (có một thời ngôi trường này đã phải tạm thay đổi chức năng hoạt động, đến năm 1998 đúng vào dịp kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai, ngôi trường này đã được xây dựng mới, đồng thời cũng được trả lại tên gọi khi xưa là Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức).
Bên cạnh đó là ngôi trường THCS Trần Hưng Đạo (trước năm 1975 là Trường trung học Khiết Tâm - nơi tôi đã gắn bó suốt 7 năm theo học). Từ mái trường này, có những cô bé, cậu bé quàng khăn đỏ những năm 80 đầu năm 90 của thế kỷ trước, nay đã trở thành những nhà lãnh đạo, thủ lĩnh thanh niên thành phố, Bí thư đảng ủy phường, Phó hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo...
Thêm một ngôi trường phải kể đến là Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, mà người có công lớn trong bước đầu thành lập là NGƯT, nhạc sĩ Nguyễn Văn Vy - một người thầy có dáng người mảnh khảnh rất được nhiều thế hệ học sinh của nhà trường quý mến, bởi thầy đã cùng tập thể thầy cô giáo nơi đây góp phần đào tạo nên những tài năng nghệ thuật. Nhiều học sinh trưởng thành từ ngôi trường này đã đạt nhiều giải thưởng cao trong các kỳ hội thi - hội diễn cấp khu vực và toàn quốc, nhiều người đã và đang thành danh, thành đạt trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật ở Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trong cả nước như các ca sĩ: Hoài Nam, Thanh Sử, Phương Thùy, Phương Tuyền; các biên đạo múa: Thiên Lãng, NSƯT Lâm Bảo Thịnh…
Cũng ở vùng đất địa linh nhân kiệt này, có khá nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được hình thành từ hàng trăm năm trước, có thể kể đến như: Mộ cổ Trịnh Hoài Đức, nơi mà căn cứ vào nội dung bia đá trong khu mộ cho thấy mộ của ông được xây dựng cùng với năm ông mất (năm 1825). Từ khi mộ Trịnh Hoài Đức được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990, chính quyền địa phương đã có các biện pháp bảo vệ nên di tích không còn bị lấn chiếm, xâm phạm. Năm 1998 đúng vào dịp kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai, phần chính của khu mộ là mộ song táng của Trịnh Hoài Đức (gọi là mộ Ông) và phu nhân Lê thị (mộ Bà) đã được trùng tu và hiện nay đã có người thường xuyên chăm sóc, bảo vệ.
Đối diện với các ngôi trường Trần Hưng Đạo, Trịnh Hoài Đức, Mỹ thuật trang trí là Đài Chiến sĩ (người dân quen gọi là Đài Kỷ niệm), di tích này do chính quyền thực dân Pháp xây dựng vào năm 1923. Đây là nơi ghi nhớ 8 vạn người dân Việt Nam bị cưỡng bức đi lính cho thực dân Pháp và đã bỏ mạng nơi những miền đất xa xôi (bên ngoài tổ quốc Việt Nam) trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914-1918. Khác hoàn toàn với cảnh hoang phế trước đây, từ năm 1988 khi Đài Kỷ niệm được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi đây đã được trùng tu tôn tạo, trở thành công viên nơi người dân đến sinh hoạt và tập thể dục.
Đối diện Đài Chiến sĩ là một công trình mới được xây dựng sau này, đó là Tượng đài chiến thắng Sân bay Biên Hòa, nơi mà mỗi lần có dịp qua đây tôi chợt nhớ về vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Trần Công An - người trực tiếp tham gia trận tập kích vào Sân bay Biên Hòa đêm 30 rạng sáng 31-10-1964 - một ông già Nam bộ bình dị mà những năm tháng cuối đời vẫn thường dành thời gian để chăm sóc khu tượng đài này, thỉnh thoảng lại tham gia thuyết minh về sự kiện chiến thắng Sân bay Biên Hòa cho đoàn khách và học sinh khi đến tham quan tượng đài.
Tôi cũng không quên con đường từ Cổng 1 đến Cổng 2 sân bay khi xưa (nay là cổng A42 và Cổng Trung đoàn 935). Từ một con đường nhỏ ven vành đai sân bay Biên Hòa khi xưa nay đã trở thành một trong những đoạn đường đẹp nhất của TP.Biên Hòa.
Vào những ngày cuối năm này, TP.Biên Hòa như khoác lên mình chiếc áo mới xinh tươi hơn, rực rỡ hơn để chào đón những ngày lễ hội kỷ niệm 320 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Tuy còn đó bộn bề của một thành phố đang trong quá trình hoàn thiện để xứng tầm là đô thị loại 1, nhưng tôi tin tưởng rằng vào một ngày không xa Biên Hòa thật sự trở thành một thành phố tươi đẹp để mai sau con cháu tôi sẽ luôn vinh dự, tự hào mỗi khi có dịp ghi tên quê quán cha ông: Biên Hòa - Đồng Nai, tự hào là một người dân của một phường địa linh nhân kiệt như 4 câu thơ của cô giáo Phạm Khoa Thị Anh Đào (Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức) cảm tác nhân sự kiện 320 năm Biên Hòa - Đồng Nai:
Ai về Trung Dũng - Biên Hòa
Viếng mồ quan Trịnh ngàn đời linh thiêng
Ba trăm hai chục năm liền
Mùa xuân nở thắm, đất Biên hào hùng.
Phạm Đức Vượng
...
Tìm hiểu thêm về Biên Hòa